“Dính” lừa đảo, bao nhiêu tiền của ngân hàng đã ra đi?
Không chỉ gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh trong năm 2012, các ngân hàng cũng dính phải hàng loạt vụ lừa đảo từ khách hàng, chính nhân viên hay lãnh đạo ngân hàng, gây thất thoát một lượng lớn tài sản. Theo thống kê từ những vụ việc công bố công khai thì con số này ít nhất cũng đã hơn 12,000 tỷ đồng.
Năm 2012, ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn chung của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí là âm, nợ xấu tăng cao, nội bộ thay đổi bởi tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh nhiều mảng thua lỗ trầm trọng. Bên cạnh đó, hàng loạt vụ việc lừa đảo tại ngân hàng xuất hiện trên khắp các mặt báo với nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi, tham ô, chiếm đoạt tài sản và sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức. Điều này đã khiến nhiều tài sản của ngân hàng phải “đội nón ra đi” với khả năng thu hồi chỉ còn bằng niềm tin, ảnh hưởng đến uy tín và hình tượng của chính ngân hàng trong mắt người dân.
Một số ngân hàng bị chiếm đoạt tiền
Đvt: tỷ đồng
(*) Đã thu hồi được
|
Gây chấn động mạnh nhất có lẽ là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như với thiệt hại trầm trọng nhất trong vụ án này thuộc về Ngân hàng Á Châu (HNX: ACB) với gần 719 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được một số lãnh đạo của ACB ủy thác cho 19 nhân viên ngân hàng gửi vào Vietinbank (HOSE: CTG) để hưởng chênh lệch lãi suất, vi phạm quy định của Nhà nước về trần lãi suất. Và số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như “ẵm” trọn, 17 bị can bị đề nghị truy tố cùng bà Như, nhiều thành viên “chóp bu” của ACB phải từ nhiệm và bị khởi tố.
Đây cũng là năm nhiều mất mát của ACB khi ngân hàng này còn phải gánh thêm khoản lỗ 1,700 tỷ từ việc tất toán vàng, kéo kết quả kinh doanh trong năm 2012 tụt dốc nghiêm trọng khi ước đạt 1,200 tỷ đồng, cách xa con số kế hoạch 5,500 tỷ đồng đã đặt ra.
Cũng dính vào vụ án này, hai ngân hàng TienPhongBank và Navibank (HNX: NVB) bị chiếm đoạt lần lượt 550 tỷ và 200 tỷ đồng.
Còn MaritimeBank (MSB) cũng đã ủy thác đầu tư cho ba công ty gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất từ 18-23%/năm, cao hơn trần lãi suất NHNN quy định. Lợi dụng những sơ hở trong quá trình giao dịch, Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt gần 1,600 tỉ đồng của MSB. Tuy nhiên, đến tháng 09/2011, trước khi khởi tố vụ án, ba công ty trên đã vay tiền của một đơn vị khác để trả lại cho MSB toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt.
Nằm trong top ngân hàng có nhiều vụ việc vi phạm nhất trong năm là Agribank. Thống kê sơ bộ những vụ lừa đảo chiếm đoạt tại Agribank được công bố rộng rãi trên báo chí, ít nhất gần 4,400 tỷ đồng của ngân hàng này cũng đã ra đi với hàng chục vụ việc. Điển hình, tại chi nhánh 3 – Agribank, các sếp của ngân hàng này đã nhận tiền của các doanh nghiệp để “giúp đỡ” ký duyệt các bộ hồ sơ khống xin vay vốn, tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo chiếm đoạt, lấy đi 112 tỷ đồng của ngân hàng. Bên cạnh đó, bằng chiêu thức khác, nhân viên Agribank – chi nhánh Bình Thạnh còn lợi dụng việc tiếp quỹ tại các máy ATM của ngân hàng âm thầm “rút ruột” 21 tỷ đồng và “nướng” sạch vào các trường đá gà, sòng bạc.
Đặc biệt, do hoạt động kinh doanh không có hiệu quả với rất nhiều sai phạm của Công ty cho thuê tài chính 2 – Công ty con của Agribank như huy động vốn sai nguyên tắc, vô trách nhiệm trong khâu thẩm định hồ sơ khách hàng, công ty này đã báo lỗ 3,000 tỷ đồng trong năm 2009. Theo kết quả kiểm toán Nhà nước năm 2011, toàn bộ số tiền khổng lồ trên đã bị thất thoát vì những sai phạm của Công ty cho thuê tài chính 2.
Chưa dừng lại ở đó, Agribank tiếp tục bảo lãnh cho công ty con này vay tiếp 400 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội để trả nợ cho Agribank nhưng Bảo hiểm xã hội cũng hào phóng giải ngân đến 1,010 tỷ đồng trong tổng số 1,300 tỷ đồng cam kết cho vay. Đến tháng 10/2009, khi có 1 hợp đồng 200 tỷ đồng đáo hạn của Công ty cho thuê tài chính 2 không trả được lãi và nợ gốc, Bảo hiểm xã hội mới dừng việc giải ngân lại. Với số tiền 3,000 tỷ đồng bị thất thoát ở trên không phải là nhỏ đã đặt nghi vấn về trình độ chuyên môn cũng như đạo đức kinh doanh của chính những cán bộ ngân hàng của Agribank.
Đặc biệt, gần đây đang nổi cộm vụ bắt giam nguyên Tổng giám đốc Agribank – ông Phạm Thanh Tân về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Được biết, từ tháng 07/2011, ông Phạm Thanh Tân đã thôi giữ chức Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Agribank và nhận công tác tại Văn phòng NHNN theo điều động của Thống đốc NHNN. Liên quan đến vụ án này, Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam (Lifepro Vietnam) đã được giải ngân hơn 3,000 tỷ đồng để thực hiện dự án Nhà máy Luxfashion. Tuy nhiên, đến tháng 08/2012, nhà máy này đã ngừng hoạt động và 3,000 tỷ đồng của Agribank cũng khó có đường quay về.
Nguồn: Internet
|
Cũng với nguyên nhân sai phạm của các cán bộ ngân hàng, 559 tỷ đồng của Techcombank đã bị chiếm đoạt bởi ba chị em thông qua các thủ đoạn lập khống báo cáo tài chính để vay vốn của ngân hàng này. Sau đó lợi dụng việc kiểm tra, kiểm định, quản lý, giám sát tài sản thế chấp của cán bộ Techcombank có nhiều sơ hở, các đối tượng lừa đảo đã xin ngân hàng giải ngân và chiếm đoạt số tiền 559 tỷ đồng. Không chỉ kém về nghiệp vụ, nhân viên của Techcombank Thanh Hóa còn lừa đảo giả vờ báo máy ATM trục trặc để mượn chìa khóa rút tiền đem đi đánh bạc. Trong vòng 1 năm, hơn 4 tỷ đồng của Techcombank đã bị biển thủ nướng vào các sòng bạc và không có thông tin về kết quả bồi thường cho Techcombank.
Tại Vietinbank – chi nhánh Đông Anh, số tiền 368 tỷ đồng bị chiếm đoạt không phải là nhỏ. Cán bộ tại chi nhánh ngân hàng này đã bị khởi tố về hành vi vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng khi ký duyệt hồ sơ khống xin vay vốn của ngân hàng.
Trong tháng cuối cùng của năm 2012 nổi cộm lên vụ lừa đảo tại SeABank khi nguyên Phó Tổng giám đốc ngân hàng – bà Nguyễn Thị Hương Giang đã bị khởi tố vì lạm quyền trong thi hành công vụ, tự ý ký và phát hành 12 chứng thư bảo lãnh vượt quá thẩm quyền quy định, để ngoài hệ thống sổ sách, không có hồ sơ lưu, không thu phí với tổng giá trị phát hành hơn 310 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Các chứng thư bảo lãnh trên đã quá hạn thanh toán nhưng các bên được bảo lãnh vẫn chưa thanh toán hoặc có biện pháp khắc phục.
Có thể thấy chưa có năm nào mà ngành tài chính lại “lao đao” và thiếu uy tín như năm 2012. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, tài sản của ngân hàng đã bị thất thoát nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh và danh tiếng của các ngân hàng. Đặc biệt, hầu hết các vụ lừa đảo trên đều có sự tiếp tay của chính cán bộ, nhân viên ngân hàng hay thậm chí là cấp lãnh đạo, điều này đánh dấu hỏi lớn về chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên ngân hàng.
Cuối cùng, ai sẽ là người gánh chịu các khoản tiền bị thất thoát trên khi khả năng thu hồi được gần như là con số không?
Đan Thanh (Vietstock)
ffn
|