Vươn ra nước ngoài
Trong lúc đầu tư nước ngoài vào VN có phần chững lại do tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới, thì các doanh nghiệp trong nước đang vươn ra nước ngoài để đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có thể chia lịch sử đầu tư ra nước ngoài ra 3 giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu từ năm 1989 - 1998, chỉ có 12 dự án với tổng vốn đăng ký 9 triệu USD, quy mô vốn bình quân khoảng 0,76 triệu USD/dự án. Giai đoạn thứ hai từ năm 1999 - 2005 được đánh dấu bằng sự ra đời của nhiều cơ sở pháp lý về đầu tư ra nước ngoài. Số dự án tăng lên tới 128, vốn đăng ký đạt hơn 600 triệu USD, quy mô vốn đạt 4,70 triệu USD/dự án.
Giai đoạn bùng nổ là từ năm 2006 đến nay, khi các doanh nghiệp VN đầu tư hơn 578 dự án ở nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 12,4 tỉ USD. Quy mô vốn bình quân đạt 21,53 triệu USD. Nếu như ở những giai đoạn trước, thị trường Lào, Campuchia, Nga được các doanh nghiệp chú trọng, thì hiện nay họ còn tìm đến các quốc gia vốn là nhà đầu tư lớn vào VN như Nhật Bản, Hàn Quốc... Các doanh nghiệp cũng đến tận những thị trường châu Phi xa xôi, còn nhiều khoảng trống cho đầu tư.
Như vậy, sau 24 năm, doanh nghiệp VN đã đầu tư ra nước ngoài 736 dự án với vốn đăng ký đạt khoảng 15 tỉ USD. Các dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp; bán buôn bán lẻ và sửa chữa; công nghiệp chế biến, chế tạo; khai khoáng; viễn thông… Lào là điểm đến lớn nhất với 221 dự án; tổng vốn gần 3,8 tỉ USD; tiếp sau là Campuchia với 123 dự án, vốn hơn 2,566 tỉ USD; Mỹ với 92 dự án, vốn 305,71 triệu USD. Gần đây, thị trường Myanmar cũng trở thành điểm nóng đầu tư của doanh nghiệp VN khi Hoàng Anh Gia Lai, C.T Group... đặt cơ sở kinh doanh ở đây.
Nhiều doanh nghiệp đã công bố thu được lợi nhuận từ thị trường nước ngoài, như Viettel, FPT, Tập đoàn cao su VN, Tập đoàn dầu khí VN (PVN); hoặc triển vọng doanh thu trong một vài năm tới như Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG), Công ty phân bón quốc tế Năm Sao Campuchia.
Khó có thể kể hết tầm quan trọng của việc đầu tư ra nước ngoài. Thứ nhất, đây là kênh để thúc đẩy xuất khẩu của VN, bên cạnh xuất khẩu truyền thống, nhưng bài bản hơn và vững chắc hơn. Xuất khẩu truyền thống không chủ động được trong nhiều vấn đề, thông tin thị trường là một ví dụ. Nhưng khi doanh nghiệp đầu tư vào thị trường sở tại, các điểm yếu của xuất khẩu truyền thống sẽ được khắc phục. Bởi thế, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN, một phần mục tiêu của họ cũng chính là để chiếm lĩnh thị trường trong nước và họ đã nhanh chóng thực hiện được. Thứ hai, trong thế giới mở, việc đầu tư vào một nước sẽ giúp tiếp tục mở ra cho doanh nghiệp VN những cơ hội rõ ràng hơn ở các thị trường liên quan và lân cận với nước đó. Thứ ba, thị trường trong nước ở một số lĩnh vực, cơ hội không còn nhiều, việc tìm cơ hội ở thị trường khác là cần thiết.
Tuy nhiên, để hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng phát triển, điều đầu tiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhà nước cần có cái nhìn mới mẻ hơn. Quan điểm về đầu tư ra nước ngoài phải thay đổi trong toàn cầu hóa và đừng để các cơ hội mậu dịch tự do chỉ có lợi cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào VN mà không phải là của các doanh nghiệp VN khi họ chỉ luẩn quẩn trên sân nhà.
N.Trần Tâm
thanh niên
|