Thứ Năm, 10/01/2013 15:47

Công nghiệp điện tử: Xây lại nền móng

Nhìn lại chặng đường phát triển 20 năm qua, có thể nói công nghiệp điện tử Việt Nam không có những bước tiến nào đáng kể. Thời gian tới, khi cánh cửa hội nhập mở rộng hơn, ngành công nghiệp điện tử sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa nên rất cần có những chính sách định hướng phát triển cụ thể ngay từ bây giờ để làm lại từ đầu.

Liên doanh tan rã

Khi Việt Nam bắt đầu thực hiện mở cửa thị trường, các tập đoàn điện tử nước ngoài như Sony, Panasonic, Toshiba… đã nhanh chóng gia nhập và kết hợp với các DN nội địa thành lập các công ty liên doanh, thắp lên kỳ vọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các chính sách bảo hộ ngành công nghiệp điện tử trong nước từng bước được gỡ bỏ, mức thuế nhập khẩu hàng điện tử giảm xuống, nên nhiều DN FDI đã ngưng hoạt động sản xuất, lắp ráp để nhập thành phẩm từ các nước ASEAN vào tiêu thụ trong nước. Điều này khiến các liên doanh đi đến phá sản.

Cụ thể, sau khi ra đời và hoạt động được 7 năm, một trong những liên doanh với DN FDI đầu tiên là Orion - Hanel đã tan rã. Tiếp đó, liên doanh giữa Sony và Viettronics Tân Bình thành lập nhà máy sản xuất tivi và hàng điện tử tại Việt Nam cũng giải tán.

Theo TS. Trần Quang Hùng, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng hóa nhập khẩu được giảm thuế khiến việc sản xuất, lắp ráp trong nước tạo ra ít lợi nhuận hơn. Trong khi DN ngoại đến để tìm kiếm lợi nhuận chứ không phải vì mục đích hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện tử.

Hơn nữa, các DN trong nước lại quá yếu trong khâu sản xuất linh kiện và những mặt hàng nhựa của ngành công nghiệp phụ trợ, buộc các công ty nước ngoài phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đẩy giá bán lên cao, khó cạnh tranh lại hàng thành phẩm nhập khẩu.

Do vậy, ban đầu các DN FDI còn sử dụng một số linh kiện nội địa, nhưng khi mức thuế nhập khẩu giảm xuống còn 0-5% họ chuyển sang nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài để có giá bán cạnh tranh hơn.

Tình trạng này khiến nhiều DN sản xuất linh kiện lẫn lắp ráp điện tử ở Việt Nam phải ngừng sản xuất và ngành công nghiệp điện tử Việt Nam không còn cơ hội để phát triển. Vì vậy, cho đến nay, dù các DN FDI chỉ chiếm khoảng 30% DN điện tử đang hoạt động trong nước, nhưng lại chi phối đến 80% thị phần nội địa và 95% kim ngạch xuất khẩu.

Làm lại từ đầu

Nhìn về mức đầu tư đối với ngành công nghiệp điện tử trong nước nhiều năm trở lại đây, cho thấy ngoài dự án 1 tỷ USD của Intel vào TPHCM và dự án đầu tư của Samsung, thị trường Việt Nam chưa đón nhận thêm những dự án quan trọng nào, dù các nhà đầu tư vẫn thường xuyên thăm dò thị trường.

Sản xuất linh điện tử tại Công ty Nidec Corporation VN (khu CNC TPHCM)

Tuy nhiên, Intel, Samsung đầu tư vào Việt Nam vì họ nhận được ưu đãi tốt và giá nhân công rẻ, chứ không phải vì Việt Nam có lực lượng kỹ sư giàu kinh nghiệm hay công nghiệp hỗ trợ ngành phát triển.

Ông Katsuhiro Zenke, Tổng giám đốc Công ty TNHH TENMA Việt Nam, nhìn nhận các công ty ngoại đã có sẵn công nghệ cao, kinh nghiệm hoạt động và thị phần lớn ở nhiều quốc gia nên các linh, phụ kiện của họ đều từ các đơn vị của hãng hay các đơn vị được ủy quyền sản xuất để có mức giá thành tốt nhất.

Vì vậy, với kinh nghiệm và công nghệ thấp, các DN Việt Nam khó lòng gia nhập vào chuỗi cung ứng linh kiện của các hãng điện tử lớn. Sự yếu kém về công nghiệp hỗ trợ và trình độ nhân lực sẽ là thách thức lớn, vì đến năm 2015 là thời hạn các hàng rào thuế quan của khu vực mậu dịch tự do ASEAN phải được dỡ bỏ hoàn toàn.

Khi đó, nếu Việt Nam không cải thiện được những vấn đề hiện tại, các DN FDI có thể dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.

Theo các chuyên gia kinh tế, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, công nghệ của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã bị lạc hậu 10-20 năm. Ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc CTCP 4P, chia sẻ hiện các DN đang rất cần có những chính sách phát triển cụ thể, phù hợp và một đầu mối liên kết để các DN nội địa có thể tham gia hoạt động cùng các DN FDI để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Những năm qua, quy hoạch định hướng và chiến lược của ngành điện tử dù có nhưng rất chung chung, ngành công nghiệp điện tử được xếp vào nhóm ngành mũi nhọn nhưng không có chính sách hỗ trợ cụ thể, thiếu các chương trình xúc tiến thương mại nên không kêu gọi được đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ. Cũng do thiếu chính sách định hướng phát triển nên các DN đã chuyển đổi mô hình từ sản xuất sang nhập, lắp ráp gia công, khiến ngành công nghiệp điện tử Việt Nam ngày càng thụt lùi.

Hiện nay, ngân sách dành cho khoa học - công nghệ tại Việt Nam chỉ chiếm 2% ngân sách và khoảng 0,4% GDP, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Do đó, muốn phát triển ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam cần xây lại nền móng chứ không phải chỉ dựa vào sự đầu tư của các DN nước ngoài.

Yên Lam

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Samsung Việt Nam chiếm 98% tỷ trọng xuất khẩu điện thoại (10/01/2013)

>   Lạc hướng tồn kho (10/01/2013)

>   “Thê thảm” như ôtô năm 2012 (10/01/2013)

>   2013: Ngành đường sắt quyết tăng doanh thu hơn 8% (09/01/2013)

>   Nhiều DNNN đưa ra kế hoạch doanh thu thấp hơn năm 2012 (09/01/2013)

>   Đầu tư ra nước ngoài: Đã đến thời “hái quả” (09/01/2013)

>   Quan ngại thị trường tôn mạ bị độc chiếm (09/01/2013)

>   Xuất khẩu: Cứ vui đã (09/01/2013)

>   Quỹ đầu tư tư nhân đang trở lại Việt Nam? (09/01/2013)

>   Thép Việt Nam bị kết luận phá giá ở Indonesia (09/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật