“Luẩn quẩn” tăng trưởng và lạm phát
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, sai lầm của lần nới lỏng năm 2009 là đã kéo dài thêm so với tính toán ban đầu, khiến cho tình hình sau đó càng thêm trầm trọng với lạm phát tăng cao trong các năm 2010 và 2011. Để rồi từ 2011, chính sách thắt chặt lại được áp dụng và lần này thì cuộc chiến chống lạm phát ngày càng tỏ ra khó khăn hơn...
Gia tăng bất bình đẳng
Phạm Thúy Mùi, sinh viên năm cuối Đại học Điện lực, có thói quen nhịn ăn sáng từ khi lên Hà Nội trọ học. Gia đình ở quê sinh kế bằng nghề làm ruộng và trồng rau, nuôi lợn. Mỗi tháng, bố mẹ tằn tiện gửi cho cô 2 triệu đồng, chiếm già nửa thu nhập của cả nhà. Tuy thế, Mùi cho biết cô chi tiêu khá khó khăn. “Một bữa cơm ngày trước khoảng 10 nghìn đồng, nhưng giờ là 15 nghìn đồng”, cô nói vậy về khoản tiền mỗi tháng còn lại sau khi trang trải tiền nhà, điện, nước... rất khó để xoay sở.
Chỉ nhận được 1,5 triệu đồng mỗi tháng từ gia đình ở Nghệ An, cô sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Thị Thúy càng phải dè dặt mới có thể chi đủ. “Em phải hạn chế các buổi đi chơi, thực phẩm thì ra những chợ đầu mối để có thể mua rẻ hơn và sử dụng vé tháng xe bus để giảm tối đa chi phí đi lại”, cô nhà báo tương lai cười ngượng nghịu.
Trong giới công nhân, người làm thuê, sinh viên… không khó kiếm những trường hợp chật vật mưu sinh như Mùi và Thúy. Trớ trêu thay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng lên rất nhanh trong những năm gần đây. Nếu như vào năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 835 USD; thì đến nay đã vượt lên 1.590 USD, tương đương với khoảng 33 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, khoảng cách giàu - nghèo cũng ngày càng nới rộng. Trong khi xuất hiện ngày càng nhiều những “ông chủ mới” vác điếu cày lên xe Rolls Royce, thì những hộ có thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng không phải là hiếm. Báo cáo “Theo dõi nghèo theo phương pháp cùng tham gia”, được thực hiện trong 5 năm từ 2008 - 2012 bởi Oxfam cho biết, giảm nghèo đô thị tại Việt Nam đang gặp những thách thức mới và nếu không được giải quyết đúng đắn, chất lượng cuộc sống của người nghèo bản xứ và nhập cư sẽ khó cải thiện, tính dễ bị tổn thương cao, bất bình đẳng sẽ tiếp tục tăng lên.
Bởi thế, những lập luận rằng phải có tăng trưởng GDP ở mức tối thiểu 5,5% mới giải quyết được 1,5-1,6 triệu lao động mỗi năm, xem ra không mang lại lợi ích cho số đông trên thực tế.
Nhìn lại giai đoạn từ 2006 đến nay, quan điểm theo đuổi tăng trưởng cao luôn “ngự trị” trong giới điều hành, đặc biệt là tại các địa phương. Câu cửa miệng của lãnh đạo các tỉnh, huyện, nơi ngày càng tham gia sâu hơn vào các hoạt động kinh tế, là: tỉnh ta đi sau, còn kém phát triển, cần phải tăng trưởng cao hơn, thậm chí gấp đôi các địa phương phát triển khác. Báo cáo lên trên, nhiều tỉnh đều cho rằng mức tăng trưởng phấn đấu đạt hai con số mỗi năm để “miền núi theo kịp miền xuôi”. Còn trong các lần về chỉ đạo địa phương, nhiều cán bộ trung ương đều “chê” tỉnh, huyện còn tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả.
Với quan điểm như vậy, mọi nguồn lực quốc gia được huy động tối đa, nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, sự thúc ép phát triển hai chiều từ trung ương xuống địa phương và ngược lại đã khiến chính sách nới lỏng có được sự đồng thuận. Trong một thời gian dài, Chính phủ chủ trương mở rộng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Tổng phương tiện thanh toán M2 tăng liên tiếp trong giai đoạn trước 2007, đồng hành là tín dụng. Bình quân mức tăng trưởng của cả hai chỉ tiêu này trong giai đoạn 2003-2007 vào khoảng trên 30%.
Tăng trưởng không dành cho số đông
Nhưng, đã không ai tính được rằng sức hấp thụ của nền kinh tế có giới hạn thế nào. Ở giai đoạn chính sách nới lỏng, sản xuất và đầu tư tăng mạnh cũng không thể hấp thu nguồn tiền quá lớn. Kết quả là chứng khoán, bất động sản… liên tục được thổi giá. Tác động ngược lại đến sản xuất, nhiều DN quay lưng với chính ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh của mình để chạy theo các cơ hội đầu cơ tài chính mới.
Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng tiền càng dư thừa mạnh với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2007 theo giá thực tế ước tính đạt 461,9 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% GDP và tăng 15,8% so với năm 2006.
Hệ quả là bong bóng đã phình quá mức và rủi ro lại khiến nhà điều hành phải điều chỉnh chính sách. Năm 2008 là một lần chính sách phải thắt chặt lại sau khi lạm phát tăng cao kể từ quý IV/2007; lần thắt chặt tiếp theo là 2011-2012, sau khi nới lỏng vào năm 2009.
“Quy luật CPI có 2 năm cao một năm thấp, đã mấy năm rồi như vậy”, bà Ngô Thị Ánh Dương - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nói. Lý do là những năm chính sách thắt chặt được áp dụng, kinh tế khó khăn thì người dân tiết giảm chi tiêu khiến người bán hàng khó tăng giá, thậm chí chấp nhận bán bằng giá mua vào hoặc chịu lỗ. Kết quả là tình thế ấy tạo ra một độ trễ để giá cả bùng phát vào những năm nới lỏng chính sách sau đó. “Nguyên nhân dẫn tới quy luật là như thế”, bà Dương khẳng định.
Quan điểm trên cũng được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình. TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) từng cảnh báo, chính sách không nên đi từ thái cực này đến thái cực khác.
Còn ông Nguyễn Đức Kiên lưu ý rằng, sai lầm của lần nới lỏng năm 2009 là đã kéo dài thêm so với tính toán ban đầu, khiến cho tình hình sau đó càng thêm trầm trọng với lạm phát tăng cao trong các năm 2010 và 2011. Để rồi từ 2011, chính sách thắt chặt lại được áp dụng và lần này thì cuộc chiến chống lạm phát ngày càng tỏ ra khó khăn hơn bởi tính ổn định của chính sách vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Trước ảnh hưởng mặt trái của chính sách thắt chặt, đâu đó tiếng kêu từ DN lại hối thúc thay đổi chính sách.
Trong khi đó, giá cả “nhấp nhô” vẫn từng ngày thổi qua nền kinh tế, tách hai khối thu nhập với một bên không nhiều người ngày càng giàu có và bên số đông còn lại thì chật vật sinh tồn. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đề xuất, trong ngân sách của 3 năm 2013-2015 sẽ xây dựng kế hoạch trung hạn, tương tự như đã thực hiện với trái phiếu Chính phủ.
Một sự kiểm soát để tránh đầu tư dàn trải, được cho là cũng sẽ tác động ngược lại đến tiền tệ, khiến đồng tiền không còn “rẻ” như trước. Tăng trưởng tín dụng đang thấp dần trong vài năm gần đây, năm tới được tính toán chỉ tăng 12%. Điều này cũng hàm ý quan điểm chạy theo tăng trưởng bất chấp hệ lụy sẽ không còn cửa tồn tại. “Không thể sống sót và chèo lái nền kinh tế với tiền tệ và tài khóa ngắn hạn”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tỏ rõ sự đồng tình.
Còn ở ngoài xã hội, những sinh viên như Thúy, Mùi chưa có đủ kiến thức để hiểu về thay đổi của thời cuộc, vẫn hàng ngày đến trường với quyết tâm chi tiêu tằn tiện hơn nữa để không làm nặng gánh thêm cho gia đình. Thế hệ của cô cũng chưa hiểu về một quy luật kinh tế đang hình thành 5 năm nay, khi mà lạm phát đã ở mức thấp trong năm qua, có nguy cơ tăng trở lại từ nguyên nhân tích tụ “lỗ” của DN, người kinh doanh suốt năm 2012.
Vũ Anh
thời báo ngân hàng
|