Xuất khẩu rau quả: Kỳ vọng con số 1 tỷ USD
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam có mức tăng trưởng tốt và nằm trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu rau quả lớn nhất thế giới. Năm 2013, ngành rau quả kỳ vọng xuất khẩu sẽ cán mức 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu dùng nông sản của thế giới đang tăng cao, là một lợi thế lớn đối với rau quả Việt Nam trong năm 2013.
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, đã định hướng đối với cây ăn quả, rau sẽ tiến hành ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành tập đoàn giống và hệ thống biện pháp kỹ thuật để tạo bước đột phá trong sản xuất các loại cây ăn quả đặc sản Việt Nam và nhiều giống ưu việt của quốc tế để nâng sản lượng rau lên 15 triệu tấn/năm 2015 và 18 triệu tấn/năm 2020; sản lượng quả đạt 12 triệu tấn năm 2020.
Phấn đấu đạt sản lượng xuất khẩu rau từ 200.000 tấn – 300.000 tấn/ năm trong giai đoạn 2011- 2015 và 350.000 - 400.000 tấn/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Về quả các loại đạt sản lượng xuất khẩu 500.000 tấn/năm trong giai đoạn 2011- 2015 và 600.000 - 800.000 tấn/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.
Rau quả đang trở thành một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao
|
Cơ sở để hiện thực hóa điều này là cân đối lại diện tích trồng trọt, chuyển những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả tại các khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long… sang phát triển các cây trồng có giá trị cao. Song song hình thành hệ thống bán buôn, bán buôn, sàn giao dịch nông sản, kênh tiếp thị gắn kết sản xuất với thị trường. Đây cũng là động lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất và xuất khẩu ngành rau quả trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, nhu cầu tiêu dùng nông sản của thế giới đang tăng cao, là một lợi thế lớn đối với rau quả Việt Nam trong năm 2013. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam có mức tăng trưởng tốt và nằm trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu rau quả lớn nhất thế giới.
Năm 2012, tuy xuất khẩu rau quả có tăng trưởng chậm hơn (do gặp trở ngại từ quy định về chất lượng của các nước nhập khẩu (châu Âu – EU, Nhật Bản…), nhưng kim ngạch cũng đạt 770 triệu USD, tăng 30% so với năm 2011. Mục tiêu năm 2013 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2012.
Đánh giá của Vinafruit, con số này không khó thực hiện, bởi quốc gia cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả là Thái Lan năm 2012 cũng đã trở thành một trong 10 thị trường nhập khẩu rau quả chính của Việt Nam. Một phần do Thái Lan đang tập trung trồng hoa phong lan xuất khẩu, đây là mặt hàng có giá trị rất cao, nên Thái Lan không quan tâm sản xuất rau quả xuất khẩu.
Đồng thời Việt Nam hiện nay đã sản xuất được nhiều chủng loại rau quả đặc sản, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường Thái Lan, nên ngoài việc thâm nhập vào thị trường này, rau quả Việt Nam còn tăng cạnh canh tranh ở những thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, New Zealand…
Trong năm 2013, các DN thành viên của Vinafruit dự kiến tăng cường xuất khẩu rau, quả gắn với từng thị trường cụ thể. Trong đó những thị trường lớn như Trung Quốc vừa thuận lợi về địa lý, kiểm soát chất lượng không quá chặt chẽ lại tiêu thụ nhiều chủng loại từ dưa hấu, nhãn, vải… đến rau xanh ăn lá, rau ăn củ… Ở thị trường này, các DN sẽ tập trung xuất khẩu với chiến lược bài bản, hợp tác chặt chẽ với những nhà nhập khẩu, phân phối lớn của Trung Quốc để đưa sản phẩm Việt Nam vào tận chợ đầu mối, siêu thị sở tại.
Bên cạnh đó, mặc dù các thị trường trong “TOP” 10 quốc gia nhập khẩu rau quả nhiều nhất của Việt Nam như Ý, Nga, Hàn Quốc, Hà Lan, Thái Lan, Malaysia, Đức, Canada… đều là những thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Nhưng đây lại là thị trường ổn định, có sức tiêu thụ ngày càng gia tăng. Đồng thời nhu cầu nhập khẩu rất lớn nhiều loại rau thế mạnh của Việt Nam như nấm rơm, các loại đậu, măng, rau quả cắt tổng hợp (đậu cô-ve, khoai tây, cà rốt, đậu Hà Lan…), khổ qua, húng quế, hành lá, tía tô… Hay các loại quả nhiệt đới như xoài, chuối, vú sữa, thanh long, cam bưởi…
Riêng hai thị trường lớn là Hoa Kỳ chủ yếu nhập trái cây như thanh long, bưởi. Rau như nấm rơm muối, nấm rơm đóng lon, ngô non đóng lon, ngô luộc, các loại khoai lang, hành củ, tỏi, gừng, nghệ,... Nhật Bản thì ưa chuộng các loại quả thanh long, vú sữa và rau như rau diếp, tỏi tây, hành, củ cải, rau xanh các loại...
Đặc biệt, trong năm 2012 chủng loại rau xanh tăng mạnh vào thị trường Nhật Bản và dự báo cũng sẽ tăng thêm vào năm 2013 do xu hướng ăn kiêng của người Nhật đang tăng). Ông Nguyễn Văn Kỳ khẳng định, đây được xem là những lợi thế lớn để ngành rau quả xuất khẩu Việt Nam bứt phá trong năm 2013, trở thành một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô”.
Thanh Trà
thời báo ngân hàng
|