Hợp nhất hai sở GDCK: Lợi ích là số một
Việc hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán thành một trong năm 2014 là một vấn đề lớn, thậm chí tạo ra nhiều ý kiến băn khoăn về công nghệ, tổ chức và nhân sự.
Là một người trong cuộc, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đã đưa ra cảm nhận về sự hợp nhất này, cũng như về những hoạt động đáng chú ý của HNX thời gian gần đây.
Ông Trần Văn Dũng phát biểu tại lễ ký thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa hai sở giao dịch chứng khoán HNX và NYSE Euronext
|
Ông Dũng nói:
Trong câu chuyện hợp nhất hai sở, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra sẽ là cấu trúc nội tạng của sở giao dịch chứng khoán hợp nhất, làm sao để có lợi nhất cho sự phát triển lâu dài của thị trường, thuận lợi nhất cho thành viên và cho doanh nghiệp.
Tôi cho rằng sẽ không có sự triệt tiêu như nhiều người nghĩ, mà trái lại sẽ là một sự cộng hưởng sức mạnh của cả hai. Khi đã hợp nhất rồi thì sẽ chỉ có một sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, không có chuyện đặt vấn đề sở nào trong hai sở hiện tại là chính. Các vấn đề về trụ sở, bộ máy lãnh đạo chỉ là vấn đề kỹ thuật.
Vấn đề còn lại là tổ chức thị trường sao cho có lợi nhất. Sau khi hợp nhất, sở phải phát triển toàn diện các thị trường: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các sản phẩm phái sinh. Các thị trường sẽ vận hành tương đối độc lập và sẽ dần phát triển các sản phẩm khác nhau.
Các sở giao dịch trên thế giới có tính độc lập cao, thậm chí được tổ chức dưới dạng công ty cổ phần. Vậy theo ông mô hình nào cho sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là phù hợp?
Đúng là tính độc lập của các sở giao dịch trên thế giới rất lớn. Nếu là công ty cổ phần thì hoạt động phải vì lợi nhuận, và khi đó vai trò giám sát sẽ ít được chú trọng. Hơn nữa, khi là công ty cổ phần thì sở cũng sẽ là đối tượng hợp nhất và sáp nhập của các sở khác. Xu thế đó có tốt không?
Theo cá nhân tôi xu thế cổ phần hóa quá sớm để chạy theo lợi nhuận không phù hợp với điều kiện Việt Nam. Vai trò của sở giao dịch chứng khoán Việt Nam cần cân bằng giữa vai trò tổ chức và quản lý thị trường.
Giá như chậm lại một chút...
Quay trở lại với thời kỳ đầu khi sàn Hà Nội bắt đầu hoạt động, sau 7 năm, thị trường có giống với những hình dung ban đầu của ông hay không?
Thị trường đã phát triển nhanh hơn tưởng tượng rất nhiều. 7 năm để có một thị trường cổ phiếu và một thị trường trái phiếu phát triển như thế này là không dễ. Đó cũng có thể coi là một mặt tích cực. Tuy nhiên tôi cho rằng nếu thị trường phát triển chậm lại một chút và chắc chắn hơn thì chúng ta có một thị trường chứng khoán nhỏ hơn nhưng lại hiệu quả hơn.
Những thời kỳ bùng phát của thị trường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng sự phát triển quá nhanh của một vài thời kỳ khiến cho nhiều đối tượng của thị trường không kiểm soát được tốc độ: mức kỳ vọng của nhà đầu tư quá cao, cứ mua là có lãi; nhiều tổ chức niêm yết tranh thủ phát hành cổ phiếu quá nhiều trong khi sử dụng vốn lại không hiệu quả, dẫn đến hậu quả lâu dài cho tới tận bây giờ; công ty chứng khoán ra đời nhiều, nhưng một số không chú trọng đúng mức đến chất lượng và hậu quả cũng đang để lại gánh nặng.
Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta luôn mong muốn có những “giá như”. Giá như chúng ta kiểm soát tốt hơn sự phát triển của thị trường, chậm lại một chút, bình tĩnh một chút, điều chỉnh đảm bảo tốc độ ổn định và kiểm soát sử dụng vốn tốt hơn thì thị trường chứng khoán không lớn như hiện tại, nhưng hoạt động chắc chắn hơn...
Thông thường ở một cái chợ, nhà điều hành chỉ đưa ra những tiêu chuẩn cho hàng hóa, còn HNX lại coi trọng việc song hành, giúp đỡ doanh nghiệp cải thiện chất lượng thông tin. Đó có phải là cách thu hút doanh nghiệp không?
Đúng là trong những năm qua HNX đẩy khá mạnh câu chuyện quản trị doanh nghiệp. Đây là câu chuyện làm cho HNX có nhiều thành công. Sở đã tổ chức nhiều đợt đào tạo, tập huấn trong nước và tại nước ngoài cho các doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, diễn đàn về quản trị công ty “Nâng cao chất lượng hội đồng quản trị” được tổ chức phối hợp với IFC và Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) là một sự kiện gây được tiếng vang trong dư luận.
Hệ thống quản lý thông tin doanh nghiệp (CIMS) cho doanh nghiệp niêm yết/công ty chứng khoán công bố thông tin tự động kết hợp với việc miễn báo cáo, công bố thông tin bằng văn bản được triển khai. Đến nay, Sở đã triển khai cho 80% doanh nghiệp và 72% công ty chứng khoán thành viên công bố thông tin tự động thông qua hệ thống này.
Việc triển khai đồng bộ nhóm giải pháp đã góp phần giúp tình hình công bố thông tin có sự cải thiện rõ rệt so với năm trước. Tỷ lệ vi phạm công bố thông tin định kỳ đã giảm từ mức 37,3% năm 2011 xuống mức 11% năm 2012. Tỷ lệ vi phạm công bố thông tin bất thường đã giảm từ mức 26,9% năm 2011 xuống mức 10% năm 2012. Tỷ lệ vi phạm chế độ báo cáo (báo cáo quản trị công ty và báo cáo thường niên) đã giảm từ mức 53,8% năm 2011 xuống mức 32,8% năm 2012…
Tôi nghĩ, cách làm của HNX là khách quan, tránh tác động trực tiếp, cố gắng làm minh bạch, tăng chất lượng thông tin, là bước đi rất cơ bản để xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ thường ít được chú ý mà một sàn tập trung nhiều doah nghiệp nhỏ thì rất khó để thị trường quan tâm.
Nói tóm lại, HNX luôn coi việc song hành với doanh nghiệp niêm yết và thành viên là yếu tố then chốt để phát triển trong giai đoạn đầu của thị trường chứng khoán.
Hệ thống công bố thông tin tự động mới “thông” từ khâu doanh nghiệp niêm yết tới HNX. Doanh nghiệp vẫn phải thực hiện công việc như cũ khi báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Việc thiếu đồng bộ này liệu có gây khó khăn cho doanh nghiệp không, thưa ông?
Đúng đây là hạn chế của hệ thống và cần được giải quyết trong năm 2013. Việc công bố thông tin tự động đã thông suốt từ doanh nghiệp lên Sở, còn từ doanh nghiệp lên Ủy ban Chứng khoán vẫn bằng bản cứng. Đó là sự khập khiễng.
Năm nay chúng tôi sẽ báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán phương án thống nhất hóa dữ liệu. Khi đã thống nhất được, doanh nghiệp hoàn toàn sử dụng hệ thống công bố thông tin điện tử để báo cáo lên HNX và UBCK giảm gánh nặng chi phí công văn giấy tờ.
UPCoM là “sáng tạo trong bối cảnh đặc thù”
Trong “bộ ba” thị trường của HNX, UpCom dường như chưa có được vị thế xứng đáng và bản thân nhà đầu tư cũng không quan tâm nhiều. Liệu năm 2013 thị trường này có gì chuyển biến không?
Nên nhìn nhận thị trường UPCoM là hình ảnh của một thị trường mới, là sáng tạo trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam. UPCoM có vai trò lịch sử của nó và sẽ có thời điểm kết thúc.Thị trường UPCoM chưa phát huy được hiệu quả do cơ chế thực thi luật chưa triệt để.
Có thể kể đến một số nguyên nhân như chưa có chế tài cụ thể để thực thi quy định của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán về việc đưa cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết/chưa đủ điều kiện niêm yết lên giao dịch trên UPCoM.
Hiện chưa có tín hiệu thực sự mạnh mẽ, quyết liệt về việc đưa tất cả cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết vào niêm yết hoặc giao dịch trên thị trường UPCoM trong thời gian một năm kể từ khi phát hành ra công chúng, đã dẫn đến tư tưởng trì hoãn từ doanh nghiệp. Phát triển thị trường UPCoM là một trong những trọng tâm của HNX trong năm 2013.
Liệu có đột phá cụ thể nào với UPCoM trong năm nay không, thưa ông?
HNX đã có nghiên cứu trình các cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng phương pháp đấu giá trực tiếp trong ngày giao dịch đầu tiên trên thị trường UPCoM để tạo động lực mới và tính thanh khoản cho thị trường này. Trước đây tiến trình cổ phần hóa tách biệt công đoạn đấu giá và niêm yết, trong khi thông lệ quốc tế là đăng ký niêm yết trước và đấu giá cổ phần hóa cũng chính là ngày giao dịch đầu tiên.
Vì sự tách biệt này nên nhiều doanh nghiệp đấu giá xong là trì hoãn niêm yết. HNX kiến nghị ứng dụng các kỹ thuật để gắn công tác đấu giá doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Ngoài ra cần tăng cường thực thi Luật Chứng khoán về việc đưa công ty đại chúng chưa niêm yết lên quản lý trên thị trường UPCoM trong vòng một năm kể từ khi hoàn tất việc phát hành ra công chúng. Nếu sắp tới Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng muốn phát hành lần đầu ra công chúng, doanh nghiệp phải niêm yết trước như thông lệ quốc tế thì UPCoM sẽ có bước thay đổi lớn.
Thúc đẩy thị trường trái phiếu
Nhìn lại năm 2012, HNX đã thực hiện được nhiều bước thay đổi. Ông có hài lòng với những kết quả đó hay không?
Tôi nghĩ rằng năm 2012 HNX đã có những bước phát triển quan trọng trong kết quả hoạt động. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng những thành công đó chưa đủ để khẳng định cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Trong đó tôi đánh giá cao một số kết quả nổi bật như: huy động vốn qua trái phiếu đạt kỷ lục; thanh khoản thị trường cổ phiếu vẫn tăng tốt dù gặp nhiều khó khăn; đưa vào vận hành hệ thống công bố thông tin tự động đối với doanh nghiệp niêm yết; hoàn thành xây dựng và khai trương hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử; xây dựng hệ thống giao dịch tín phiếu kho bạc…
Việc đưa tín phiếu kho bạc vào giao dịch trên cùng hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ là một nỗ lực rất lớn. Đây có phải là một thành công ngoài mong đợi không, thưa ông?
Vận hành hệ thống đấu thầu điện tử cho thị trường trái phiếu sơ cấp và khai trương hệ thống giao dịch tín phiếu Kho bạc là điểm sáng trong công tác hoàn thiện thị trường năm 2012. Thực ra việc hoàn thiện thị trường này cũng nằm trong kỳ vọng của Sở, nhưng khi đạt đến kỳ vọng đó, chúng tổi vẫn cảm thấy rất mừng.
Đây không phải đơn thuần là câu chuyện lợi ích của Sở mà trên bình diện đại cục, đó là kết quả thành công của sự phối hợp giữ chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Đầu tiên là việc ký kết hợp tác giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước. Tiếp đến là kết quả triển khai nhanh và hiệu quả hợp tác đó, thể hiện bằng việc đưa tín phiếu vào giao dịch. Kết quả này thể hiện sự gắn kết khá tốt giữa các đơn vị của Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng như ý chí của lãnh đạo hai bên. Tôi đánh giá đây là một bước tiến dài.
Việc đưa tín phiếu vào giao dịch tạo ra sự liên kết giữa thị trường ngắn hạn và thị trường dài hạn. Điều này tạo thuận lợi cho việc điều hành thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả của thị trường phát hành tín phiếu, điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ của các cơ quan quản lý cũng như việc thực hiện giao dịch của thành viên. Theo số liệu của kho bạc Nhà nước, sau khi tín phiếu được giao dịch, chỉ trong 3 tháng cuối năm đã huy động được 15.597 tỷ đồng tín phiếu, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011.
Ngoài ra trên thị trường trái phiếu còn có nhiều cải tiến có thể xem là đáng chú ý. Ông đánh giá như thế nào về những cải tiến này?
Hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử cho phép kết nối trực tiếp với thành viên đấu thầu, với tổ chức phát hành và cơ quan quản lý là Bộ Tài chính. Việc điện tử hoá toàn bộ quá trình đấu thầu từ khi bắt đầu tới khi hoàn tất phiên đấu thầu một mặt giúp các thành viên tham gia đấu thầu nhanh chóng, hiệu quả hơn. Mặt khác giúp cơ quan vận hành rút ngắn đáng kể thời gian xét thầu, xác định kết quả đấu thầu so với trước đây.
Cụ thể, đã giảm thời gian từ khi đấu thầu đến khi chính thức giao dịch trái phiếu chính phủ từ T+6 xuống còn T+5, đồng thời góp phần đảm bảo tính minh bạch của hoạt động đấu thầu, giúp các cơ quan quản lý có thể đưa ra chính sách lãi suất hợp lý, cũng như chủ động hơn trong công tác giám sát tình hình hoạt động của các thành viên.
Năm 2012, việc dòng tiền từ hệ thống ngân hàng chảy vào thị trường trái phiếu khá lớn liệu có phải là hiệu ứng của những cải tiến này không?
Có thể nói rằng những cải tiến mới trên thị trường trái phiếu trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến thanh khoản và sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự sôi động của thị trường trái phiếu chính phủ và hiện tượng dòng tiền chảy từ hệ thống ngân hàng sang thị trường trái phiếu có căn nguyên chủ yếu từ tình hình kinh tế vĩ mô.
Năm 2012 tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Huy động tiền gửi tăng trong khi cho vay khó đã gây ra tình trạng “bất cân đối cục bộ” trong khi đầu tư vào trái phiếu vừa có lãi, vừa an toàn. Một bài toán đơn giản, nếu ngân hàng vẫn duy trì đầu vào mà thiếu kênh trái phiếu thì tiền sẽ chảy đi đâu? Trước đây dòng vốn này có thể ứ đọng, nhưng giờ thị trường trái phiếu phát triển nên dòng vốn đã lưu thông tốt hơn.
Trên bình diện lớn hơn, chúng ta nên nhìn nhận hoạt động này như là một bằng chứng thuyết phục về hiệu quả phân bổ vốn của thị trường chứng khoán. Trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến thị trường như một kênh huy động vốn, chứ chưa chú ý đến vai trò phân bổ vốn cho nền kinh tế.
Năm 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đầu tư tư nhân không phát triển được, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng thấp. Để duy trì nhịp độ của nền kinh tế thì đầu tư công phải tăng lên để bù đắp. Dòng vốn từ dân vào hệ thống ngân hàng không chảy ra được ra kênh đầu tư tư nhân thì phải chảy vào nền kinh tế thông qua kênh đầu tư công.
Khi tín dụng tăng trưởng kém thì huy động trái phiếu phục vụ các công trình cơ bản tăng rất mạnh. Nhờ vậy, chúng ta đạt được ba điều: duy trì được tổng mức đầu tư xã hội; Nhà nước có tiền đầu tư cơ bản; và dòng vốn nhàn rỗi trong dân vẫn được sử dụng, không bị tắc trong hệ thống ngân hàng.
Nguyễn Hoàng
tbktvn
|