Hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2012 đạt 300 triệu USD, tăng 25% so với năm 2011 và đang tiếp tục tăng trong những tuần đầu năm 2013.
Nhiều tín hiệu tốt
Trong hai tuần đầu năm mới, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 12% so với cuối năm 2012. Đây là mức tăng khá mạnh bởi lẽ trong cả năm 2012, VN-Index chỉ tăng được hơn 17% so với năm 2011. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khi họ liên tục mua ròng hơn 1.300 tỉ đồng.
Các chuyên gia cho rằng nhiều NĐTNN đang quan tâm đến TTCK VN, nhưng để họ thực sự bước vào, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết nợ xấu, mở “room” cho NĐTNN… - Ảnh: Diệp Đức Minh
Các NĐTNN cũng đã đầu tư mạnh hơn vào các doanh nghiệp chưa lên sàn. Chẳng hạn Quỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) của Mỹ ngày 8.1 đã công bố đầu tư 200 triệu USD vào Công ty tiêu dùng Masan (Masan Consumer) thuộc Tập đoàn Masan (MSN), nâng tỷ lệ sở hữu của KKR tại Masan Consumer lên hơn 18%.
Đầu năm nay, Ủy ban CK Nhà nước đã đề xuất các nhóm giải pháp tái cơ cấu thị trường CK, tạo sức hấp dẫn với các NĐT. Trong đó, giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài bao gồm xem lại khái niệm NĐTNN; trước mắt kiến nghị cho phép thí điểm một số loại hình công ty niêm yết cho phép NĐT chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt tỷ lệ trên 49% (ngoại trừ đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Thí điểm thực hiện phân loại danh mục ngành nghề, trên cơ sở đó xem xét cho phép NĐT tổ chức nước ngoài sở hữu trên 49%... |
Quỹ này đã tham gia đầu tư 159 triệu USD vào Masan Consumer từ tháng 4.2011. Hay trong ngày cuối cùng của năm 2012, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã hoàn tất việc bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ của Nhật, thu về 743 triệu USD. Đây là thương vụ giao dịch lớn nhất từ trước đến nay trong ngành ngân hàng. Dù chưa công bố chính thức nhưng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín cũng đang đàm phán với các đối tác nước ngoài để bán 15% cổ phần...
Hầu hết các chuyên gia tài chính đều nhận định những thông tin trên là dấu hiệu tích cực trong việc thu hút thêm vốn FII vào Việt Nam dù kinh tế trong và ngoài nước vẫn khó khăn. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán (CK) SJC, những thương vụ đầu tư mới nói trên là thông tin tốt cho những NĐTNN đang quan tâm đến thị trường VN. Hơn nữa, Chính phủ đang thể hiện nhiều chính sách cởi mở hơn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nên khả năng dòng vốn FII vào VN trong năm nay có thể sẽ mạnh hơn năm 2012.
Còn nhiều khó khăn
Dù đã có những dấu hiệu tích cực về vốn đầu tư FII nhưng VN vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn trong việc thu hút nhiều hơn dòng vốn này. Một trong những khó khăn đó là VN không còn là thị trường mới nổi của thập niên 1990 với sức hấp dẫn khá lớn trong mắt các NĐTNN. Bên cạnh đó, VN đang phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Myanmar đang nổi lên trong việc thu hút NĐTNN khắp năm châu.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, dòng vốn ngoại tham gia vào thị trường CK thời gian qua là của những nhà đầu tư đã hiểu rõ về VN, sẵn sàng nhảy vào thị trường để tìm kiếm cơ hội sinh lời nhanh nhất. Nhưng dòng vốn đó không nhiều và phần lớn các NĐTNN vẫn đứng ngoài và tiếp tục tìm hiểu những động thái sắp tới của Chính phủ VN. “Bản thân tôi qua tiếp xúc với một số tổ chức nước ngoài thì họ đều cho rằng vẫn còn e ngại khi hệ thống ngân hàng VN còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Đó là chuyện nợ xấu lớn và những sai phạm có liên quan đến nhiều thành viên quản lý cấp cao; thị trường bất động sản còn đóng băng, thị trường vàng biến động khó lường…”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Vì vậy theo ông, rất khó để dự báo được dòng vốn FII vào VN trong năm 2013 vì còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách của Chính phủ để giải quyết những vấn đề trên. Theo ông Louis Nguyễn Thế Lữ - Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Saigon Asset Management, hiện thị trường CK chỉ mới hồi phục một phần từ đáy nên chưa thể gọi là tăng mạnh để đủ sức hấp dẫn và thu hút thêm nhiều NĐTNN mới tham gia. VN cần có nhiều nỗ lực hơn trong việc giải quyết nợ xấu, minh bạch hóa hệ thống ngân hàng; tăng tỷ lệ sở hữu cho các NĐTNN.
“Điều quan trọng chúng ta đã nói đến nhiều lần là phải đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn và hoạt động tốt. Có thêm hàng hóa chất lượng thì thị trường CK mới thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại. Nhất là khi những công ty đang niêm yết trên sàn phù hợp yêu cầu cho NĐTNN thì hiện đã hết room”, ông Nguyễn Thế Lữ nói.
Mai Phương
Thanh niên
|