Chủ Nhật, 27/01/2013 18:49

Các chuyên gia lo lắng về thách thức kinh tế

Các nhà kinh tế hàng đầu của Việt Nam tỏ ra lo lắng về những thách thức mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt sau khi trải qua một năm rất khó khăn.

Đây là quan điểm chung của tất cả các nhà kinh tế có cơ hội được phát biểu tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012-2013 – Tái cơ cấu doanh nghiệp và và cân đối kinh tế vĩ mô”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng 27-1.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại nói, Chính phủ đang rất khó khăn khi cùng lúc phải giải quyết tình trạng doanh nghiệp đang kiệt quệ và lạm phát cao đang rình rập.

“Chính phủ phải tìm điểm nối giữa giải quyết vấn đề ngắn hạn và dài hạn. Không thể không giải quyết vấn đề ngắn hạn, mà cũng không thể vỡ mục tiêu dài hạn”, ông nói.

Trong ngắn hạn, mọi chuyện dường như tiếp tục ảm đạm khi tăng trưởng tín dụng âm mà giá cả vẫn tăng lên. Hơn nữa, tổng cầu của nền kinh tế đang rất thấp. “Nếu không giải quyết vấn đề này mà gắn với dài hạn thì cực kỳ nguy hiểm”, ông bình luận.

Nợ xấu đang làm toàn bộ nền kinh tế bế tắc, vì doanh nghiệp có dự án tốt không vay được, còn ngân hàng không giảm lãi suất để bù đắp. “Thống đốc cứ nói giảm lãi suất, nhưng làm sao mà giảm được”, ông nói.

Trong khi đó, về dài hạn, ông Tuyển nói, ông thấy việc giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng rất chậm, làm vốn không ra nền kinh tế được. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm tỷ lệ lớn tín dụng và đầu tư công không thấy có động thái cải cách.

Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành bổ sung: “Những cái gọi là thành tựu kinh tế đều dang dang dở. Ổn định kinh tế vĩ mô được một chút nhưng còn đầy rủi ro, lạm phát đang có nguy cơ quay lại”.

Theo ông Thành, tháng 1 này lần đầu tiên chứng kiến số doanh nghiệp giải thể nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập, hệ số tồn kho cao tới 21%.

Trong khi đó, ngân sách chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, làm Chính phủ cạn kiệt nguồn lực để “cứu” doanh nghiệp. Mà nếu “cứu” quá nhiều, thì vòng xoáy bất ổn vĩ mô quay lại ngay. “Chính phủ có lẽ muốn kích thích kinh tế nhanh hơn, nhưng thấy còn nhiều rủi ro và chưa biết phản ứng thị trường thế nào”, ông nói.

Phó giáo sư Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét, Chính phủ đã mang lại sự ổn định vĩ mô nhưng cũng mang lại sự đình trệ của nền kinh tế.

Ông nhận xét, các doanh nghiệp Việt Nam phải mất ít nhất 5 năm nữa mới cải thiện được năng lực cạnh tranh đã bị triệt tiêu trong thời gian vừa qua do chú trọng quá lớn vào đầu cơ bất động sản, hơn là lo sản xuất kinh doanh. “Các nước trong khu vực đang vượt lên chúng ta, kể cả những nước từng kém hơn. Khoảng cách tuyệt đối ngày càng dãn ra”, ông Chương nói.

Trong khi đó, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, dù tăng trưởng của Việt Nam năm 2012 cao hơn năm 1999, khi nền kinh tế bắt đầu thấm tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực, nhưng kinh tế thời điểm đó tốt hơn bây giờ rất nhiều.

Ông Lược dành nhiều thời gian để ca thán về khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ông nói: “Nếu để DNNN thuê đất như tư nhân; đầu tư như tư nhân thì chắc chắn 100% là lỗ. Khu vực gây tai họa cho nên kinh tế không ông nào chết, trong khi khu vực đóng góp cho nền kinh tế thì chết như ngả rạ”.

Ông nói, Việt Nam không thể tái cơ cấu kinh tế trên tư duy cũ, khi vẫn khăng khăng giữ DNNN làm chủ đạo của nền kinh tế. Ông nói, trên thế giới không có nền kinh tế thị trường nào mà lại có khu vực DNNN khổng lồ, chiếm tới 34% GDP như Việt Nam. “Khi tiến hành tái cơ cấu kinh tế, không thể lấy yếu tố đặc thù của Việt Nam để loại bỏ những yếu tố tiên tiến, hiện đại của thế giới ra được”, ông nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận xét, chương trình tái cơ cấu kinh tế là rất mờ ảo, báo cáo Quốc hội xong rồi thôi, để đấy. “Kinh tế năm 2013 bàn nát ra rồi. Chính phủ có nghị quyết rồi, Quốc hội cũng thông qua kế hoạch rồi, thì bây giờ có bàn cũng là bàn chơi thế thôi”, ông Khoan nói.

Tư Hoàng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Không nên để nhà đầu tư phải đắn đo (26/01/2013)

>   Niềm tin người tiêu dùng tiếp tục giảm sút (26/01/2013)

>   “Luẩn quẩn” tăng trưởng và lạm phát (25/01/2013)

>   Chuyên tâm vào giải pháp mang tính cơ cấu (25/01/2013)

>   Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô (25/01/2013)

>   Nhật Bản dẫn đầu vốn FDI tháng đầu năm (24/01/2013)

>   Nợ công Việt Nam tiệm cận ngưỡng 1,4 triệu tỷ đồng (24/01/2013)

>   TPHCM: Thu hút vốn FDI khả quan ngay đầu năm (24/01/2013)

>   Thấy gì từ CPI tháng 1/2013? (24/01/2013)

>   CPI cả nước tháng 1 tăng 1.25% (24/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật