Xuất khẩu dệt may sáng trở lại
Trái ngược với không khí ảm đảm đầu năm 2012, tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp (DN) ở thời điểm hiện nay khá sáng sủa khi đơn hàng sản xuất đầy đủ, nhiều DN còn không dám nhận thêm hàng vì sợ không kham nổi.
Nhà nhập khẩu mạnh dạn đặt hàng
Ngay từ những ngày đầu năm mới, sau thời gian nghỉ Tết Quý Tỵ 2013, hoạt động sản xuất ở nhiều DN dệt may tại TPHCM đã diễn ra khẩn trương, sôi nổi. Tình trạng lao động nghỉ việc sau tết tại các DN dệt may cũng giảm hẳn so với những năm trước.
Các DN dệt may chia sẻ, đơn hàng và thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại thời điểm hiện nay đã sáng sủa hơn rất nhiều. Đặc biệt, nếu so sánh với cùng thời điểm năm trước thì tình hình xuất khẩu dệt may đã lạc quan hơn. Một trong những yếu tố gây bất ngờ cho các DN chính là việc người lao động đã trở lại làm việc khá đầy đủ, tình trạng nhảy việc sau tết đã không diễn ra. Phần lớn lao động đã có mặt đầy đủ ngay trong ngày đầu sản xuất trở lại. Các DN đánh giá, việc người lao động trở lại làm việc đầy đủ cho thấy kế hoạch, đơn hàng sản xuất của DN tương đối ổn định ngay từ thời điểm trước tết đã làm người lao động yên tâm, trở lại làm việc, không hoang mang kinh tế khó khăn ở lại quê nhiều như thời điểm năm ngoái.
Sau tết các công nhân dệt may đều tích cực làm việc nhờ đơn hàng đầy đủ
|
Hơn nữa, trong thời điểm mà tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, thất nghiệp gia tăng, việc giữ được công việc ổn định tại các DN dệt may lớn có mức thu nhập khá và ổn định cũng là một trong những động lực để lao động gắn bó hơn.
Công ty CP May Sài Gòn 3 cho biết, với thời gian nghỉ tết khá dài khoảng 2 tuần, đến ngày mùng 9 Tết đi làm trở lại, hầu hết lao động đều có mặt đông đủ. DN đang tăng tốc sản xuất để cho kịp đơn hàng xuất khẩu. Năm 2012, Sài Gòn 3 đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng, trong năm 2013, với thuận lợi của thị trường, DN dự kiến sẽ tăng trưởng cả số lượng và doanh thu lên khoảng 20%, dự kiến đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.
Về đơn hàng sản xuất, hiện nay các khách hàng lớn là đối tác lâu năm tại thị trường Nhật Bản, Mỹ đã tăng lượng hàng, đơn hàng sản xuất và đã có kế hoạch sản xuất cho cả năm 2013. Để đạt được tăng trưởng 20% như đề ra, DN đang đầu tư thiết bị, quản lý, cải tiến để tăng thêm năng suất; thu hút thêm lao động để mở rộng sản xuất.
Một số DN cho biết, sau một thời gian giảm đơn hàng sản xuất, giảm sản lượng trong đơn hàng, các nhà nhập khẩu, đặc biệt là nhà nhập khẩu từ 2 thị trường Mỹ, Nhật Bản đã yêu cầu nhà sản suất tăng lượng hàng. Tại thời điểm hiện nay, có tình trạng DN phải mang hàng chạy vạy khắp nơi để tìm chỗ sản xuất. Các DN nhận xét, không tìm được đơn hàng thì DN khổ 1 nhưng có được đơn hàng mà năng lực sản xuất không đáp ứng nổi, phải tìm đơn vị khách để chia sẻ, làm bớt đơn hàng thì khổ đến 10! Vì không phải DN nào cũng có thể kham giúp, DN đủ điều kiện kỹ thuật để chia sẻ đơn hàng thì cũng đã có hàng để lo.
Dệt may cần thêm lao động
Dù vượt qua một năm đầy khó khăn, giảm sút đơn hàng mạnh từ các thị trường nhưng dệt may vẫn là ngành hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam và vẫn giữ được mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2012.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và xơ sợi dệt các loại trong năm 2012 đạt 17,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2011. Trong đó, riêng về hàng dệt may đạt 15,8 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2011. Trong khi kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, ngành dệt may Việt Nam dự báo vẫn sẽ giữ được mức tăng trưởng 12%-15% trong năm 2013, dự kiến đạt khoảng 19,3 tỷ USD. Ít nhất trong 10 năm tới, dệt may vẫn tiếp tục là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.
Dệt may sẽ giữ vai trò kinh tế quan trọng trong thời gian tới, khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh vào nhiều thị trường mục tiêu thế mạnh, nhất là những lợi thế mang lại từ các hiệp định thương mại được ký kết. So với con số hơn 700 tỷ USD tổng tiêu thụ dệt may toàn cầu thì con số 17,2 tỷ USD của dệt may Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn. Đó cũng chính là động lực, cơ sở để Việt Nam mở rộng thị phần tiêu thụ, trở thành một trong những nhà cung ứng hàng dệt may quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu trong thời gian tới.
Mở rộng thị phần xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi một nguồn lao động lớn cho ngành dệt may. Ông Lê Quốc Ân, Cố vấn cao cấp Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu, dệt may cần 100.000 lao động. Nếu áp dụng đúng bài toán này, với mục tiêu đạt 19,3 tỷ USD trong năm nay, dệt may Việt Nam cần khoảng 200.000 lao động mới trong năm 2013!
Để đảm bảo nguồn lực sản xuất, trong năm 2013, May Sài Gòn 3 cần thêm khoảng 300 lao động mới, với mức lương học việc đưa ra khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, thu nhập bình quân của người lao động tại May Sài Gòn 3 sẽ tăng từ 5,5 triệu đồng/người/tháng (năm 2012) lên 6,5 triệu đồng/người/tháng trong năm nay. Với chính sách chăm lo đời sống người lao động như hiện nay mà nhiều DN dệt may đang áp dụng, có thể nói nhiều lao động dệt may đã sống được với đồng lương của mình.
Trong thời gian qua, mức lương bình quân tại nhiều DN đã được điều chỉnh tăng. Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam, mức lương bình quân năm 2012 trên toàn hệ thống khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, nhiều DN điển hình thu nhập 5,8 -6,4 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Gia Định cho biết, thu nhập nhập bình quân của hơn 11.600 lao động tại đơn vị tăng lên mỗi năm. Năm 2012, thu nhập bình quân của hệ thống Dệt May Gia Định đạt 5,1 triệu đồng/người/tháng, dự kiến sẽ tăng lên 5,3 triệu đồng/người/tháng trong năm 2013. Chăm lo tốt đời sống người lao động là một trong những mục tiêu của DN dệt may hiện nay.
Mỹ Hạnh
sài gòn giải phóng
|