Thứ Ba, 22/01/2013 13:42

Kiểm toán: Cẩn trọng với các “chiêu” báo cáo không trung thực

Cứ vào "mùa” kiểm toán báo cáo tài chính, giới chuyên gia lại e ngại sẽ có những chiêu "phù phép” để các doanh nghiệp làm đẹp báo cáo tài chính. Vì thế, để có những kết quả kiểm toán chính xác và phản ánh trung thực hoạt động kinh doanh của DN, cơ quan kiểm toán – nhà "cầm cân nảy mực” phải thực sự tỉnh táo và trung thực.

DN "phù phép” báo cáo tài chính

Để "che mắt thiên hạ”, các DN không ngần ngại tung ra nhiều chiêu bài để làm đẹp bản báo cáo tài chính. Năm 2012 là năm hoạt động khó khăn của hầu hết các DN. Thế nhưng, dư luận hoài nghi rằng, kết thúc mùa kiểm toán, sẽ lại có những bản báo cáo tài chính đẹp được công bố. Theo các chuyên gia kiểm toán, một trong những hình thức gian lận nhằm "phù phép” kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính phổ biến nhất trong 3 năm qua của nhiều DN là nâng doanh thu khống lên, giảm chi phí xuống nhằm tăng lợi nhuận.

Cụ thể, cách mà DN thường hay áp dụng là, doanh thu rơi vào tuần cuối tháng của năm trước, nhưng cố tình đưa vào năm sau (năm lập báo cáo tài chính) để tăng doanh thu, đồng thời bỏ bớt các hóa đơn chi phí ra, khiến năm báo cáo có lãi lớn (do phần lãi ảo đóng góp) hơn thực tế. Hoặc, nhằm tăng doanh thu, DN ký hợp đồng trong những tháng cuối năm 2012, không giao hàng nhưng vẫn ghi nhận các khoản phải thu vào năm 2012 làm doanh thu tăng cao, sau đó, lại hủy hợp đồng…

Hoặc nhiều trường hợp, DN chuyển vốn lòng vòng từ các công ty họ hàng, công ty mẹ, công ty con... không ngoài mục đích làm đẹp báo cáo tài chính cuối năm. Với những chiêu gian lận này, DN dễ dàng qua mắt được cơ quan kiểm toán nếu người làm công tác "cầm cân nảy mực” không thực sự tỉnh táo.

DN phải tự nhìn lại mình

Song, cũng không loại trừ khả năng kiểm toán và DN bắt tay nhau để cùng tạo nên một bản báo cáo tài chính đẹp. Chẳng hạn, DN lỗ nhưng yêu cầu kiểm toán khẳng định có lãi để đưa ra thông tin sai lệch cho các nhà đầu tư. Hay tình trạng các công ty kiểm toán cạnh tranh nhau bằng cách chiều khách hàng nhiều hơn, chứ không phải cạnh tranh bằng chất lượng kiểm toán tốt hơn. Do đó, nhất thiết người làm công tác kiểm toán phải là người trung thực, xác định rõ được trách nhiệm, vai trò của mình trong công tác này.

Vinashin từng "thoát hiểm” bằng những báo cáo sai sự thật

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng: Kiểm toán sẽ làm gia tăng giá trị cho các báo cáo tài chính giúp Nhà nước, nhà đầu tư, ngân hàng, khách hàng, người lao động… có thể đưa ra các quyết định kinh tế như: đầu tư, cho vay, cấp tín dụng thương mại, bán hàng, đưa ra các chính sách thuế phù hợp… Bởi vậy, những đánh giá, nhận xét của các công ty kiểm toán chính là căn cứ cho các nhà đầu tư khi họ cân nhắc có nên đầu tư hay không dựa vào các báo cáo kiểm toán về tính trung thực và hợp lý của các số liệu kế toán của một công ty.

Vì thế, không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty kiểm toán này đưa ra những nhận xét, đánh giá không xác đáng về báo cáo tài chính của công ty được kiểm toán.

Do đó, rất cần phải có thái độ kiên quyết đối với những trường hợp công ty kiểm toán và DN bắt tay nhau để cùng gian lận trong báo cáo tài chính. Hẳn dư luận vẫn chưa thể quên sự kiện tập đoàn năng lượng lớn nhất nước Mỹ - tập đoàn Enron - sụp đổ dẫn tới sự sụp đổ của công ty kiểm toán A&A vì đã đưa ra những báo cáo kiểm toán sai lệch về tình hình tài chính của Enron. Điều này đã làm cho đại gia kiểm toán đứng thứ 5 của Mỹ Arthur Andersen phải sụp đổ.

Vẫn theo ông Hải, ở Việt Nam cũng cần phải có những chế tài nghiêm để loại trừ những hành vi sai trái. Tuy Việt Nam chưa có quy định hay bất cứ một chế tài nào cho việc sẽ giải thế các công ty kiểm toán vi phạm, song ông Hải cho rằng, phía các nhà đầu tư có thể lên tiếng tẩy chay các công ty kiểm toán có dấu hiệu tiêu cực. Khi một công ty kiểm toán bị các nhà đầu tư quay lưng, chắc chắn các DN sẽ không dám thuê công ty đó kiểm toán nữa. Và như vậy, công ty kiểm toán đó không có thị trường để hoạt động, cũng đồng nghĩa với việc không thể tồn tại và tự khắc phải giải thể. "VAFI cũng đang lựa chọn những công ty kiểm toán có nhiều bê bối để đưa vào danh sách "tẩy chay” – ông Hải cho biết.

Ở một khía cạnh khác, ông Hải cho rằng, tốt hơn hết, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, bất ổn như hiện nay, việc cần làm của các DN không phải là làm đẹp bản báo cáo tài chính mà phải tự nhìn lại mình để chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro để tối ưu hóa hiệu quả từng đồng vốn của DN, kể cả vốn tự có lẫn vốn vay. "Quan trọng hơn, việc quản trị rủi ro, nâng cao minh bạch trong kinh doanh sẽ giúp DN giành được sự tin tưởng của các nhà đầu tư chiến lược như quỹ đầu tư. Điều này quan trọng hơn nhiều so với những bản báo cáo tài chính hình thức” – ông Hải nhận định.

Minh Phương

Đại Đoàn Kết

Các tin tức khác

>   Có vui nhưng đừng quá chén, nhé SCIC (22/01/2013)

>   Hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán (22/01/2013)

>   22/01: Bản tin 20 giờ qua (22/01/2013)

>   Tiếp tục thanh tra bán khống (21/01/2013)

>   Cho khách hàng bán khống, GBS bị "tuýt còi" (21/01/2013)

>   Hơn 18 triệu USD đổ vào TTCK Việt Nam tuần qua (21/01/2013)

>   TLH: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (22/01/2013)

>   NTB: Giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp (22/01/2013)

>   SBS: Giải trình tăng trần 10 phiên liên tiếp (21/01/2013)

>   BIC: Giải trình giảm lợi nhuận sau thuế Q4/2012 (21/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật