Thứ Sáu, 11/01/2013 08:23

Nhận diện và tìm lời giải cho "căn bệnh” chuyển giá

Chuyển giá đang là vấn đề gây bức xúc trong thời gian qua không chỉ ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà ở ngay chính những doanh nghiệp trong nước.

Việc nhận diện những hiện tượng như thế đang được cơ quan chức năng đề cập tới. Thế nhưng, làm sao để giải bài toán hóc búa trên vẫn đang là câu chuyện dài kỳ...

Bài 1: Khi doanh nghiệp nội, ngoại “bắt tay” chuyển giá

Một loạt doanh nghiệp vốn ngoại thuộc hàng “ông lớn” lần lượt bị điểm tên vì những chiêu chuyển giá "khá độc" đang thu hút sự chú ý của dư luận hơn bao giờ hết. Trong khi cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc xử lý vấn đề gây bức xúc ấy thì những mánh trốn thuế tương tự lại đang bị những doanh nghiệp nội tận dụng.

Lỗ giả, lãi thật

Nhiều doanh nghiệp FDI thời gian qua thường xuyên báo lỗ nhưng vẫn mạnh mẽ mở rộng hoạt động đầu tư, tăng trưởng doanh thu với tốc độ đáng kể. Câu chuyện lỗ giả - lãi thật, nhằm chuyển lợi nhuận về nước mà không phải chịu thuế tại Việt Nam của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ lâu đã được nhắc tới.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng hiện trong số gần 14.500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam thì có tới gần 70% doanh nghiệp kê khai lỗ và nợ thuế. Một số doanh nghiệp FDI có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng không đáng kể.

Điều này cũng trùng hợp với việc các cơ quan thuế đã công khai một số doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ như Coca Cola, Pepsi, Metro Cash & Carry...

Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sau gần 20 năm (từ 1993) Coca Cola có mặt tại Việt Nam, dù doanh thu cứ ngày một tăng (năm 2010 đạt gần 2.530 tỷ đồng) nhưng chưa năm nào doanh nghiệp này có lãi.

Ước tính tổng lỗ lũy kế của đại gia giải khát này đã đạt gần 3.800 tỷ đồng, vượt xa vốn đầu tư ban đầu. Với số lỗ như vậy, Coca Cola Việt Nam đương nhiên chưa từng phải nộp thuế thu nhập vào ngân sách.

Tương tự với Pepsi Việt Nam, một đại gia ngành giải khát cũng báo lỗ liên tục kể từ khi thành lập và lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 của Pepsi là 1.206 tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, gần đây cơ quan thuế cũng chỉ ra Tập đoàn Metro Cash & Carry, từ năm 2001 đến 2009 khai lỗ 1.157 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác như Adidas, Keangnam Vina, Unilever cũng đang được ngành thuế thúc đẩy kiểm tra mạnh mẽ.

Điều đặc biệt là liên tục báo lỗ nhưng vẫn các doanh nghiệp này vẫn muốn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh như Metro Cash & Carry vẫn phấn đấu có 30-35 trung tâm tại Việt Nam trong 3-5 năm tới.

Muôn vàn "mánh lới..."

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam cho biết, hiện có 2 cách chuyển giá chủ yếu.

Cách kín đáo nhất là chuyển giá qua cung ứng nguyên vật liệu và dịch vụ từ công ty mẹ cho công ty con ở Việt Nam hoặc có trường hợp là công ty mẹ ủy quyền cho công ty con ở nước khác để bán vào Việt Nam. Đây được cho là cách tinh vi nhất.

Cách thứ hai là qua giá bán, xuất khẩu. Với cách này, công ty con ở Việt Nam sẽ bán hàng về một công ty nào đó, hoặc bán thẳng cho công ty mẹ ở nước ngoài với giá thấp, có thể ngang bằng giá sản xuất thậm chí thấp hơn để công ty mẹ bán trên thị trường khác và thu lợi nhuận.

Ông Tiền đưa ra ví dụ, trước đây doanh nghiệp trà Ô Long ở Lâm Đồng đã thực hiện chuyển giá kiểu này nhưng cơ quan quản lý đã phát hiện được vì trà trồng ở Việt Nam, quá trình sinh trưởng phụ thuộc tự nhiên nhiều, chi phí nguyên phụ liệu khác không quá tốn kém. Trong khi giá bán loại trà này ở Việt Nam rất cao thì giá xuất khẩu lại thấp nên ngành thuế đã phát hiện ra và truy thu thuế.

Ông Tiền cũng thừa nhận, đối với trường hợp một thì khó phát hiện hơn. Ông cho biết, trong quá trình làm việc với Coca Cola, doanh nghiệp này giải thích họ mua hương liệu từ công ty mẹ với giá cao chiếm 65%-85% giá thành mà hương liệu này chỉ phù hợp với khí hậu ở Việt Nam. Hiện tượng này ngành thuế cũng đã phát hiện được, tuy nhiên "không thể làm gì được họ."

Nhìn nhận thực tế trên, theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, câu chuyện chuyển giá của các doanh nghiệp FDI thực ra không phải là mới. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp FDI mà chúng ta kỳ vọng mang vào Việt Nam cả hệ thống quản trị hiện đại cùng trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh theo chuẩn quốc tế, vẫn cứ miệt mài làm lỗ.

“Yếu nhất hiện nay vẫn là thiếu cơ sở dữ liệu về nguyên nhiên vật liệu, công nghệ và thông tin về những thiết bị mới nhất trên thị trường toàn cầu nên chúng ta luôn bị động,” ông Thụ nói.

Doanh nghiệp nội cũng ngàn đường “lắt léo”

Ngay cả khi một loạt nghi vấn chuyển giá của những doanh nghiệp FDI có tiếng chưa kịp lắng xuống thì những độc chiêu né thuế cũng đang “nóng” cả khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

Một trong những mánh phổ biến hiện nay là doanh nghiệp đua nhau lập ra các công ty con ở địa bàn được ưu đãi về thuế như Sơn La, Lai Châu… để đổ lợi nhuận về khu vực này.

Theo luật sư Vũ Xuân Tiền, thông thường, đây là những địa phương khó khăn và doanh nghiệp mới thành lập sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và tiếp tục giảm thuế trong những năm tiếp theo.

Bởi thế, một doanh nghiệp ở Hà Nội sẽ lách thuế bằng cách “với tay” thành lập công ty con ở những địa phương này. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là cái vỏ, con dấu và hóa đơn sẽ được chuyển về Hà Nội. Sau đó, với những giao dịch của công ty mẹ, hóa đơn bán hàng được đóng dấu ở công ty con, điều này đồng nghĩa lợi nhuận sẽ chảy về địa bàn được hưởng ưu đãi thuế.

Một cách khác, theo ông Tiền, công ty mẹ sẽ bán hàng cho công ty con ở những địa bàn trên với giá thành rất thấp. Những sản phẩm này sau đó sẽ được công ty con rao bán với giá thị trường cao hơn nhiều. Doanh thu của công ty nhờ thế sẽ lách khéo được nơi có thuế thu nhập doanh nghiệp cao.

Với nhiều năm kinh nghiệp trong ngành thương mại, theo chia sẻ của ông Vũ Vinh Phú, Ủy viên Hiệp hội bán lẻ thì dù biết cách thức, phương thức chuyển giá nhưng luật quy định còn thiếu chặt chẽ.

“Có thể thấy, một năm Cục Quản lý cạnh tranh chỉ xử được vài vụ bán phá giá, do vậy phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống chuyển giá và bổ sung luật cạnh tranh mới hết bị động,” ông Phú nêu ý kiến.

Ý kiến này của ông Phú đã được nhiều chuyên gia hay chính những nhà quản lý nhìn nhận. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán chống chuyển giá phức tạp hơn như vậy rất nhiều./.

Bài 2: Chống chuyển giá: Cần đẩy nhanh lấp kẽ hở luật pháp

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Niêm yết công khai quyết định giải thể doanh nghiệp (10/01/2013)

>   Nhiều mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị kiện (10/01/2013)

>   Công nghiệp điện tử: Xây lại nền móng (10/01/2013)

>   Samsung Việt Nam chiếm 98% tỷ trọng xuất khẩu điện thoại (10/01/2013)

>   Lạc hướng tồn kho (10/01/2013)

>   “Thê thảm” như ôtô năm 2012 (10/01/2013)

>   2013: Ngành đường sắt quyết tăng doanh thu hơn 8% (09/01/2013)

>   Nhiều DNNN đưa ra kế hoạch doanh thu thấp hơn năm 2012 (09/01/2013)

>   Đầu tư ra nước ngoài: Đã đến thời “hái quả” (09/01/2013)

>   Quan ngại thị trường tôn mạ bị độc chiếm (09/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật