Thứ Sáu, 15/02/2013 14:06

Mối quan tâm lớn nhất của các ngân hàng

Sau một năm kinh doanh chật vật, thay vì mục tiêu lợi nhuận như mọi năm, vấn đề xử lý nợ xấu, quản trị, thanh lọc nhân sự đang là mối quan tâm lớn nhất của các ngân hàng thương mại.

Chấp nhận giảm lợi nhuận

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, tổng lợi nhuận toàn ngành năm 2012 đạt 28.600 tỷ đồng, sụt giảm gần 50% so với năm 2011. Trong đó, có đến một nửa số tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh lỗ trong năm qua. Riêng nhóm ngân hàng hoạt động tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ đạt 667 tỷ đồng lợi nhuận và bằng 4,4% so với cùng kỳ.

Số ít các ngân hàng có mức lợi nhuận trước thuế cán đích thành công hầu hết là các ngân hàng quốc doanh như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) đạt 5.706 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - CTG) đạt 8.213 tỷ đồng…

Với các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBB) là một trong số hiếm hoi ngân hàng có mức lợi nhuận cao, gần như các ngân hàng còn lại đều không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận được giao trước đó.

Do đó, việc điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, thậm chí không dám đưa ra quá nhiều kỳ vọng về doanh thu cũng như lợi nhuận, không còn là chuyện hiếm trong năm nay.

Thay vì mục tiêu lợi nhuận như mọi năm, vấn đề xử lý nợ xấu, quản trị, thanh lọc nhân sự đang là mối quan tâm lớn nhất của các ngân hàng thương mại.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank (EIB) cho biết, việc điều chỉnh lãi suất đầu ra khiến lợi nhuận sụt giảm và Eximbank đã phải nỗ lực rất nhiều, trong đó có việc hạ lãi suất 7%/năm đối với tiền đồng mới có thể đạt được 70% chỉ tiêu lợi nhuận trong năm qua.

“Xu hướng giảm lãi suất vẫn có thể xảy ra trong năm nay. Điều đó có nghĩa chỉ tiêu lợi nhuận sẽ thấp hơn nữa” , ông Trương Văn Phước cho hay.

Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), do trích lập dự phòng rủi ro lớn cho các khoản đầu tư trước đó nên lợi nhuận cuối năm nay chỉ đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, tương đương 75-80% kế hoạch năm. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết:

“Chỉ tiêu nợ xấu Sacombank đặt ra là không quá 2,5% tổng dư nợ, riêng chỉ tiêu lợi nhuận thì chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ trước khi công bố”.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ lại cho rằng, khó khăn nhất trong phát triển tín dụng trong năm 2013 chính là sự hấp thụ từ doanh nghiệp và thị trường.

“Hiện nay, để có thể phát triển bền vững và ổn định thì vấn đề quản trị rủi ro của các khoản vay được ngân hàng đặt lên hàng đầu. Chắc chắn lợi nhuận năm nay khó tăng cao hơn năm 2012, vì vậy, các ngân hàng cũng phải thận trọng hơn khi đặt ra mục tiêu cho mình”, ông Lê Thành Trung, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Thành Phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết.

Chú trọng hơn khâu đầu “vào”

Ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, trong năm 2013, ngân hàng vẫn tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và ưu tiên cho vay ngắn hạn. Với các khoản cho vay trung dài hạn được xem xét chặt chẽ. Đặc biệt ngân hàng này sẽ không cho vay các dự án lớn có độ rủi ro cao và khả năng thẩm định hạn chế.

“Ngoài việc duy trì tăng trưởng, trong năm nay chúng tôi chú trọng hơn khâu tuyển dụng đầu vào, đảm bảo chất lượng và phù hợp với vị trí. Việc đào tạo cũng được đặc biệt quan tâm, đào tạo cả nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, thông qua các khóa học và thông qua thực tế”, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.

Hiện nay, Agribank áp dụng cơ chế khoán công việc, khoán tài chính của người lao động, để phản ánh năng lực của họ. Cùng đó, đã thiết lập cơ chế giám sát hàng ngày kết quả kinh doanh của các đơn vị thông qua hệ thống online, giám sát từng khoản một và kịp thời cảnh báo.

Trên cương vị mới là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tiên phong (TienphongBank), ông Đỗ Minh Phú lại khá kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2013. Bởi, bằng những giải pháp quyết liệt mà Chính phủ đã và đang đưa ra, những tồn tại cơ bản trong hoạt động ngân hàng cơ bản sẽ được giải quyết.

“Có thể xem những vấn đề tồn đọng trong quá khứ là kinh nghiệm quý báu để từng ngân hàng có thể tự thay đổi tái cơ cấu mình để phù hợp hơn với đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, tôi rất hi vọng trong năm nay bức tranh của ngành ngân hàng sẽ sáng sủa hơn”, vị tân Chủ tịch TienphongBank bày tỏ.

Trong khi nhìn lại những biến động đã qua của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Toại cho biết, năm nay ACB cũng như nhiều ngân hàng không đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà chỉ đặt mục tiêu an toàn hệ thống và phát triển bền vững.

Rất kỳ vọng vấn đề nợ xấu sẽ được Ngân hàng nhà nước tiến hành quyết liệt hơn, thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho rằng, ngoài việc các ngân hàng tự trích lập dự phòng rủi ro, vẫn cần có một công ty mua bán nợ Quốc gia.

“Nếu giải quyết được “cục máu đông” thì khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại mới có thể hồi phục được. Đây cũng là công cụ giúp nền kinh tế tăng trưởng, bởi phần lớn các doanh nghiệp trong nước đều đang phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng”, vị đại diện này cho hay.

Ngoài ra cũng cần tìm mọi cách để giải phóng hàng tồn kho. Một khi cả nợ xấu lẫn hàng tồn khi được giải quyết thì ít nhất sẽ khơi thông được dòng tiền cho nền kinh tế. Năm 2013 sẽ tạo bước cho năm 2014 có tăng trưởng tốt hơn. “Nhưng nói gì thì nói, năm nay vẫn là một năm tiếp tục chật vật của ngành ngân hàng”, vị đại diện ABBank nói.

Thành Tâm

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Sẽ có thêm tổ chức tín dụng tự nguyện sáp nhập (14/02/2013)

>   Xóa nợ xấu bằng những giải pháp mạnh và triệt để (13/02/2013)

>   Ngành ngân hàng: Từ điềm báo tới sự thực (12/02/2013)

>   Thống đốc mạnh tay với “lợi ích nhóm, sở hữu chéo” (12/02/2013)

>   “Góc khuất” của nợ xấu ngân hàng (12/02/2013)

>   Một năm vượt sóng của Thống đốc ngân hàng (10/02/2013)

>   “Làm cho tiền đồng mạnh hơn là rất quan trọng” (10/02/2013)

>   Chứng khoán, bất động sản vẫn khó đi vay (10/02/2013)

>   Bơm ròng gần 48.600 tỷ đồng trên OMO tuần giáp Tết (09/02/2013)

>   Phá giá VNĐ: “Trái chiều quan điểm cũng là điều hay” (09/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật