Giá vàng, ngoại tệ biến động
Giá vàng trong nước trong ngày giao dịch đầu tiên của năm Quý Tỵ tại các công ty và ngân hàng đã giảm mạnh, trong khi giá đô la Mỹ trên thị trường tự do tăng lên hơn 21.000 đồng/đô la Mỹ.
Đến cuối chiều ngày 18-2, giá vàng mua vào tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) ở mức 44,95 triệu đồng/lượng, bán ra 45,25 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 100.000 đồng/lượng so với sáng nay, và giảm 500.000 đồng/lượng so với ngày 8-2, ngày giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Thìn.
Mức giảm giá trên không tương ứng với giá thế giới. Trong 10 ngày qua, giá vàng thế giới đã giảm trên 50 đô la Mỹ/ounce, về mức 1.610 đô la Mỹ/ounce vào cuối tuần qua. Đến chiều nay, giá giao dịch tại thị trường châu Âu tăng nhẹ lên 1.616 đô la Mỹ/ounce.
Cũng vì vậy, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới đã giãn rộng hơn, giá trong nước hiện cao hơn trên 4 triệu đồng/lượng theo quy đổi.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC cho biết trong ngày hôm nay, rất nhiều người dân đến mua vàng tại SJC, chủ yếu là mua lẻ khoảng vài lượng trở xuống để cầu may, chưa nhiều nhà đầu tư tham gia mua bán dù giá xuống, nhưng lượng người bán vàng lại không đáng kể. Lượng giao dịch của SJC chỉ khoảng vài trăm lượng, chủ yếu là bán ra. Chính vì lực cầu mạnh hơn nên giá vàng trong nước không giảm nhiều.
Liên quan đến việc tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng khối, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết trong ngày 8-2 (28 tết) Ngân hàng Đông Á đã hoàn thành việc tái nhập vàng khối với số lượng khoảng 100 kg. Trong các ngày tới, Techcombank, Sacombank sẽ lần lượt chuyển đổi vàng miếng thành vàng khối để dập thành vàng miếng SJC.
Động thái này đã không tác động mạnh đến tâm lý người mua vàng, do là mùa tết, việc mua vàng cầu may vẫn được người dân coi trọng. Nhưng theo ông Minh, về dài hơi, lực mua giảm từ phía các ngân hàng sẽ giúp khoảng cách giá kéo gần hơn.
Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã tăng mạnh từ hôm mùng 6 tết (15-2), có khi đã lên đến hơn 21.200 đồng/đô la Mỹ, và giảm xuống còn khoảng 21.080 đồng/đô la trong ngày hôm nay.
Theo chủ một cửa hàng tại chợ Bến Thành, TPHCM, nhu cầu mua ngoại tệ để đi du lịch tăng, trong khi cung không nhiều đã khiến giá tăng mạnh. “Có thể giá sẽ giảm lại trong tuần sau khi nhu cầu giảm xuống và các ngân hàng hoạt động trở lại”, vị này nói thêm.
Trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng không thay đổi, vẫn ở mức 20.828 đồng/đô la và tại các ngân hàng, giá bán ra vẫn xoay quanh 20.880 đồng/đô la Mỹ, không tăng so với trước tết.
Lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2012 đã giảm so với năm trước đó. Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, kiều hối năm nay chỉ vào khoảng trên 8 tỉ đô la Mỹ, chứ không đạt mức 10 tỉ đô la Mỹ như dự báo, và thấp hơn so với mức 9 tỉ đô la Mỹ của năm 2011.
Thông tin đăng trên Chinhphu.vn ngày 17-2 cho biết, năm 2012, lượng kiều hối vẫn đạt hơn 10 tỉ đô la Mỹ và đưa Việt Nam xếp thứ 7 trong số các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, lượng kiều hối này chiếm 60 - 70% nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ năm 1991 tới nay và đây là nguồn tiền thực đóng góp rất hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, góp phần ổn định tỷ giá và tăng lượng dự trữ ngoại tệ.
“Chúng ta rất trân trọng, khuyến khích kiều bào, người Việt Nam học tập, lao động tại nước ngoài gửi kiều hối về nước...”, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói.
Chinhphu.vn
|
Thanh Thương
tbktsg
|