Thứ Năm, 03/01/2013 10:40

Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: LSS - CTCP Mía Đường Lam Sơn

Giá đang trong quá trình tạo đáy dài hạn trong vùng 12,500 – 14,000. Trong bối cảnh hiện tại, việc canh mua khi giá test lại vùng này đang được ủng hộ. Trong trường hợp giá tăng trưởng tiếp thì chỉ nên mua vào khi giá phá vỡ hoàn toàn ngưỡng 15,500.

CÁC TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG

Dài hạn: Hình thành vùng đáy. Giá đi ngang trong hơn 4 tuần rồi sau đó đột ngột bứt phá mạnh. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là LSS đã hình thành được một kênh giá đi ngang khá vững chắc rồi sau đó phá vỡ lên trên chính kênh này.

Điều này cho thấy khả năng tăng trưởng đang được nâng cao khi mà lực cầu đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. 

Ngắn hạn: Giao dịch sôi dộng trở lại. Sau nhiều tháng sụt giảm và giao dịch khá ảm đạm, trong khoảng 3 tuần gần đây thanh khoản của cổ phiếu này đang dần dần phục hồi và tăng trưởng rất mạnh.

Hiện tại, khối lượng khớp lệnh đang duy trì bên trên mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 250,000 đơn vị/phiên). Đây là dấu hiệu cho thấy lực cầu đã quay lại khi mà giá đang duy trì ở mức khá hấp dẫn.

Tạo tín hiệu mua với nhóm MA ngắn hạn. Sự bứt phá liên tục đã giúp giá vượt lên trên và tạo tín hiệu mua với bộ ba MA ngắn hạn: EMA 10, EMA 20 và EMA 40. Những tín hiệu mua này cho thấy xu hướng ngắn hạn đang được cải thiện tốt.

Trong các phiên gần đây, các đường MA này cũng đã cắt lẫn nhau tạo nên các tín hiệu xác nhận rất mạnh.

Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:

• Ngưỡng 0%       : 12,500

• Ngưỡng 23.6%  : 16,500

• Ngưỡng 38.2%  : 19,000

• Ngưỡng 50.0%  : 20,900

• Ngưỡng 61.8%  : 22,800

• Ngưỡng 100.0%: 29,200

Chiến lược trading: Trong bối cảnh hiện tại, việc canh mua khi giá test lại nhóm MA đang được ủng hộ. Trong trường hợp giá phá vỡ trở lại ngưỡng 14,500 thì việc mua vào nên tạm ngưng lại.

MỘT SỐ THÔNG TIN QUAN TRỌNG

Kết quả kinh doanh 9T/2012. Doanh thu hợp nhất trong 9 tháng đầu năm 2012 của LSS đạt 1,367 tỷ đồng, giảm 6.03% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh chỉ đạt 76 tỷ đồng, giảm hơn 74% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 34% kế hoạch năm 2012. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm sụt giảm chủ yếu do:

(1) Sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh trong quý 3.

(2) Giá bán sản phẩm cũng suy giảm do ảnh hưởng của giá đường thế giới.

(3) Chi phí giá vốn gia tăng so với cùng kỳ do (i) chi phí thu mua nguyên liệu cao hơn cùng kỳ năm trước, (ii) chi phí khấu hao cũng gia tăng do việc nâng cấp nhà máy đường số 2 đã hoàn thành và đi vào hoạt động, (iii) chữ đường thấp do yếu tố thời tiết và việc phải lưu trữu dài ngày trong những tháng đầu năm do LSS chỉ hoạt động với nhà máy số 1 đã ảnh hưởng đến chất lượng mía.

(4) Chi phí tài chính gia tăng mạnh do chi phí lãi vay bắt đầu tăng cao trong quý 3. Chi phí lãi vay tăng cao xuất phát từ việc nâng cấp và di dời nhà máy đường số 2. Nhà máy này đã đi vào hoạt động nên các chi phí lãi vay không còn được đưa vào chi phí lãi vay vốn hóa nữa, mà phải hạch toán vào chi phí trong kỳ.

(5) Mất đi khoản lợi nhuận khác, do không còn có khoản thanh lý tài sản như cùng kỳ năm trước.

Gia tăng vị thế và khả năng tăng trưởng trong tương lai. Việc LSS hoàn thành nâng cấp nhà máy đường số 2 đã giúp công suất nhà máy tăng từ 4,000 tấn/ngày lên 8,000 tấn/ ngày. Tổng công suất nhà máy của LSS đã tăng lên 10,500 tấn/ngày, cao nhất trong các công ty hoạt động trong ngành.

LSS cũng đã gia tăng đầu tư mạnh vùng nguyên liệu, nâng tổng diện tích lên 15,000 ha giúp đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất.

Mặc dù chịu chi phí đầu tư lớn, nhưng việc nâng cao công suất và vùng nguyên liệu giúp LSS cải thiện khả năng tăng trưởng và vị thế cạnh tranh trong ngành.

Khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 225 tỷ đồng trong năm 2012, do: (1) Khó khăn từ sự sụt giảm trong ngắn hạn của giá đường thế giới. Lượng đường sản xuất của thế giới dự báo đang vượt cầu và giá có thể sẽ tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới. Giá bán của LSS có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do phải cạnh tranh với hàng nhập lậu, bên cạnh đà giảm tốc của sức tiêu thụ thị trường trong nước bất chấp mùa vụ cuối năm. (2) LSS tiếp tục chịu áp lực từ chi phí khấu hao, chi phí tài chính.

Rủi ro pha loãng từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi. LSS dự kiến sẽ phát hành 2 triệu trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 100,000 đồng/trái phiếu ra công chúng (huy động 200 tỷ đồng). Theo đó, LSS dành 1.5 triệu trái phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu đã thực hiện chốt quyền vào ngày 22/08/2012, 300,000 trái phiếu chào bán cho người trồng mía và 200,000 trái phiếu chào bán cho cán bộ công nhân viên.

Vốn huy động từ đợt phát hành đợt trái phiếu này nhiều khả năng sẽ được LSS dùng để tái cơ cấu các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn hiện tại đã lên đến 1,023 tỷ đồng, chiếm gần 37% tổng nguồn vốn.

Thời gian chuyển đổi của lượng trái phiếu này là 24 tháng kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành. Toàn bộ trái phiếu bắt buộc phải chuyển đổi thành cổ phiếu với tỷ lệ 1 trái phiếu được 10 cổ phiếu, tức là giá chuyển đổi 10,000 đồng/cổ phiếu.

Rủi ro từ việc đầu tư ngoài ngành. Hiện LSS có khoản đầu tư ngoài ngành là Khách sạn Lam Sơn Hiện dự án này mới chỉ trong bước đầu xây dựng, và do đó nhiều khả năng LSS sẽ phải tiếp tục đầu tư trong tương lai. Điều này sẽ khiến LSS có thể sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn, gia tăng áp lực chi phí trong bối cảnh hiệu quả của các lĩnh vực này là câu hỏi lớn. Hiện chi phí xây dựng dở dang của dự án này là 24.1 tỷ đồng.

Ngoài ra LSS, cũng đang tập trung đầu tư cho Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao có diện tích 80-100 ha do Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng (công ty con) thực hiện. Hiện dự án này mới chỉ được đầu tư 5.3 tỷ đồng, do đó nhu cầu vốn sẽ còn cao.

Cổ đông lớn giao dịch mạnh. Động thái giao dịch của các cổ đông lớn trong thời gian gần đây đang được giới đầu tư chú ý, khi:

• Tổng Công ty Mía Đường I đã bán toàn bộ 9.11% tỷ lệ sở hữu cổ phần tại LSS, tương đương 4,553,112 cp.

• Ông Lê Trung Thành, con ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT LSS đã đăng ký bán 1 triệu cp LSS. Giao dịch sẽ được thực hiện từ ngày 19/12/2012 đến 18/01/2013. Dự kiến sau giao dịch, ông Thành sẽ nắm 1,163,192 cp, tức giảm tỷ lệ sở hữu từ 4.33% xuống 2.33%.

• Trong khi đó, Hiệp Hội Mía đường Lam Sơn đã liên tục mua vào cổ phiếu LSS và nâng số lượng nắm giữ lên 9,728,190 cp, tương ứng 19.46% vốn cổ phần tính đến ngày 07/09/2012.

Cổ phiếu đã tăng mạnh hơn 21% trong hơn 1 tuần. Cổ phiếu LSS đã tăng mạnh 21.6% trong thời gian gần đây, từ mức giá thấp nhất 12,500 đồng /cp vào ngày 19/12 tăng lên 15,200 vào ngày 27/12. Áp lực chốt lời trong thời gian tới tại LSS sẽ tăng cao.

Các chỉ số tài chính cơ bản của LSS:

Nguồn dữ liệu: VietstockFinance

Phòng Nghiên cứu Vietstock

ffn

Các tin tức khác

>   Tín hiệu kỹ thuật từ các Trading System: Tuần 24 - 28/12 (28/12/2012)

>   Trading theo phân tích kỹ thuật và những điểm nhấn trong năm 2012 (25/12/2012)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 24 - 28/12 (23/12/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu chọn lọc: Tuần 24 - 28/12 (23/12/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: BMC - CTCP Khoáng Sản Bình Định (25/12/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu chọn lọc: Tuần 17 - 21/12 (16/12/2012)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 17 - 21/12 (16/12/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: LCM - CTCP Khai Thác & Chế Biến Khoáng Sản Lào Cai (18/12/2012)

>   Tín hiệu từ các Trading System: Tuần 10 - 14/12 (13/12/2012)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu chọn lọc: Tuần 10 - 14/12 (09/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật