Khi ngân hàng không dám cho vay
Nhiều ngân hàng thương mại đã xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay. Điểm khởi đầu vẫn là thực tế thừa vốn mà khó cho vay ra. Thế nên có ý kiến tính đến một giải pháp hỗ trợ đặc biệt…
Nhiều năm rồi thị trường liên ngân hàng mới có thời gian dài lãi suất “bèo bọt” như vậy.
|
Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ ở khoảng 12%. Mức này sẽ linh hoạt, căn theo tình hình thực tế trong năm. Nếu quanh mức đó, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng tín dụng tạo một vùng thấp hơn hẳn nhiều năm trước.
“Đắp đổi qua ngày”
Không còn cơ chế phân nhóm giao chỉ tiêu như năm trước, hiện các ngân hàng thương mại cũng đã xác định kế hoạch cho mình.
Ngân hàng Quân đội (MB), thành viên có tốc độ cao nhất năm 2012, khá thận trọng khi dự kiến sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 17%. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dự tính có thể đạt 20%. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) từ 9 - 11%. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) dự kiến trước mắt sẽ điều hành hệ thống ở mức tăng 12%. Ngân hàng Công thương (VietinBank) dự tính dư nợ tín dụng và đầu tư tăng 15 - 20%...
Còn thực tế, ngay tháng đầu năm, tín dụng ước giảm 1,06% so với tháng 12/2012. Lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ở đây có yếu tố mùa vụ; quý đầu tiên những năm gần đây tín dụng thường tăng thấp hoặc giảm, do yếu tố dòng tiền và hoạt động trả nợ của các doanh nghiệp…
Một số người trong cuộc thì nhìn nhận, hoạt động cho vay vẫn rất khó khăn, ngân hàng vẫn khó đẩy mạnh. Giám đốc một chi nhánh ngân hàng từ Tp.HCM ra Hà Nội họp hệ thống và nhận chỉ tiêu năm cho biết, năm ngoái nhiệm vụ chính là tập trung thu hồi nợ, năm nay cũng vậy, thu được nợ đã là tốt, chứ chưa nghĩ tới cho vay sẽ mạnh hơn. Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cũng nhìn nhận, khi mà nợ xấu chưa xử lý căn cơ, hàng tồn kho của doanh nghiệp còn cao thì ngay nhu cầu vay cũng đã hạn chế…
Năm 2012, tháng đầu tiên tín dụng cũng giảm khá mạnh, mà một trở ngại là vấn đề thanh khoản. Nhưng năm nay, đó là sự khởi đầu trái ngược khi vốn của hệ thống khá thuận lợi. Cán bộ nguồn vốn một ngân hàng quốc doanh cho biết, lúc này vốn dồi dào nhưng họ chỉ tập trung tìm các kênh giải ngân, “đắp đổi qua ngày” chứ không mong sinh lời được như trước.
Khó cho vay ra, vốn tìm đến trái phiếu, vớt vát trên liên ngân hàng. Nhiều năm rồi thị trường liên ngân hàng mới có thời gian dài lãi suất “bèo bọt” như vậy. Cả năm trời các ngân hàng cho vay ở đây chỉ được lãi suất cỡ vài phần trăm kỳ hạn qua đêm và theo tuần; khá hơn thì được 6 - 7%/năm các kỳ hạn 1, 3, 6 tháng. Có còn hơn không, còn hơn đọng vốn, vì đây là kênh được xem là an toàn hơn tín dụng - vốn đang trong môi trường nhiều rủi ro.
Nỗi sợ trách nhiệm
Ngân hàng Nhà nước không công bố, song một số người trong cuộc cho hay, chưa bao giờ hệ thống ngân hàng có quy mô thanh tra, số vụ việc bị xử lý nhiều như như năm rồi. Trong đó, một phần lớn liên quan đến tín dụng.
Trao đổi với báo chí tại cuộc gặp mới đây, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), nhìn nhận: các ngân hàng nói chung hiện đang có tình trạng vừa thừa vừa thiếu vốn. Có những ngân hàng vẫn huy động lãi suất cao, nhưng lại ưu tiên cho vay lãi suất thấp. Đa số bị tâm lý, không dám cho vay.
Tâm lý đó được giải thích ở hai lý do: thời gian qua có nhiều khoản vay “động đến đâu sai đến đấy”, ngân hàng càng cẩn trọng và hạn chế cho vay ra; hai là nút thắt nợ xấu chưa được giải tỏa. Tựu trung, các ngân hàng muốn bảo toàn đồng vốn, dù đáng lẽ yêu cầu và trách nhiệm của mỗi đồng là phải tạo ra sự sinh sôi. Theo đó, vốn phải bảo toàn cũng là một cái mất.
“Theo tôi thấy là đa số là ngại cho vay vì môi trường dễ phát sinh nhiều rủi ro. Vì người ta nghĩ đến cái an toàn cá nhân của họ, của tập thể ngân hàng khi rất dễ gặp sai sót và trách nhiệm pháp lý”, ông Hưởng nhìn nhận.
Vị lãnh đạo ngân hàng này dẫn thực tế, thời gian qua, có nhiều dự án, doanh nghiệp tốt, cho vay xong thì lại dễ rủi ro, bởi có những tác động khó lường. Họ hoạt động và trả nợ tốt trong điều kiện bình thường, nhưng khi có sự chệch hướng hoặc môi trường vĩ mô thay đổi thì không phản ứng kịp. Các ngân hàng vì thế càng kiểm soát các điều kiện cho vay, thẩm định chặt chẽ hơn, và khi sức khỏe nhiều doanh nghiệp xấu đi thời gian qua thì lại càng khó đến với nhau.
Để giúp tháo gỡ trở ngại trên, ông Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, lãi suất cho vay ngắn hạn phần lớn cũng đã giảm “hết cỡ”, vốn hệ thống tương đối thuận lợi, cú hích cần cho lúc này là tạo một chỗ dựa về trách nhiệm, sự hỗ trợ đặc biệt.
“Chúng ta đang đặt ra yêu cầu xử lý nợ xấu. Công ty quản lý tài sản, hay vẫn gọi là mua bán nợ quốc gia, đang chuẩn bị hình thành. Vậy thì nên chăng thêm cho nó một chức năng là “hứa” mua lại tài sản nợ xấu nếu có phát sinh trong tương lai, giống như một sự bảo lãnh? Nếu có cơ chế đó thì doanh nghiệp với ngân hàng mới dễ gặp nhau, chứ không phải cứ hô hào mãi. Vì ngân hàng có thêm một chỗ dựa khi cho vay, mà không đơn độc trước rủi ro để rồi co cụm vốn lại”, ông Hưởng nêu ý tưởng.
“Hứa” ở đây là một cơ chế phối hợp, bên thứ ba tham gia vào hoạt động tín dụng. Giả sử, công ty quản lý tài sản có chức năng đó, họ tham gia thì sẽ tăng thêm giám sát, chất lượng thẩm định và vốn sẽ đến nhiều hơn với doanh nghiệp. Nếu có phát sinh rủi ro, bên thứ ba này cam kết sẽ hỗ trợ xử lý. Theo đó, tín dụng sẽ có những chuyển động hợp lý hơn, bởi khoảng 80% vốn cho nền kinh tế vẫn là từ kênh ngân hàng.
“Tất nhiên, nếu có được sự hỗ trợ này, sẽ phải xác định các tiêu chí, phân vùng các lĩnh vực, các nhóm đối tượng ưu tiên để phối hợp chặt chẽ, chứ không phải để phóng tay cho vay như trước đây”, Phó chủ tịch LienVietPostBank nói thêm.
Minh Đức
TBKTVN
|