Thứ Ba, 26/02/2013 13:22

Doanh nghiệp Việt Nam tại Đông Âu nhận diện khó khăn

Sức mua giảm; sức cạnh tranh lớn; chưa hòa đồng, hội nhập sâu với nền kinh tế của nước sở tại... là những khó khăn DN đang gặp phải.

Một khu của Trung tâm thương mại ASG của người Việt tại Warszawa (Ba Lan)

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu kéo theo một loạt hệ quả tất yếu. Trong đó, theo Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia Lê Xuân Nghĩa, khu vực châu Âu đặc biệt phải chứng kiến tình hình thất nghiệp và lạm phát tăng cao, đồng euro mất giá, tăng trưởng GDP giảm sút, làm cho thu nhập thực tế người dân và cầu tiêu dùng với hàng nhập khẩu giảm mạnh.

Thực tế này đang ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của cộng đồng người Việt tại châu Âu.

Theo nhận định của ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên đoàn các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu: “Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn, thứ nhất là sức mua, hàng hóa tiêu thụ giảm; thứ hai là sức cạnh tranh lớn, đặc biệt là với hàng hóa của người Trung Quốc; thứ ba là bản thân doanh nghiệp chưa hòa đồng, hội nhập sâu với nền kinh tế của đất nước sở tại”.

“Phải làm thế nào, kinh doanh gì, khai thác mặt hàng nào, khía cạnh nào của thị trường? Đó là câu hỏi rất lớn đối với lực lượng doanh nghiệp nói riêng cũng như cộng đồng người Việt Nam không những ở Ba Lan mà ở các nước châu Âu nói chung” – ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên đoàn các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu trăn trở.

Sức mua, hàng hóa tiêu thụ giảm

Được biết, lĩnh vực kinh doanh của người Việt tại Ba Lan tập trung tương đối hạn hẹp vào một số ngành như buôn bán quần áo, kinh doanh nhà hàng, đồ thủ công mỹ nghệ, thực phẩm và một số loại hình dịch vụ khác.

Cuộc khủng hoảng diễn ra khiến sức mua của thị trường giảm. Đối tượng khách hàng của doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh quần áo lại chủ yếu là những người có thu nhập thấp, vì vậy hàng tồn đọng, khó tiêu thụ là lẽ đương nhiên. Bên cạnh đó, đồng tiền nội địa của Ba Lan và các nước châu Âu so với đồng USD bị mất giá cũng khiến hiệu suất kinh doanh kém đi rất nhiều.

Nguy cơ mất thị trường bán lẻ

Tại Đông Âu, dù các doanh nghiệp Việt Nam đã có chỗ đứng khá vững chắc với những mô hình chợ và trung tâm thương mại lớn nhưng chủ yếu vẫn là bán buôn nên hiệu quả giảm sút khi gặp khủng hoảng.

“Chúng ta xây dựng nhiều trung tâm thương mại, trong khi đó lại lơ là việc xây dựng các hệ thống bán lẻ - điều cốt lõi đảm bảo sự phát triển lâu dài”- ông Hoàng Mạnh Huê nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu lần thứ 6 diễn ra mới đây tại Prague (CH Czech), các doanh nghiệp Việt Nam đều thừa nhận là chưa chú trọng hệ thống bán lẻ. Đồng thời cho rằng, việc phát triển các hệ thống bán lẻ cũng sẽ giúp cải thiện một số nhược điểm lớn của người Việt khi ra nước ngoài làm ăn buôn bán là cạnh tranh lẫn nhau không lành mạnh, phá giá dẫn đến các bên đều thiệt hại…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam còn chịu áp lực kinh doanh cạnh tranh cùng ngành, đặc biệt là cạnh tranh với người Trung Quốc.

Trong khi, các doanh nghiệp Việt tập trung vào các thành phố lớn đã bỏ quên thị trường rộng lớn là các tỉnh, thị trấn và đang dần để rơi vào tay người Trung Quốc. Người Trung Quốc xâm nhập thị trường EU rất nhanh. Họ lại có ưu thế về mặt hàng đa dạng, phong phú. Trong khi đó, giá cả lại mềm hơn do đại diện của họ là những công ty trong nước sang bán hàng trực tiếp tại đây. Khi người Việt bỏ rơi các tỉnh, thị trấn để tập trung vào các thành phố lớn, người Trung Quốc đã thế chân tập trung vào hệ thống bán lẻ ở các khu vực này khiến người Việt đang bị mất dần thị trường.

Đơn điệu mặt hàng, chưa hòa đồng, hội nhập với doanh nghiệp sở tại

Vấn đề còn ở chỗ, theo ông Hoàng Mạnh Huê, vì cộng đồng người Việt kinh doanh cùng tập trung vào một số mặt hàng nên khi gặp khó khăn là khó khăn chung.

“Nếu chúng ta kinh doanh đa dạng hơn thì khi gặp khủng hoảng, có thể có những ngành nghề kinh doanh tốt hay xấu hơn, lúc đó có thể gánh, đỡ nhau nhiều hơn. Nhưng kinh doanh của chúng ta lại tập trung quá lớn vào một hướng. Không có một ngành kinh doanh nào lúc nào cũng tốt và luôn đi lên. Trong khi đó, bản thân ngành hàng kinh doanh đã có vấn đề, cộng với khó khăn do khủng hoảng, suy thoái nền kinh tế nên chúng ta càng gặp trở ngại”- ông Huê nói.

20 năm qua chúng ta đã tận dụng những điểm mạnh về mặt hàng, khoảng cách để chiếm lĩnh thị trường. Thế nhưng khi các điều kiện kinh doanh, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của nước sở tại thay đổi theo tiến trình hội nhập chung của châu Âu, chúng ta lại không thay đổi nên đã dần tách khỏi hoạt động kinh doanh của họ. Nếu muốn kinh doanh ổn định, lâu dài, chúng ta phải gắn hoạt động kinh doanh, với các doanh nghiệp của những nước sở tại. Không thể mãi kinh doanh theo kiểu riêng, phương pháp riêng, mặt hàng riêng của chúng ta.

Các doanh nghiệp Việt Nam chưa đặt vấn đề nghiêm túc trong phát triển, tìm kiếm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của cộng đồng người Việt, chưa kết hợp với các doanh nghiệp sở tại để tận dụng các điều kiện kinh tế của họ. Chúng ta cũng chưa có sự kết hợp giữa tính năng động của các doanh nghiệp ở các nước Đông Âu với sự làm việc bài bản của các doanh nghiệp ở các nước Tây Âu… Đây là điều để các doanh nghiệp Việt tại khu vực Đông Âu cần suy nghĩ”.

Đặng Trần Bùi

VOV

Các tin tức khác

>   Sếp Ford Việt Nam ủng hộ cấm mua ôtô bằng tiền mặt (26/02/2013)

>   Nếu Air Mekong ngừng bay, còn ai dám đầu tư vào hàng không Việt?! (26/02/2013)

>   Xuất khẩu thủy sản 2013: Mục tiêu đầy áp lực (26/02/2013)

>   Cứu doanh nghiệp hay cứu nền kinh tế? (26/02/2013)

>   Vươn ra nước ngoài (26/02/2013)

>   Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Tập đoàn Dầu khí (26/02/2013)

>   Đơn hàng mua cá tra từ EU đang tăng lên (25/02/2013)

>   Đóng cửa sân bay quốc tế Phú Bài 8 tháng (25/02/2013)

>   Xuất khẩu rau quả: Kỳ vọng con số 1 tỷ USD (25/02/2013)

>   Dù còn khó khăn, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư tốt (25/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật