Mục tiêu và động lực của tăng trưởng
Theo WB, tại các nước đang phát triển như Việt Nam, an sinh xã hội không những là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế, mà còn là động lực mạnh mẽ hỗ trợ quá trình này.
Tính riêng từ 2008 - 2011, lạm phát đã làm giảm thu nhập thực tế của người dân khoảng 70%
|
Đầu đã xuôi…
Tại Hội thảo công bố Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, thành tích giảm nghèo của Việt Nam là rất ấn tượng và song tiềm ẩn nhiều yếu tố khiến kết quả này chưa bền vững.
Theo đó, nghèo đói ở Việt Nam đã giảm nhanh chóng, từ gần 60% hồi đầu những năm 1990, xuống 20,7% trong năm 2010, theo số liệu mới sử dụng phương pháp theo dõi nghèo cập nhật do WB và Tổng cục Thống kê thực hiện.
Tuy đã có bước khởi đầu khá tốt, nhưng Báo cáo cho thấy, nhiều đặc trưng của người nghèo ở thập kỷ 90 vẫn tiếp tục tồn tại như trình độ học vấn thấp, hạn chế về kỹ năng, phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, tự cấp tự túc... Đồng thời, lại có sự thay đổi đáng lo ngại, nhóm dân tộc thiểu số trước đây chỉ là đối tượng cần chú ý trong bức tranh nghèo đói, nay trở thành mối bận tâm lớn khi 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm chưa tới 15% dân số quốc gia, nhưng lại chiếm tới gần 50% số người nghèo trong năm 2010.
Cũng theo báo cáo này, với mức độ đô thị hóa nhanh, người nghèo đô thị cũng trở thành thách thức mới ở Việt Nam. Số dân nông thôn di cư ra thành thị để làm việc trong khu vực tư nhân và dịch vụ tăng mạnh, chủ yếu là công việc không chính thức và không có những phúc lợi về an sinh xã hội như bảo hiểm y tế và lương hưu. Trong khi giáo dục nói chung tốt hơn 10 năm trước thì tỷ lệ không được đi học trong nhóm nghèo vẫn còn cao, 46% hộ nghèo và 58% hộ nghèo cùng cực có chủ hộ chưa học xong tiểu học.
Bà Valerie Kozel, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB - tác giả chính của Báo cáo, chia sẻ, những thành tựu đạt được rất ấn tượng, tuy nhiên, tăng trưởng đang suy giảm trong những năm gần đây do các bất ổn vĩ mô và các cú sốc từ bên ngoài khiến tỷ lệ tái nghèo cũng như chênh lệch giàu - nghèo tăng mạnh. Nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số vẫn cao và khó xóa bỏ. Những người nghèo còn lại phải đối mặt với những thách thức như sự cô lập, hạn chế về tài sản, trình độ học vấn thấp, sức khỏe kém.
Tăng trưởng kinh tế vốn là nhân tố chính cho giảm nghèo và Việt Nam cần tiến hành những biện pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát và bảo đảm tăng trưởng bền vững trong tương lai. Việt Nam cũng được khuyến cáo cải thiện các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội để có thêm nhiều hộ nghèo được hưởng lợi. Hiện nay, chỉ khoảng 50% hộ nghèo nhất hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo của Chính phủ và mức trợ cấp nhìn chung còn rất thấp.
Theo TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, có 4 thách thức với công cuộc giảm nghèo của Việt Nam là: Nghèo tập trung ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, một số dạng rủi ro có xu hướng tăng; bất bình đẳng gia tăng; tăng trưởng có xu hướng chậm lại; tái cơ cấu nền kinh tế tuy đem lại tác động tích cực lên tăng trưởng trong dài hạn, song sẽ có những chi phí về kinh tế và xã hội trong ngắn hạn.
…nhưng thách thức ngày càng lớn
TS. Nguyễn Thắng nhấn mạnh, không nên nhìn người nghèo chỉ là đối tượng để hỗ trợ, mà họ còn là nguồn lực của tăng trưởng. Giúp đỡ người nghèo cũng chính là thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng các nguồn lực cho tăng trưởng.
Theo ông Thắng, trong các trụ cột giảm nghèo giai đoạn này, trụ cột đầu tiên là ổn định vĩ mô, tạo ra môi trường thuận lợi cho giảm nghèo, ưu tiên tăng trưởng trong các lĩnh vực, ngành nghề cung cấp việc làm cho người thu nhập thấp, người ít kỹ năng, người nghèo, người dễ bị tổn thương. Do đó, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cần được ưu tiên lớn hơn. Nông nghiệp đã và vẫn sẽ là điểm tựa cho nền kinh tế khi nó giúp người nghèo ở nông thôn thoát nghèo, hỗ trợ ổn định vĩ mô.
“Giảm nghèo là vấn đề rộng lớn, một mặt là kết quả của tăng trưởng kinh tế chung, mặt khác là yếu tố quan trọng để kinh tế duy trì được sự tăng trưởng bền vững”, ông Thắng nói.
Trong khi đó, bà Kozel cho rằng, phải khiến tăng trưởng mang lại lợi ích cho mọi nhóm dân, bằng cách mở rộng đầu tư vào khu vực nông thôn và tăng năng suất lao động nông nghiệp, hỗ trợ các DN sản xuất sử dụng nhiều lao động và các DN vừa và nhỏ. Cùng với đó, Việt Nam cũng nên cải thiện các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội để có thêm nhiều hộ nghèo được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách để giải quyết gốc rễ các nguyên nhân dẫn đến khả năng dễ bị tổn thương của người dân và gây ra nghèo nhất thời như mất việc làm, hoặc chất lượng việc làm và thu nhập bị giảm mạnh, sốc do ốm đau, bệnh tật, do tác động của biến đổi môi trường...
“Thay đổi cách phân bổ nguồn lực”
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế
Vấn đề giảm nghèo ở Việt Nam không chỉ bị thách thức bởi tăng trưởng có xu hướng chậm lại, mà còn do sự bất bình đẳng trong phân bổ các nguồn lực và những bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao và kéo dài. Sự bất bình đẳng trong phân bổ các nguồn lực rõ nhất là đất đai được tích tụ vào tay một số ít đối tượng và nhóm này giàu lên nhanh chóng, trên sự nghèo đi của nông dân và dân thường bị mất đất đông gấp nhiều lần. Hoặc tài nguyên khoáng sản với quyền khai thác được giao cho một số người cũng chỉ làm giàu cho số ít, còn người dân các địa phương có tài nguyên không được hưởng lợi gì đáng kể, thậm chí còn phải chịu thêm những đe dọa về môi trường. Tài nguyên ở Việt Nam chủ yếu được khai thác để xuất thô, nên cũng chỉ mang lại thu nhập khiêm tốn cho đất nước, trong khi nguồn này cạn kiệt nhanh chóng.
Tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài mấy năm qua làm mất nhiều cơ hội thu nhập và việc làm của người dân. Tính riêng từ 2008 - 2011, lạm phát đã làm giảm thu nhập thực tế của người dân khoảng 70%. Tái cơ cấu nền kinh tế do vậy là vô cùng quan trọng cho tăng trưởng và giảm nghèo. Tái cơ cấu nền kinh tế không những tác động tích cực lên tăng trưởng trong dài hạn, mà còn giúp thay đổi cách phân bổ các nguồn lực theo hướng minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn.
“Phụ thuộc vào cải cách thể chế”
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế
Những “vấp váp” trong điều hành kinh tế vĩ mô từ năm 2007 cho đến nay dẫn đến lạm phát cao, tăng trưởng giảm sút, sức mua của dân cư bị suy giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nói chung và công tác xóa đói, giảm nghèo nói riêng. Đầu tư công kém hiệu quả, DNNN thua lỗ kéo dài, giá thuốc rất cao, dịch vụ y tế và giáo dục công cũng thu phí với mức ngày càng tăng lên là những nguyên nhân chủ quan khác hạn chế thành tựu xóa đói, giảm nghèo và không thể cho rằng, các yếu kém đó là do “tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu”.
Có thể nói, thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam rất đáng trân trọng, song còn dưới tiềm năng của nền kinh tế và tính năng động của người dân. Với việc DN giải thể hàng loạt trong năm 2011, 2012, thu nhập và đời sống của người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề. Có đầy đủ căn cứ để nhận định rằng, nếu Việt Nam cải cách thể chế mạnh hơn, đầu tư công có hiệu quả hơn, chống tham nhũng, lãng phí có tiến bộ rõ rệt hơn, y tế, giáo dục hoạt động công khai, minh bạch hơn thì thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam còn cao hơn. Vì vậy, các tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế (Việt Nam có vượt qua được bẫy thu nhập trung bình không?), trong chất lượng các dịch vụ công từ giáo dục - đào tạo đến chăm sóc y tế đều phụ thuộc rất nhiều vào cải cách thể chế ở Việt Nam.
“Nhiệm vụ giảm nghèo gặp nhiều thách thức mới”
TS. Nguyễn Hải Hữu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Giai đoạn 1993 - 2010, GDP bình quân đầu người từ 350 USD tăng lên khoảng 1.500 USD (trên 4 lần) và tỷ lệ nghèo giảm từ 58% xuống còn 10% (giảm quá 3/4). Đó là thành tựu rất ấn tượng cả về giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hoàn thành khá nhiều mục tiêu thiên niên kỷ đã đề ra về giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Song nhiệm vụ giảm nghèo vẫn chưa hoàn thành và đặt ra nhiều thách thức mới.
Phải chăng, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn qua chủ yếu nhờ vào tăng trưởng kinh tế, các chính sách và chương trình giảm nghèo chỉ đóng vai trò thứ yếu; phải chăng là chính sách giảm nghèo và đầu tư cho giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số trong thời gian qua chưa đủ độ hay chưa tạo được động lực để khuyến khích giảm nghèo nhanh và bền vững ở các vùng này? Hay việc đầu tư cho vùng này có độ trễ quá lớn dẫn đến tốc độ giảm nghèo vẫn chậm hơn so với các vùng khác? Trả lời được những câu hỏi này là đã gợi mở chính sách giảm nghèo trong thời gian tới.
|
Hoàng Duy - Hồng Dung
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|