Thứ Ba, 26/02/2013 11:29

Nếu Air Mekong ngừng bay, còn ai dám đầu tư vào hàng không Việt?!

“Nếu Air Mekong ngừng bay, liệu còn ai dám đầu tư vào hàng không nữa không? Nếu không có đơn vị tư nhân nào đầu tư vào hàng không tư nhân, nghiễm nhiên VNA giữ thế độc quyền và mãi mãi người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi” – một chuyên gia hàng không nhấn mạnh.

* Air Mekong thuộc về ai?

Sau khi Air Mekong tạm ngừng bay kể từ ngày 1/3, thị trường hàng không của Việt Nam sẽ chỉ còn lại 5 hãng khai thác bao gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Jetstar Pacific, Vasco, Angkor Air và VietJetAir.

Trong khi đó, Angkor Air là công ty liên doanh giữa Vietnam Airlines và chính phủ Campuchia nên cũng thuộc VNA. Như vậy, Tổng công ty Hàng không Việt Nam thâu tóm cổ phần ở cả 4 hãng (VNA, Jetstar, Vasco, Angkor Air), chỉ duy nhất Vietjet Air bám trụ lại đường băng ở vị thế một hãng hàng không tư nhân.

Nếu Air Mekong ngừng bay hẳn, liệu còn ai dám đầu tư vào ngành hàng không?

“Nếu Air Mekong ngừng bay, liệu còn ai dám đầu tư vào hàng không nữa không? Nếu không có đơn vị tư nhân nào đầu tư vào hàng không tư nhân, nghiễm nhiên VNA giữ thế độc quyền và mãi mãi người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi” – một chuyên gia hàng không nhấn mạnh.

Gần 5 năm kể từ ngày hãng hàng không tư nhân đầu tiên thành lập (Indochina Airline – 5/2008), Việt Nam đã có 5 hãng hàng không tư nhân lần lượt được cấp phép và lần lượt biến mất khỏi bản đồ bay do thua lỗ, nợ nần...

Trước bài toán "Làm thế nào để đạt hiệu quả kinh doanh hàng không?" hàng loạt các câu hỏi được đặt ra là: Tại sao hàng không Việt cứ bay là lỗ trong khi tỷ lệ người Việt Nam sử dụng máy bay còn rất thấp, chỉ chiếm hơn 1%. Với tổng dân số của Việt Nam 80 triệu dân, dư địa và tiềm năng phát triển thị trường hàng không tại đất nước ta là rất lớn.

Tại sao giá vé của Việt Nam lại rất cao, ví dụ như cùng đường bay Hà Nội đi Đà Nẵng, trong khi các nước khu vực chỉ 500 – 600 nghìn đồng, tại Việt Nam, giá đội lên hơn 1 triệu đồng? Tại sao giá vé bay ở các nước khác lại rẻ hơn, có nhiều hãng hoạt động sôi nổi hơn?!

Tại sao chỉ có Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Airport Corporation of Vietnam - ACV) trực tiếp quản lý và khai thác toàn bộ sân bay dân dụng tại Việt Nam, đến thời điểm năm 2012, ACV “độc” chiếm 21 sân bay? – Đặt ra câu hỏi như vậy để thấy những bất cập của thị trường hàng không Việt Nam dẫn tới hàng loạt những khó khăn của hàng không tư nhân Việt.

Trao đổi trên tờ Tuổi trẻ, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh khẳng định: Việc các hãng hàng không VN thua lỗ hàng loạt do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là phụ thuộc vào giá nhiên liệu thế giới, trong khi nhiên liệu chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi phí.

Cũng theo ông Thanh, chi phí thành lập và kinh doanh của các hãng hàng không ở VN quá lớn nên khó có hãng nào chỉ kinh doanh bay thuần túy mà kiếm lời được. Chẳng hạn, Indochina Airlines và Air Mekong đều có điểm chung là thuê, mua dịch vụ, phụ thuộc bên ngoài quá nhiều, trong đó có cả việc thuê hệ thống khai thác bảo đảm kỹ thuật, bảo dưỡng với chi phí rất đắt.

Cục Hàng không: Không có chuyện cấp phép tràn lan

Xung quanh câu chuyện các hãng hàng không tư nhân liên tục thua lỗ và không ít hãng đã phải ngừng bay, ngoài các lý do như đầu tư quá lớn, chi phí vận hành cao (nhập nhiên liệu nước ngoài, thuê phi công, kỹ sư kỹ thuật từ nước ngoài), có ý kiến cho rằng: Thị trường hàng không nội địa đang dư tải lớn, gây ra sự cạnh tranh mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách giá của các hãng hàng không giá rẻ.

Một chuyên gia hàng không đã cho rằng: Các hãng hàng không đang "tự hại" lẫn nhau khi doanh thu sụt giảm từ cạnh tranh giá, bởi theo quy luật cạnh tranh, doanh nghiệp trường vốn thì sẽ tồn tại tiếp và doanh nghiệp yếu vốn sẽ bị "chết".

Và một khi nhà đầu tư không có đủ tiềm năng, tiềm lực dừng giữa đường sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, đầu tiên là cho người tiêu dùng, có bao nhiêu người mua vé phải bơ vơ, bao nhiêu người mất việc…

Còn doanh nghiệp nào tồn tại thì vừa khó khăn sau một thời gian gồng gánh, chạy đua về giá cả vừa tiếp tục phải đảm bảo lưu thông vận tải hàng không.

Chính vì vậy, “cơ chế thị trường cạnh tranh là tốt nhưng không thể không có một sự quản lý nhà nước để rút ra một bài học như bất động sản. Về lý thuyết và thực tiễn, việc mở rộng các hãng hàng không đều tốt cho người tiêu dùng nhưng cần phải có sự điều tiết phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường, phù hợp lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà đầu tư trong đó có tính đến yếu tố phát triển chung của ngành” – một chuyên gia hàng không nhận xét.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường cũng nhấn mạnh: “Ý kiến cho rằng ta cấp phép tràn lan là không đúng”.

Trước ý kiến cho rằng, thị trường hàng không VN cạnh tranh khốc liệt, một phần do sự quản lý, cấp phép tràn lan của Nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Hoàn toàn không có chuyện đó!

Mong muốn của ngành giao thông vận tải nói chung là luôn muốn tạo ra một thị trường hàng không cạnh tranh, để khách hàng được chọn lựa những dịch vụ khác nhau, vì vậy, đã tạo điều kiện hết sức cho các hãng mới thành lập.

Khi các hãng đăng ký tham gia, việc đầu tiên Cục Hàng không hỗ trợ là thủ tục hành chính, hướng dẫn cho các nhà đầu tư toàn bộ các yêu cầu để có thể xin được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Sau khi thành lập, Cục tiếp tục hướng dẫn tất cả những yêu cầu để khai thác đội tàu bay đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật và có định hướng về thị trường giúp hãng lựa chọn tàu bay, lối đi cho phù hợp.

Những lúc doanh nghiệp khó khăn, Cục cũng ngồi với họ để tháo gỡ. Thậm chí, có những giai đoạn đầu khai thác, Cục đứng ra kêu gọi tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong ngành hàng không hỗ trợ tối đa, giảm giá một số dịch vụ họ cung cấp.

“Hiện nay Cục Hàng không luôn có sự quản lý, tính toán để thị trường phát triển ổn định, chứ không giống như Indonesia hay Campuchia, cấp hàng loạt giấy phép nhưng có hãng không khai thác.

… Và từ khi có Nghị định của Nhà nước về quản lý hoạt động bay, chỉ một số hãng được cấp phép. Air Mekong là một hãng gần như cuối cùng được cấp phép để khai thác các chuyến bay tiếp khách thường lệ” – lãnh đạo Cục Hàng không nhấn mạnh.

Hà Nhi

Giáo dục việt nam

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu thủy sản 2013: Mục tiêu đầy áp lực (26/02/2013)

>   Cứu doanh nghiệp hay cứu nền kinh tế? (26/02/2013)

>   Vươn ra nước ngoài (26/02/2013)

>   Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Tập đoàn Dầu khí (26/02/2013)

>   Đơn hàng mua cá tra từ EU đang tăng lên (25/02/2013)

>   Đóng cửa sân bay quốc tế Phú Bài 8 tháng (25/02/2013)

>   Xuất khẩu rau quả: Kỳ vọng con số 1 tỷ USD (25/02/2013)

>   Dù còn khó khăn, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư tốt (25/02/2013)

>   Xuất siêu gần 1,7 tỷ USD trong 2 tháng (25/02/2013)

>   Đại lý xăng dầu đồng loạt kêu khan hàng (25/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật