Thứ Tư, 09/01/2013 15:30

Đầu tư ra nước ngoài: Đã đến thời “hái quả”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong nước và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư. Nhìn về phía trước, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thêm, triển vọng đầu tư ra nước ngoài trong năm 2013 cũng rất khả quan.

Trong căn nhà hai tầng cách trung tâm Thủ đô Vientian (Lào) khoảng 3 km, giám đốc chi nhánh một DN tư nhân chuyên kinh doanh thiết bị thi công hạng nặng “gảy” con tính trên máy laptop khi vẫn mặc quần soóc. “Năm nay kinh doanh có trầm hơn so với năm ngoái, nhưng vẫn khá tốt”, ông giám đốc nói vậy về doanh số hơn 20 triệu USD trong năm 2012, công sức của chi nhánh chỉ có hai người.

Unitel, thương hiệu di động của Viettel tại Lào

Mấy năm nay, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh là cơ hội cho những DN như của vị giám đốc nọ. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/12/2012, các DN Việt Nam đã đầu tư tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 712 dự án ra nước ngoài vẫn còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD. Riêng trong năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD.

“Xu hướng đầu tư ra nước ngoài đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar… và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược như dầu khí; thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông...”, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay. Nổi bật trong các dự án đầu tư ra nước ngoài thành công của DN Việt Nam là trường hợp của Viettel, với 7 quốc gia hiện diện mạng viễn thông của DN này. Tiếp theo là Tập đoàn Dầu khí, Cao su và một số DN tư nhân như Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG)…

“Có một số dự án đã bước đầu thành công và chuyển lợi nhuận về nước”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết. Con số thống kê chính thức cho thấy, những dự án đầu tư ra nước ngoài có lãi tập trung vào các lĩnh vực như dầu khí, viễn thông và cao su.

Theo ông Hoàng, khoản lợi nhuận các DN chuyển về nước vào khoảng 430 triệu USD. Đáng lưu ý hơn là một số dự án đầu tư lớn trong ngành thủy điện cũng chuẩn bị “đơm hoa kết trái” trong thời gian tới. Đây được cho là lĩnh vực sẽ nhanh chóng làm gia tăng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong tương lai.

“Nhiều dự án thủy điện đã được triển khai trong mấy năm qua, khiến cho việc kinh doanh máy móc hạng nặng và thiết bị thay thế, tốt hơn nhiều so với trước đây”, ông giám đốc chi nhánh nọ cho biết. Tại Lào, tiếp sau thủy điện Xekaman 3 đang chuẩn bị phát điện; thủy điện Xekaman 1 cũng đang gấp rút để có thể chạy thử không tải vào năm tới; Xekaman 4 cũng đặt cam kết phát điện vào năm 2016; đường truyền tải điện 500 KV về Việt Nam cũng trong lộ trình hoàn thành...

Theo một lãnh đạo của Tổng công ty Sông Đà, việc tăng cường đầu tư xây dựng các dự án thủy điện tại Lào nằm trong kế hoạch phát triển những công trình thủy điện tại Nam Lào nhằm bán điện về Việt Nam, đang được DN này gấp rút triển khai.

Nhiều DN tư nhân cũng không đứng ngoài cuộc, Hoàng Anh Gia Lai đã chi mạnh cho các dự án thủy điện Nậm Công 2 và 3 tại tỉnh Attapeu (Lào); VC Invest cũng “nhanh tay” rót vốn vào dự án thủy điện Nậm Leng tại tỉnh Phongsaly (Bắc Lào)… Trong khi đó, Myanmar cũng là một thị trường đầu tư thủy điện khác mà DN Việt Nam cũng bắt đầu chú ý trong vài năm nay.

Trên số liệu thống kê, tốc độ triển khai dự án ở nước ngoài của các DN Việt Nam được tiến hành khá mạnh trong thời gian gần đây. Tính đến nay, số vốn thực hiện lũy kế ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD, trong đó riêng năm 2012 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong nước và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư. Nhìn về phía trước, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết thêm, triển vọng đầu tư ra nước ngoài trong năm 2013 cũng rất khả quan. Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, số vốn đăng ký trong năm nay có thể đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 0,9 - 1 tỷ USD.

Anh Quân

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Quan ngại thị trường tôn mạ bị độc chiếm (09/01/2013)

>   Xuất khẩu: Cứ vui đã (09/01/2013)

>   Quỹ đầu tư tư nhân đang trở lại Việt Nam? (09/01/2013)

>   Thép Việt Nam bị kết luận phá giá ở Indonesia (09/01/2013)

>   Đan Mạch chuyển từ hỗ trợ ODA sang đối tác thương mại (08/01/2013)

>   Vinatex: Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng hết quý 1 (08/01/2013)

>   Samsung lãi “khủng” nhờ smartphone Galaxy (08/01/2013)

>   Năm 2012: Miễn, giảm hơn 26.000 tỷ đồng tiền thuế (08/01/2013)

>   Dệt may xuất siêu 8,4 tỷ USD (08/01/2013)

>   Cải thiện môi trường đầu tư: 3 khâu đột phá (08/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật