Lạc hướng tồn kho
Một trong những vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm rất lớn của không chỉ các hoạch định chính sách, giới chuyên môn mà ngay cả báo giới cũng đã tốn không ít giấy mực đề bàn về nó. Ấy là tồn kho. Song dường như mọi nỗ lực chưa mang lại kết quả mong muốn khi tồn kho tại thời điểm 1/12/2012 vẫn tăng tới 20,1% so với cùng kỳ.
Theo một quan chức của Tổng cục Thống kê, trong nền kinh tế vận hành bình thường, mức tăng chỉ số tồn kho khoảng 15-17% là hợp lý. Thế nhưng số liệu công bố của cơ quan này cho thấy, mức tăng chỉ số tồn kho tại tất cả các thời điểm trong năm đều ở mức rất cao, bình quân trên 20%; cao nhất là 34,9% tại thời điểm 1/3/2012.
Thực tế này khiến cho cả xã hội lo lắng, bởi tồn kho cao sẽ khiến sản xuất rơi vào đình trệ. Hệ quả là, mọi giải pháp chính sách trong năm đều hướng đến việc kích cầu giải phóng tồn kho. Song dường như mọi nỗ lực chưa mang lại kết quả mong muốn khi tồn kho tại thời điểm 1/12/2012 vẫn tăng tới 20,1% so với cùng kỳ.
Đánh đùng một cái, một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Thông tin Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCSEIF) nhận định: “Tình hình tồn kho thành phẩm của các DN thuộc ngành sản xuất trong nước không đáng ngại, thậm chí là có khả năng không có, không đúng như những gì chúng ta từng đánh giá trong thời gian qua vì trong khi các DN trong nước khó khăn về tín dụng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu tăng, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất giảm”.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm cho thấy, trong số 910 DN được điều tra khảo sát thì có tới 66,4% cho rằng tồn kho thành phẩm xét theo khối lượng của DN là bình thường, chỉ có 15,1% cho rằng, trên mức bình thường, trong đó có 9,1% đánh giá ở dưới mức bình thường.
Vậy thực hư tồn kho thế nào? Mặc dù Tổng cục Thống kê cho rằng, việc tính toán chỉ số tồn kho là theo thông lệ quốc tế, song không thể phủ nhận, công bố chỉ số tồn kho “độc lập” như vậy rất dễ gây hiểu nhầm. Bởi, theo cách tính hiện nay, chỉ cần tồn kho tại thời điểm nào đó của năm trước ở mức thấp, tất yếu sẽ đẩy mức tồn kho của kỳ sau lên rất cao; trong khi giá trị tồn kho nhiều khi lại không lớn đến vậy.
Đơn cử, nhìn lại thời điểm 1/12/2012, tồn kho của ngành sản xuất xe có động cơ tăng tới 76,6% so với cùng kỳ - một mức tồn kho phải nói là “khủng khiếp”. Thế nhưng soi kỹ thì thấy, nguyên nhân cũng do cùng kỳ năm trước, chỉ số tồn kho của ngành này giảm tới 14,6%. Trong khi đó, tỷ lệ giá trị hàng tồn kho tại thời điểm này so với giá trị sản xuất ước tính cả năm 2012 của ngành sản xuất xe có động cơ chỉ là 9,1% - một mức hợp lý khi biết rằng, đây là thời điểm các DN trữ hàng phục vụ dịp Tết.
Do “hiểu sai” về tồn kho, nên dường như các chính sách trong năm bị trệch hướng, vì vậy, khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Không thể phủ nhận, hiện vấn đề tồn kho là có, song tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và các ngành sản xuất liên quan đến bất động sản. Có lẽ hiện các cơ quan chức năng cũng đã nhận thức được vấn đề này, nên mọi động thái chính sách thời gian gần đây đều tập trung vào việc “phá băng” cho thị trường bất động sản.
Bản thân Tổng cục Thống kê, từ tháng 11/2012, bên cạnh chỉ số tồn kho, cơ quan này cũng đã đưa ra thêm chỉ số mới: Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho so với giá trị sản xuất dự kiến cả năm. Chỉ số mới này sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về vấn đề tồn kho. Theo đó, tỷ lệ giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 1/12/2012 so với giá trị sản xuất ước tính cả năm 2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 6,9% - một mức khá thấp so với giai đoạn Tết của nhiều năm qua.
Minh Trí
thời báo ngân hàng
|