Có vui nhưng đừng quá chén, nhé SCIC
SCIC đã có một năm làm ăn khá thành công, nhưng đằng sau đó là những vướng mắc.
Lợi nhuận trước thuế
|
4500 tỉ đồng là lợi nhuận trước thuế của tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong năm gian khó 2012, tăng 34% so với năm 2011. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn đạt 22%, một mức khá cao so với hầu hết các doanh nghiệp trong nước.
Tổng vốn đầu tư của SCIC đến nay đạt gần 9.300 tỉ đồng, chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn thành lập doanh nghiệp mới, đầu tư vào các dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao...Danh mục đầu tư của SCIC đến cuối năm 2012 là khoảng 14.000 tỉ đồng trên sổ sách kế toán, còn giá thị trường ước đạt 50.000 tỉ đồng.
Cách Việt Nam không xa, một SWF nổi tiếng khác là tập đoàn Temasek của Singapore cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan. Giá trị danh mục ròng tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính năm 2012 đạt 158 tỉ USD - một kỷ lục.
Hiện nay, có khoảng 42% giá trị trong doanh mục đầu tư của Temasek hướng ra ngoài biên giới nước này. “Quá trình đô thị hóa và sự phát triển của tầng lớp có thu nhập trung bình tiếp tục là cơ sở cho những chuyển đổi lâu dài của châu Á. Các ngành như năng lượng, tài nguyên, dịch vụ tiêu dùng được thúc đẩy phát triển dựa trên các yếu tố tăng trưởng dân số, trong khi đó, công nghệ truyền thông, điện toán và công nghệ sinh học có thể mang lại nhiều cơ hội”, bà Ho Ching, Tổng Giám đốc Temasek, nhận định.
Có hại về lâu dài?
Tuy mô hình của các SWF được nhiều nước áp dụng, tuy vậy nó vẫn còn gây khá nhiều tranh cãi về mối quan hệ giữa chính phủ, khu vực tư và tổng thể nền kinh tế.
Giáo sư kinh tế thuộc đại học MIT Huang Yasheng nhận định rằng các mô hình doanh nghiệp có liên kết với nhà nước chắn chắc sẽ gây hại cho nền kinh tế trong dài hạn. “Singapore nên suy nghĩ lại về mô hình Temasek”, ông nói.
“Khu vực tư nhân là con đường tốt nhất để tăng trưởng kinh tế. Nó có năng suất cao nhất, sáng tạo nhất và văn hóa doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước sẽ không cho bạn điều đó”, ông nói.
Có quan điểm cho rằng các công ty địa phương quá nhỏ để có thể cạnh tranh với thế giới bên ngoài nếu không nhận được sự giúp sức của chính phủ hoặc các công ty nhà nước. Tuy nhiên, Huang cho rằng điều này là không hợp lý: “Liệu Microsoft đã là công ty lớn vào 1975? Hoặc Google vào 1998?”
Đối với SCIC, nguồn lợi nhuận chủ yếu đến từ việc bán vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp. Từ 1.000 doanh nghiệp được tiếp nhận đến nay SCIC đã bán vốn tại gần 600 doanh nghiệp, thu về hơn 3.300 tỉ đồng. Còn các lĩnh vực khác vẫn chưa có gì đặc sắc.
Tính minh bạch cũng được xem là hạn chế lớn nhất của SCIC. Danh mục đầu tư vẫn chưa được công bố chi tiết và thật sự người dân, những người đóng thuế để lập ra SCIC, có quyền được biết rõ nét hơn về hình hoạt động của tổng công ty này.
Năm 2012, SCIC tiếp tục đầu tư thêm 1.100 tỉ đồng vào Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), một công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Việc đầu tư này giống như tiếp máu cho VCG trong khi rất nhiều các doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân rơi vào tinh cảnh khốn cùng.
“Có lẽ cách tốt hơn là chính phủ nên tài trợ tài chính cho các nghiên cứu cơ bản, để cho các trường đại học, các quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các cá nhân giàu có thực hiện nhiệm vụ còn lại”, Huang Yasheng khuyến nghị.
Sơn Thanh
Nhịp cầu đầu tư
|