Chủ Nhật, 17/02/2013 22:28

Tỷ giá: "Bình yên" trong thận trọng

Năm 2012 là một năm không "bình yên"với thị trường tiền tệ Việt Nam nhưng lại khá "bình yên"đối với thị trường ngoại hồi và diễn biến tỷ giá USD/VND. Một năm hoàn tất đường kẻ thẳng đồ thị tỷ giá giữa USD/VND bình quân liên ngân hàng ở quanh mốc 20.800 VND/USD.

Những ngày đẹp trời

Xung quanh câu chuyện tỷ giá nhân dịp đầu xuân, đã có không ít chuyên gia kinh tế nhận định, “chưa bao giờ công tác điều hành tỷ giá lại "nhàn" và tỷ giá VND/USD lại hưởng trọn vẹn “những ngày đẹp trời” như năm 2012”. Trong suốt một năm qua, diễn biến đồ thị gần như không tạo đường cong giảm quá sâu hoặc vượt quá xa 20.800 VND/USD. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi gia nhập WTO Việt Nam có được quy mô dự trữ ngoại hối tiếp cận tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là đáp ứng được khoảng 12 tuần nhập khẩu của nền kinh tế.

Dư luận, thị trường ghi nhận sự quyết tâm, cam kết điều hành tỷ giá biên độ biến động trong khoảng 2 - 3% năm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình được phát đi từ đầu năm đã thành hiện thực. Nhìn lại thời điểm từ nửa cuối năm 2011, khi NHNN “tuyên bố” hút mạnh thu mua ngoại tệ và tăng cường kỷ luật với việc giao dịch, thu mua ngoại tệ, đồng thời thu hẹp biên độ từ +/-3% về +/-1%. Nhiều người đã hoài nghi tính hiện thực của quyết tâm trên. Tuy nhiên, NHNN đã có lý khi “neo giữ” được tâm lý - kỳ vọng thị trường và kiểm soát được biên độ biến động hợp lý trong suốt từ cuối năm 2011 đến hết năm 2012.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, thu hẹp biên độ đồng nghĩa với việc lấy lại quyền giám sát và điều hành cho NHNN trên danh nghĩa. Một biên độ rộng trước đó, có giai đoạn lên tới +/-5% vô hình trung đã trao quá nhiều quyền lực cho thị trường, cũng như tạo một vùng quá rộng để tỷ giá có thể biến động mạnh. Cùng với đó, động thái theo đuổi chính sách định giá VND cao, giữ chênh lệch lãi suất VND với USD ở mức hấp dẫn, trong khi áp lực lạm phát suy giảm của NHNN đã góp phần làm giảm cầu găm giữ ngoại tệ. Cộng hưởng với hiệu quả mang lại từ chính sách trên là một lượng lớn ngoại tệ từ nước ngoài đổ về qua các kênh đầu tư, kiều hối được chuyển đổi ra VND gửi vào ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất đã góp phần làm tăng cung ngoại tệ, kéo tỷ giá đi xuống và ổn định.

Tỷ giá ổn định tác động đến xuất nhập khẩu và nhập siêu, ngược lại nhập siêu được hạn chế tác động lại việc thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho NHNN mua được một lượng lớn USD trên thị trường từ dân cư và các doanh nghiệp (DN). Từ đó, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, làm tăng sức mạnh của quốc gia, đưa lượng dự trữ ngoại hối đến nay tương đương với 12 tuần nhập khẩu, tương đương 22-23 tỷ USD (so với cuối năm 2011 chỉ đạt 9 tỷ USD)… Điều này cũng làm giảm tình trạng "đô la hóa" của nền kinh tế. Hơn nữa, sự ổn định tỷ giá còn tác động tích cực đến thị trường vàng. Khi tỷ giá VND/USD ổn định, giá vàng ổn định, sẽ có tác động ổn định tâm lý, làm giảm tâm lý lạm phát, bởi vàng và USD thường được chọn là nơi trú ẩn mỗi khi lạm phát cao. Diễn biến đó cũng đã tác động tích cực đến mục tiêu ổn định tỷ giá, giảm hẳn tình trạng người dân “đổ xô” đi mua vàng ở nhiều nơi, hạn chế việc mua vàng tích trữ, giảm nhu cầu ngoại tệ cho mua vàng. Tỷ giá ổn định tác động tích cực đến nợ nước ngoài của Việt Nam nói chung và nợ công nói riêng.

Năm 2013 - "Bình yên" trong thận trọng?

Theo dự báo của một số tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế đất nước nói chung và sẽ là một năm đầy khó khăn, thử thách thị trường tiền tệ Việt Nam. Mặc dù vậy, thị trường ngoại hối vẫn là chốn "bình yên" hơn cả, tỷ giá giữa VND/USD sẽ không có biến động nhiều quanh mức 20.900 đến 21.000 VND/USD… Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, muốn tỷ giá "bình yên", không thể coi nhẹ công tác điều hành và sự phối hợp ăn ý giữa các thị trường liên quan.

Tại thị trường trong nước, trong 10 ngày đầu tiên của năm 2013, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 20.828 VND/USD, không đổi so với thời điểm cuối năm 2012. Các NHTM niêm yết tỷ giá giao dịch quanh mức 20.820-20.860 VND/USD, không đổi so thời điểm trước đó vài tháng.

Dự báo về tỷ giá trong giai đoạn trước mắt, TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế (Trường Đại học Quốc gia) khẳng định: Nếu NHNN chọn bình ổn giá tương đối ổn định, nghĩa là gần như không thay đổi thì sẽ thực hiện được, còn nếu để dao động mạnh, tự do một chút thì biên độ khoảng từ 1-2% là kiểm soát được. Tuy nhiên, để ổn định tỷ giá dài hơi hơn, NHNN nên thận trọng và cân nhắc khi đưa ra quyết định cho hạ lãi suất huy động nhanh gây xáo trộn trên các thị trường liên quan… Việc hạ lãi suất có thể sẽ dẫn đến bất ổn tỷ giá nếu điều hành không tốt. Khi đưa ra những chính sách sai lầm sẽ gây ra những bất ổn trên thị trường ngoại hối”.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế khác, việc giữ tỷ giá cố định trong thời gian dài tuy giúp NHNN “rảnh tay” để đối phó với vấn đề lạm phát trong nước nhưng sẽ tích tụ thêm khó khăn cho tương lai khi khu vực xuất khẩu bị thiệt hại vượt quá điểm cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc neo giữ tỷ giá đối với nền kinh tế. Một nguy cơ tiềm ẩn nữa là dòng tiền đầu cơ hưởng chênh lệch lãi suất có thể đảo chiều khi xảy ra kịch bản tồi tệ nhất - tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm vượt khỏi tầm kiểm soát của gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát gia tăng trở lại. Do vậy, công tác điều hành cần được thận trọng.

Một ước tính cho thấy, quy mô dòng tiền trên là lớn đáng kể khi mà chỉ riêng lượng tiền gửi VND của người không cư trú (chủ yếu dưới 12 tháng) hiện chiếm tới gần 1/5 tổng vốn huy động thị trường 1 của hệ thống ngân hàng, mức lớn hơn cả quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước. Mặt khác, cần lưu ý, cung ròng VND của NHNN ra nền kinh tế hiện chủ yếu được thực hiện qua kênh mua vào ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, nguyên nhân chính giúp thanh khoản hệ thống trở nên dồi dào. Tuy nhiên, phần lớn lượng tiền gửi ngân hàng gia tăng lại không được cho vay ra nền kinh tế, thay vào đó, là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ hoặc quay trở lại NHNN qua kênh tín phiếu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, với thực trạng hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam, vấn đề trên đang gây hiệu ứng chèn lấn, tác động tiêu cực đến nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất của chính Ngân hàng Nhà nước và làm tăng nguy cơ lạm phát sớm quay lại, sẽ là rủi ro tiềm ẩn cho tỷ giá năm 2013.

Tài chính & Đầu tư số 1+2-2013

Các tin tức khác

>   Mối quan tâm lớn nhất của các ngân hàng (15/02/2013)

>   Sẽ có thêm tổ chức tín dụng tự nguyện sáp nhập (14/02/2013)

>   Xóa nợ xấu bằng những giải pháp mạnh và triệt để (13/02/2013)

>   Ngành ngân hàng: Từ điềm báo tới sự thực (12/02/2013)

>   Thống đốc mạnh tay với “lợi ích nhóm, sở hữu chéo” (12/02/2013)

>   “Góc khuất” của nợ xấu ngân hàng (12/02/2013)

>   Một năm vượt sóng của Thống đốc ngân hàng (10/02/2013)

>   “Làm cho tiền đồng mạnh hơn là rất quan trọng” (10/02/2013)

>   Chứng khoán, bất động sản vẫn khó đi vay (10/02/2013)

>   Bơm ròng gần 48.600 tỷ đồng trên OMO tuần giáp Tết (09/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật