Quỹ đầu tư tư nhân đang trở lại Việt Nam?
Khoản đầu tư 200 triệu đô la Mỹ vào Masan Consumer gần đây của Kohlberg Kravis Roberts (KKR), một trong những quỹ đầu tư vốn tư nhân lớn nhất thế giới, có là một dấu hiệu về sự trở lại của các quỹ đầu tư tư nhân tại Việt Nam?
Mặc dù nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như các quan ngại trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, gần đây Việt Nam đã thu hút trở lại các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các khoản đầu tư này đến từ các nhà đầu tư chiến lược để tìm cách mở rộng sự hiện diện và hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam. Trong khi đó, một thành tố quan trọng của một thị trường vốn phát triển đó là các nhà đầu tư tài chính nước ngoài thì lại tương đối im lặng. Với khoản đầu tư 200 triệu đô la Mỹ vào Masan Consumer gần đây của Kohlberg Kravis Roberts (KKR), một trong những quỹ đầu tư vốn tư nhân lớn nhất thế giới, có lẽ các nhà đầu tư tài chính, đặc biệt là các nhà đầu tư vốn tư nhân, sẽ phải nhìn nhận lại tiềm năng và cơ hội của Việt Nam một cách nghiêm túc hơn.
Gần đây, những nhà đầu tư chiến lược đã gia tăng các khoản đầu tư vào Việt Nam và các nhà đầu tư trên thị trường đã đặc biệt lưu ý đến sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Ví dụ như ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản Tokyo-Mitsubishi UFJ mua lại 20% cổ phần của Vietinbank (HOSE: CTG) với tổng giá trị lên đến 743 triệu đô la Mỹ và Sumitomo Life mua lại 18% cổ phần của Bảo Việt, công ty bảo hiểm lớn nhất tại Việt Nam, từ HSBC, với giá trị 340 triệu đô là Mỹ. Và gần đây hơn, tập đoàn Siam Cement, một công ty vật liệu xây dựng lớn của Thái Lan, đã mua 85% cổ phần của tập đoàn Prime, một trong những nhà sản xuất gạch men lớn nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, không có nhiều thông tin về vốn mới từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài vào cổ phiếu sơ cấp của các công ty Việt Nam. Cổ phiếu sơ cấp so với cổ phiếu thứ cấp có một sự khác biệt quan trọng. Đó là các cổ phiếu sơ cấp đại diện cho vốn mới đi vào Việt Nam để tài trợ cho sự tăng trưởng, trong khi đó cổ phiếu thứ cấp chỉ để hỗ trợ việc mua bán kiếm lợi nhuận giữa các nhà đầu tư tài chính.
Thay vì nói về những khoản đầu tư mới, đã có rất nhiều nguồn tin về các nhà đầu tư vốn tư nhân và các nhà đầu tư tài chính đang tìm cách thoái vốn của mình tại Việt Nam. 40% cổ phần của Proconco đã được bán trong năm vừa qua cho Masan Consumer từ quỹ đầu tư được quản lý bởi Prudential. Vinacapital và quỹ DWS Việt Nam đã rút vốn khỏi tập đoàn Prime và Vinacapital hiện đang tìm cách để bán quyền sở hữu của mình tại khách sạn Metropole Hà Nội. Do vậy khoản đầu tư nêu trên của KKR có lẽ là dấu hiệu cho thấy các quỹ đầu tư vốn tư nhân đang dần trở lại một cách nghiêm túc, và đó là dấu hiệu rất tích cực cho nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam.
Vấn đề quan trọng cần lưu ý ở đây là một thương vụ lớn không đủ để làm nên một xu hướng và không phải công ty nào cũng thành công như Tập đoàn Masan. Tuy nhiên, giao dịch này chắc hẳn sẽ mang lại nhiều sự chú ý tích cực hơn về tiềm năng của Việt Nam, một điều mà hy vọng rằng sẽ giúp các công ty nội địa thu hút được nguồn vốn để phát triển. Trong bối cảnh các ngân hàng đang đối đầu với nhiều thách thức và cần hạn chế bớt các hoạt động tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài, dù là từ các nhà đầu tư chiến lược hay tài chính, đều có thể hỗ trợ để giúp nền kinh tế Việt Nam quay lại thời kì tăng trưởng mạnh mẽ.
V.Q (Vietstock)
ffn
|