Thứ Năm, 24/01/2013 16:08

Thấy gì từ CPI tháng 1/2013?

Tốc độ CPI trong tháng 1 năm nay tuy chưa đáng lo, nhưng không thể chủ quan, lơ là với lạm phát sau khi xét trên các mặt.

* CPI cả nước tháng 1 tăng 1.25%

Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu có tầm quan trọng hàng đầu của tứ giác kinh tế (lạm phát, cán cân thanh toán, tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp) và được người dân quan tâm nhiều.

Theo công bố và dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng CPI của tháng 1 từ năm 2004 đến nay như sau:

Như vậy, CPI của tháng 1 năm nay (tính theo tháng sau so với tháng trước) cao hơn của tháng 1 năm trước, cao thứ 4 so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong 9 năm trước đó và ngang bằng với mức bình quân 1,25% của CPI tháng 1 của 9 năm.

Trong 13 nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, có 3 nhóm giá tăng cao hơn tốc độ tăng chung (thực phẩm tăng 1,96%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,30%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,4%); có 9 nhóm có giá tăng thấp hơn tốc độ tăng chung (lương thực tăng 0,15%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,6%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,42%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,36%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,54%, giáo dục tăng 0,3%, văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,33%, giao thông tăng 0,03%, hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,74%); có 1 nhóm giá giảm (bưu chính viễn thông giảm 0,05%).

Tốc độ CPI trong tháng 1 năm nay tuy chưa đáng lo, nhưng chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát sau khi xét trên các mặt.

Một, CPI tháng 1 năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong khi người tiêu dùng tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, một bộ phận còn chờ lương thưởng cuối năm… đã là một cảnh báo cần thiết.

Hai, Tết Nguyên đán Quý Tỵ nằm gọn trong CPI tháng 2 (Tết Quý Tỵ vào ngày 10/2, trong khi chu kỳ tính toán CPI tháng 2 tính từ 16/1 đến 15/2). Theo thông lệ, trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhu cầu tiêu dùng cao hơn nhiều các thời gian khác trong năm, khá đa dạng, nhưng tập trung vào các loại lương thực, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, quần áo, đi lại, hoa quả cây cảnh...

Ba, số liệu thống kê lịch sử cho thấy, CPI của tháng 2 trong nhiều năm qua gần như đều cao hơn của tháng 1. Hệ số giữa CPI tháng 2 so với CPI tháng 1 bình quân từ năm 1990 đến nay là 1,32 lần (2,68% so với 2,03%); nếu tính từ năm 2002 đến nay, thì hệ số đó là 1,84 lần (2,21% so với 1,20%). Điều đó có nghĩa là, theo thống kê kinh nghiệm, CPI tháng 2 sẽ tăng cao hơn so với CPI tháng 1 và có thể cao hơn so với tháng 2 năm trước (1,37%).

Bốn, một số yếu tố về tài chính, tiền tệ sẽ tác động đến CPI trong thời gian tới.

Cụ thể, về tài chính, là việc cắt giảm, giãn một số khoản thu ngân sách từ năm trước và được tiếp tục trong năm nay với liều lượng cao hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Về tiền tệ, tín dụng, việc tăng với mức 2 chữ số của tổng phương tiện thanh toán trong năm 2012, việc tăng cao của dư nợ tín dụng vào cuối năm, việc giảm lãi suất huy động và cho vay trong thời gian qua, việc thực hiện quyết liệt hơn để xử lý nợ xấu, tồn kho, bất động sản... sẽ có hiệu ứng làm tăng sức ép đối với CPI.

Năm, chăn nuôi gặp một số khó khăn, yếu tố thời tiết làm cho việc sản xuất các loại rau qua quả gặp khó khăn có thể ảnh hưởng tới giá các mặt hàng thực phẩm.

Sáu, số liệu thống kê lịch sử của 9 năm qua cho thấy, giá tiêu dùng nói chung và giá thực phẩm giảm nói riêng biến động lặp đi lặp lại gần như có tính chu kỳ là cứ 1 năm tăng thấp, thì có 2 năm tăng rất cao. Nếu chu kỳ đó lặp lại, sau tốc độ tăng thấp của năm 2012, thì năm 2013 sẽ tăng cao.

Bảy, giá xuất khẩu và giá nhập khẩu năm 2012 đều giảm (giá xuất khẩu giảm 0,54%, giá nhập khẩu giảm 0,33%), trong khi tỷ giá VND/USD giảm 0,96%, nên Việt Nam không bị “nhập khẩu lạm phát” và “khuếch đại lạm phát” ở trong nước như một số năm trước đó. Năm 2013, nếu kinh tế thế giới được các gói kích thích trong mấy năm trước mà phục hồi khá hơn, thì mặt bằng giá thế giới sẽ tăng lên. Năm 2013 theo kế hoạch, nhập siêu sẽ trở lại, khả năng tỷ giá VND/USD có thể sẽ không còn giảm như năm trước, thì hai hiện tượng trên (“nhập khẩu lạm phát” và “khuếch đại lạm phát” ở trong nước) có thể lại tái hiện, làm cho mặt bằng giá ở trong nước sẽ tăng lên.

Tám, mục tiêu năm 2013 do Quốc hội đã duyệt là lạm phát thấp hơn năm 2012, với CPI tăng 6- 6,5%. Để thực hiện mục tiêu này, CPI từ tháng 3 trở đi của năm nay phải tăng thấp hơn, trong khi CPI từ tháng 3 đến cuối năm 2012 tăng thấp, thậm chí có 2 tháng giảm (chỉ có 3 tháng 8, 9, 10 là tăng cao hơn bình thường), nên việc tăng thấp hơn cùng kỳ không dễ dàng.

Do vậy, vẫn phải kiên định và nhất quán với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn năm 2012; thận trọng với việc điều hành tỷ giá; việc thực hiện lộ trình giá thị trường cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, tránh tháng trước và sau Tết, tránh dồn vào thời điểm như đã từng xảy ra để tránh cộng hưởng và tác động không tốt đến tâm lý kỳ vọng lạm phát...

Minh Ngọc

chính phủ

Các tin tức khác

>   CPI cả nước tháng 1 tăng 1.25% (24/01/2013)

>   Lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi (24/01/2013)

>   Nợ công Việt Nam bằng gần 55% GDP (24/01/2013)

>   Việt Nam rời Top 50 môi trường kinh doanh của Bloomberg (23/01/2013)

>   PGS TS Trần Hoàng Ngân: “Tiềm năng tăng trưởng kinh tế còn rất lớn” (22/01/2013)

>   Sản xuất công nghiệp Hà Nội tháng 1 giảm mạnh (22/01/2013)

>   Việt Nam có thể trở thành công xưởng thế giới? (22/01/2013)

>   World Bank dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,5% (21/01/2013)

>   Việt Nam cần chuẩn bị đối phó “cú sốc” từ thế giới (21/01/2013)

>   CPI tháng 1 tại Hà Nội tăng 0,95% (21/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật