Không nên để nhà đầu tư phải đắn đo
Trong bối cảnh ASEAN đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía Mỹ về đầu tư, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cải cách kinh tế nhằm tận dụng tối đa lợi thế này.
Bà Lorraine Hariton, Đặc sứ Vụ Kinh tế, Bộ Ngoại giao Mỹ
|
Trong vòng hai năm trở lại đây, việc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam có vẻ như đang chững lại. Đây sẽ là điều rất đáng tiếc khi mà nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty Mỹ, đang rất muốn đẩy mạnh làm ăn tại đây.
Bà Lorraine Hariton, Đặc sứ Vụ Kinh tế, Bộ Ngoại giao Mỹ, có nhận định trên trong cuộc trao đổi với Thanh Niên nhân chuyến làm việc mới đây tại Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Chuyến công du của bà cho thấy nỗ lực “tái cân bằng” của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương dường như không chỉ dừng lại ở lĩnh vực chính trị?
Chú trọng vào khai thác triển vọng kinh tế trong khu vực đối với Mỹ cũng quan trọng không kém. Tuần rồi, tại Hà Nội, chúng tôi đã thảo luận thẳng thắn xung quanh Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông (LMI) với đại diện của năm nước (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan) nhằm trao đổi về phát triển hạ tầng trong khu vực. Trong bối cảnh chính phủ Mỹ tuyên bố “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương, LMI đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nước trong khu vực và phát triển hạ tầng (đường sá, sân bay, cảng...) là một trong những nhiệm vụ trọng yếu. Ngoài ra, các lĩnh vực đầu tư khác cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty Mỹ là năng lượng và công nghệ thông tin.
Vậy Việt Nam đang ở đâu trong khu vực về mức độ hấp dẫn đầu tư nước ngoài? Và liệu Việt Nam đã tận dụng tối đa cơ hội của mình, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay hay chưa?
Theo tôi, Việt Nam vẫn đang đi đầu và là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó dĩ nhiên có các công ty Mỹ. Chúng tôi cũng đã có các cuộc đối thoại thẳng thắn với phía Việt Nam về cải thiện môi trường đầu tư và tín hiệu nhìn chung là tích cực. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các nhà đầu tư Mỹ đã bắt đầu có nhiều điều kiện để so sánh Việt Nam với các điểm đến khác trong khu vực, và có một số vấn đề buộc họ phải cân nhắc trước khi làm ăn tại đây. Tôi đã có các cuộc tiếp xúc với đại diện các công ty Mỹ tại Việt Nam và được biết rằng, trong một hai năm trở lại đây, tình hình có vẻ vẫn không được cải thiện nhiều, nếu không muốn nói là có bước lùi.
Điều quan trọng nhất các công ty Mỹ mong muốn khi làm ăn tại Việt Nam vẫn là tăng cường tính minh bạch, công bằng và bớt tham nhũng. Có những vấn đề và trở ngại cho các công ty nước ngoài đã ăn sâu, thậm chí trở thành đường lối trong văn hóa kinh doanh tại đây; và có thể, sẽ có ý kiến cho rằng nếu không cần thay đổi, mọi chuyện vẫn cứ vận hành theo quy luật của nó. Thế nhưng, tôi lại nghĩ nếu như tính minh bạch được cải thiện hơn nữa, Việt Nam thậm chí sẽ thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài hơn, xuất khẩu được nhiều hơn.
Có nghĩa là sự thiếu minh bạch đang khiến Việt Nam tự đánh mất lợi thế của mình?
Một khi luật pháp chưa rõ ràng hoặc không được thực thi triệt để ở cấp địa phương, các công ty Mỹ sẽ rất đắn đo trước khi đầu tư tại Việt Nam. Họ sẽ tự hỏi có đáng đổ tiền vào không một khi các công ty này còn hết sức mập mờ về luật lệ tại đây. Ngoài ra, các khoản chung chi “ngoài luồng” khác cũng sẽ rất dễ làm các công ty Mỹ thoái chí vì chính những quy luật bất thành văn này vô hình trung đặt họ đứng ngoài cuộc chơi, nhất là khi luật Chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ nghiêm cấm điều này.
Tóm lại, tôi vẫn cho rằng Việt Nam có đủ các điều kiện cần thiết để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư từ các công ty Mỹ. Thế nhưng, một khi các nhà đầu tư càng có thêm lựa chọn, càng có thêm đối trọng để so sánh, họ sẽ càng đắn đo trước khi ra quyết định đầu tư khi mà các điều kiện thuận lợi không hội đủ.
An Điền
thanh niên
|