Ra tết, lãi suất lại tăng?
Với dấu hiệu lạm phát như hiện nay thì lãi suất khó đặt vấn đề giảm lãi suất mà liệu trần lãi suất 8% có giữ được?
Khoảng giữa tháng 11/2012, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 5,2-5,4%, dự kiến cả năm tăng khoảng 6%. Đến ngày 20/12/2012, Ngân hàng Nhà nước lại cho biết tăng trưởng tín dụng đạt 6,45% so với cuối năm 2011 và ước cả năm đạt khoảng 7%.
Tuy nhiên, ngày 9/1/2013, Ngân hàng Nhà nước có thông báo tín dụng đã tăng mạnh vào cuối năm 2012, khiến cả năm tăng trưởng 8,91%.
Qua những con số này, có thể thấy, hơn 11 tháng năm 2012 tín dụng chỉ tăng 5,4%, trong khi chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi cuối năm tín dụng tăng thêm 3,51%. Nếu những con số này là chính xác với việc bung ra mạnh mẽ tín dụng trong 1 khoảng thời gian ngắn cuối năm 2012 có là nguyên nhân gây áp lực lên lạm phát.
Trên thực tế, tháng 1/2013, theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI đã tăng tới 1,25% so với tháng 12/2012 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, so với thời điểm tháng 1 hàng năm, mức tăng CPI tăng 1,25% là cao.
Chỉ số CPI tăng cao đang gây áp lực lên lãi suất. Theo một số chuyên gia với tình hình như hiện nay thì không thể đặt vấn đề giảm lãi suất được nữa mà ngược lại phải đặt câu hỏi là lãi suất có tăng?.
Chỉ số CPI so cùng kỳ hiện nay là 7,07%, trong khi đó các dự báo cho biết, theo thông lệ cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng, Tết năm nay lại nằm trong kỳ tính CPI tháng 2/2013, cộng hưởng từ tiền điện tăng từ tháng 12/2012 và giá cước vận tải sẽ tăng dịp tết thì khó tránh khỏi CPI tháng 2/2013 sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Nếu CPI tháng 2 tiếp tục tăng cao, trong khi trần lãi suất huy động hiện đang là 8% thì chắc chắn sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động tiền gửi.
Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, với CPI như hiện nay, việc huy động vốn từ dân cư với lãi suất 8% đang trở nên rất khó khăn. Chỉ những vùng sâu vùng xa, nơi có ít các chi nhánh ngân hàng, người gửi tiền không có nhiều lựa chọn mới chấp nhận mức lãi suất này. Còn tại các thành phố, thị xã khó huy động được. Đối với tiết kiệm cá nhân với mức trần lãi suất 8%/năm không phải khách hàng nào cũng lựa chọn, mà vẫn đòi được trả thêm... Vì thế, ngân hàng phải kèm chương trình khuyến mãi ngoài lãi suất ghi trên sổ.
Giám đốc 1 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần cho biết trong tháng 1 vừa qua huy động vốn không hề dễ. Nhiều khách hàng đã rút tiền mua vàng, nhiều DN cũng hối hả rút để tiện việc chi trả lương, thưởng cho công nhân dịp Tết Nguyên đán.
Theo số liệu công bố tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2013 vừa qua thì tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 0,53%, nguyên nhân được lý giải chủ yếu là do DN và người dân rút tiền để chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng việc khách hàng rút tiền không loại trừ những nguyên nhân khác như chuyển hướng đầu tư khi thấy gửi tiền đồng không còn hiệu quả nữa.
Có lẽ cũng chính vì nguyên nhân đó mà vừa rồi một loạt các ngân hàng đã "vượt rào" lãi suất. Hiện nhiều ngân hàng đang huy động lãi suất ngắn hạn trên thị trường dân cư ở mức 11,5%, cao hơn 3,5% so với trần quy định.
Theo một số chuyên gia thì chắc chắn mức trần huy động 8% sẽ được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên trong giai đoạn này, nhưng việc các ngân hàng vượt trần sẽ ngày càng nhiều và không loại trừ một cuộc đua lãi suất mới nếu số dư tiền gửi vẫn tiếp tục giảm, nhất là với những ngân hàng có thanh khoản yếu, nợ xấu cao.
Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay khó có thể giảm. Một chuyên gia làm tại Ngân hàng Nhà nước cho biết, môt số ngân hàng có ý định sẽ đưa lãi suất cho vay với những khách hàng loại A về mức 10,5%-11% vào thời điểm cuối quý I/2013 này nhằm đẩy tăng trưởng tín dụng và cạnh tranh thu hút khách hàng tốt. Nhưng với tình hình hiện nay thì điều này chắc khó xảy ra.
Trong khi đó, các DN cho rằng, lãi suất cho vay phải về mức 9 - 10%/năm, thì mới tiếp cận vốn, do hàng tồn kho cao và sức mua yếu.Với lãi suất vay cao như hiện nay làm chỉ đủ để trả lãi ngân hàng thì vay làm gì.
Chính phủ đã khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất năm 2013 vẫn là kiểm soát chặt chẽ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng bên cạnh đó cũng đưa ra thông điệp sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Các ý kiến cho rằng không hạ lãi suất cho vay thì khó khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Nhưng nếu cứ để lãi suất huy động tăng thì khó có thể hạ lãi suất cho vay. Bên cạnh đó nếu để tín dụng bung ra mạnh trong thời gian ngắn thì mục tiêu kìm chế lạm phát khó đạt.
Trần Thủy
diễn đàn kinh tế VN
|