Giải cứu doanh nghiệp:
Khơi vốn hơn giảm thuế
Nghị quyết 02 thể hiện rõ nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Nhưng các biện pháp hỗ trợ về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT mới chỉ là giải pháp ngắn. Căn cơ, cần khơi thông dòng vốn trước khi doanh nghiệp đuối sức thật sự.
Doanh nghiệp cần những công cụ mạnh mẽ để khơi thông nguồn vốn hơn là giảm thuế.
|
Giảm thuế: không ăn thua!
Ông Trương Trí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Him Lam Thủ đô phân tích, giải pháp cho thị trường bất động sản (BĐS) trong Nghị quyết 02 nêu ra chưa tác động gì đến thị trường BĐS. Muốn tác động được phải có hai yếu tố. Trước hết là giải quyết vấn đề tồn kho.
“Hiện chúng ta đang dư cung, cầu đang giảm sút và ngừng nhu cầu. Nhưng vấn đề đưa ra để giải quyết lại không giải quyết được vấn đề cầu. Dù Nghị quyết chuyển hướng tập trung vào nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nhưng giá cả vẫn đắt. Việc giảm VAT với căn hộ có giá 15 triệu đồng nhưng thử hỏi trên thị trường có mấy căn hộ dưới 15 triệu đồng/m2. Còn với nhà xã hội bị ràng buộc bởi nhiều tiêu chí” - ông Kiên phân tích.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc Cty CP Công nghệ Nhơn Hữu, TPHCM chuyên nhập khẩu máy móc thiết bị để lắp ráp, phân phối, cho biết, tình hình kinh doanh của công ty năm rồi kém, các dự án trong nước đình trệ, phải cắt giảm hơn 50% nhân sự trong năm 2012.
Hiện công ty chỉ còn 65 người. Việc giảm thuế suất không có tác dụng trong thời điểm này, vì hiện tại DN rất khó khăn, chỉ hoạt động cầm chừng với mức thu nhập thấp.
Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh nhà giá rẻ cho rằng: “BĐS phụ thuộc vào thanh khoản của thị trường hơn là hỗ trợ kích thích. Khi có tính thanh khoản thì cơ chế áp dụng sẽ nhanh hơn".
Khơi thông dòng vốn
Theo các DN, các chính sách liên quan đến thuế không phải biện pháp tốt nhất tháo gỡ khó khăn vì thực tế nhiều đơn vị thường kê khai thuế hơn mức phải nộp để có lợi nhất.
Bản thân họ phải tự tìm lối thoát cho mình như chuyển hướng kinh doanh, cắt giảm nhân sự, các chính sách kinh tế vĩ mô không thể thay đổi được tình trạng khó khăn. Việc giảm các thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT sẽ có lợi về lâu dài nhưng hiện tại DN “khát” hơn cả vẫn là vốn.
“DN kỳ vọng nhất lãi suất giảm, lãi vay mua nhà ở thấp thì lúc đó mới làm thị trường khởi sắc. Mấy khẩu hiệu chỉ thị không nói lên điều gì” - ông Kiên nhận xét.
Theo giám đốc một DN đang làm nhà thu nhập thấp tại Hà Nội, việc giảm thuế thu nhập DN và 50% thuế VAT với nhà ở xã hội nhưng lại áp dụng từ tháng 7-2013 trong khi dự án của đơn vị chuẩn bị bàn giao vào tháng 3-2013.
“Nhiều khách hàng mua dự án nhà thu nhập thấp đang gặp khó khăn về tài chính. Nếu như được giảm thuế VAT sẽ bớt phần nào vào giá thành. Chúng tôi mong chính sách áp dụng một cách linh hoạt với cả dự án hoàn thành trước đó”.
Ông Lê Văn Hiểu, Giám đốc Cty CP Máy và Thiết bị phụ tùng (Seatech), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng cho rằng, cần có chính sách tín dụng ưu đãi hơn cho người mua nhà. “Cần “làm sạch” các ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn”- ông Hiểu nói.
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hải Phát, ông Nguyễn Hồng Thái, cho rằng, dù có giảm 50% thuế VAT đầu ra cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội cũng không thể kéo đến việc ồ ạt chuyển sang kinh doanh nhà ở xã hội. Sức mua thị trường là yếu tố then chốt để quyết định thị trường có phát triển hay không.
N.Mai - Ng.Thảo - P.Tuyên
tiền phong
|