“Làm cho tiền đồng mạnh hơn là rất quan trọng”
Kế hoạch xử lý ngân hàng toàn diện cần dựa trên thanh tra ngân hàng tại chỗ kỹ lưỡng để cho biết mức độ thực của nợ xấu và nhu cầu về tái cấp vốn. Cần phân biệt giữa các ngân hàng thiếu thanh khoản với các ngân hàng mất khả năng thanh toán, buộc các cổ đông chịu lỗ trước khi được bơm vốn mới và loại bỏ các tài sản xấu.
Ông Sanjay Kalra, Đại diện Thường trú của IMF tại Việt Nam.
|
Quanh chủ đề đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Sanjay Kalra, Đại diện Thường trú của IMF tại Việt Nam.
Ông nhìn nhận thế nào về những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt trong năm qua?
Năm 2012, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với một số thách thức. Tăng trưởng đã chậm lại. Lạm phát chung đã thấp hơn nhưng lạm phát cơ bản vẫn còn cao. Mức dự trữ ngoại tệ đã tăng lên song vẫn thấp hơn mức được cho là an toàn hoặc đủ để đối mặt với những cú sốc lớn từ bên ngoài. Dù niềm tin vào tiền đồng đã tăng lên nhưng chưa đủ để đối phó với sự bất ổn của thị trường tài chính trong và ngoài nước.
Trong khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào thì tăng trưởng tín dụng còn rất chậm và hàng tồn kho ở mức cao. Sự ổn định của khu vực tài chính nhìn chung được duy trì nhưng mức nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã tăng lên. Thị trường bất động sản vẫn còn bị đóng băng.
Dù niềm tin vào tiền đồng đã tăng lên nhưng chưa đủ để đối phó với sự bất ổn của thị trường tài chính trong và ngoài nước.
Ông Sanjay Kalra, Đại diện Thường trú của IMF tại Việt Nam
|
Những yếu kém của khu vực ngân hàng làm suy yếu sự ổn định và sẽ tiếp tục hạn chế tăng trưởng. Theo sau sự bùng nổ cho vay tín dụng mở rộng và cho các doanh nghiệp nhà nước có liên quan vay, hiện đặc trưng của hệ thống ngân hàng là chất lượng tài sản thấp, trích lập dự phòng thiếu và an toàn vốn không đủ. Con số về mức nợ xấu do các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước và các thành viên thị trường đưa ra có sự khác nhau.
Theo ông, giải pháp nào cho những vấn đề trên trong năm 2013?
Trên hết, cần phải duy trì thành quả đạt được về ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2012. Ngân hàng Nhà nước phải duy trì lãi suất chính sách ở mức hiện tại trong thời gian tới đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ áp lực lạm phát. Cần tăng mức dự trữ quốc tế hơn nữa thông qua chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt một cách thích hợp.
Việc làm cho tiền đồng mạnh hơn trong con mắt của công chúng cũng rất quan trọng và phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ cho nỗ lực ổn định kinh tế.
Cần phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu cả hai khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2013. Trong khu vực ngân hàng, đã có những đề xuất cải cách, sáp nhập các ngân hàng yếu kém vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012 cũng như những cuộc thảo luận gần đây về một công ty quản lý tài sản để giải quyết vấn đề nợ xấu.
Tuy nhiên, phải có chiến lược xử lý ngân hàng toàn diện và được vạch ra rõ ràng. Kế hoạch xử lý này cần dựa trên thanh tra ngân hàng tại chỗ kỹ lưỡng, qua đó sẽ cho biết mức độ thực của nợ xấu và nhu cầu về tái cấp vốn.
Cần phân biệt giữa các ngân hàng thiếu thanh khoản với ngân hàng mất khả năng thanh toán, buộc các cổ đông hiện tại chịu lỗ trước khi được bơm vốn mới và loại bỏ các tài sản xấu.
Các vấn đề của hệ thống ngân hàng không thể được giải quyết mà không đối phó với các vấn đề của khách hàng vay. Một phần đáng kể trong các khoản cho vay là cho các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp nhà nước.
Vì vậy, cải cách các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp nhà nước là quan trọng. Để quy trình này có cơ sở vững chắc, cần công bố công khai tình hình tài chính thực của các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp nhà nước thì mới có thể thực hiện các bước cải thiện hoạt động và cơ cấu quản trị của các doanh nghiệp.
Sau đó là thảo luận về chi phí ngân sách cho cải cách các doanh nghiệp nhà nước và xây dựng kế hoạch với thời gian cụ thể để tái cơ cấu những doanh nghiệp này.
Chính phủ không được giảm quyết tâm duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Việc kêu gọi nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô thường nảy sinh ở nhiều quốc gia giống như Việt Nam. Quản lý chính sách đúng đắn cần đương đầu với áp lực như vậy và giải thích cho công chúng hiểu rằng, hy sinh trong ngắn hạn sẽ tạo điều kiện cho những lợi ích lớn hơn về lâu dài.
Việc làm cho tiền đồng mạnh hơn trong con mắt của công chúng cũng rất quan trọng và phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ cho nỗ lực ổn định kinh tế.
Ông Sanjay Kalra, Đại diện Thường trú của IMF tại Việt Nam
|
Đồng thời Chính phủ cần thực hiện những hành động đáng tin cậy, có thể nhìn thấy được, đo lường được để đảm bảo thực sự tạo ra những điều kiện này.
Các đối tác quốc tế gần đây cho rằng, quá trình cải cách nền kinh tế diễn ra chậm chạp vì Việt Nam chưa tính toán chi phí cải cách. Ông nghĩ sao về điều này?
Các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước cần nắm bắt chắc chắn về tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại và Chính phủ phải nắm rõ tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước.
Khi đã thực hiện được việc này, chi phí cải cách các ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm cả yêu cầu khu vực tư nhân chia sẻ các khoản lỗ, tốc độ mà quy trình này được hoàn thành và phương pháp để tiến hành.
Lúc này, rất khó nói chi phí cuối cùng sẽ là bao nhiêu. Khi đã xác định được những chi phí này, cần có các khoản dự phòng của ngân sách cho chi phí tái cấp vốn ngân hàng, tái cơ cấu và cải cách các doanh nghiệp nhà nước, kể cả hậu quả của việc dư thừa lao động có thể xảy ra.
Theo kinh nghiệm quốc tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước thường kèm theo nợ dự phòng lớn.
Đặng Hương
tbktvn
|