Thứ Hai, 28/01/2013 10:12

Tuổi lên 5 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Ở tuổi lên 5, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cảm thấy cần những thay đổi mạnh mẽ hơn, để có thể thực sự là một cơ quan giám sát tài chính quốc gia.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ra đời và hoạt động trong bối cảnh Việt Nam chưa định dạng rõ mô hình hoạt động giám sát tài chính

Ngày 3/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia với chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính và giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính.

Một báo cáo tổng kết 5 năm hoạt động được Ủy ban công bố hôm 23/1 vừa qua tại Hà Nội nói rằng cơ quan này đã “ra đời vào đúng thời điểm khó khăn chung của kinh tế trong nước cũng như thế giới và 5 năm hoạt động của Ủy ban nằm trọn trong chuỗi thời gian suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng tài chính thế giới”.

Hoàn cảnh đó dường như đã một mặt, thử thách mô hình hoạt động của Ủy ban, mặt khác, đưa tới những đòi hỏi phải thay đổi. Thật khó để nói rằng, 5 năm qua là quãng thời gian các chính sách kinh tế nói chung, các chính sách tài chính nói riêng đã đi đúng nhịp thị trường.

Báo cáo cho rằng Ủy ban đã “hòa chung vào dòng chảy hoạt động của Chính phủ, đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô”.

Là cơ quan thực hiện vai trò “giám sát hợp nhất”, có điều kiện tiếp cận thông tin báo cáo của các định chế tài chính của cả 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, Ủy ban có điều kiện thuận lợi để theo dõi, giám sát toàn bộ dòng tiền trên thị trường tài chính, qua đó phân tích đánh giá, nhận dạng rủi ro, nhất là rủi ro chéo và nhận dạng bức tranh toàn cảnh về thị trường tài chính.

Thông qua các cuộc họp Thường trực Chính phủ, các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Ủy ban đã thực hiện vai trò tham mưu, tư vấn về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Trên cơ sở xây dựng báo cáo định kỳ hàng tháng, 6 tháng, hàng năm, Ủy ban phân tích, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và đưa ra các dự báo làm cơ sở để xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các phản ứng chính sách.

Ngoài báo cáo định kỳ, trên cơ sở phân tích, đánh giá và nhận định những yếu tố phát sinh bất thường trên thị trường, Ủy ban đã có báo cáo đột xuất để thông tin và tham mưu kịp thời về giải pháp xử lý những tình huống phát sinh như báo cáo về tình hình thanh khoản trên thị trường tiền tệ, tình hình tỷ giá và cung cầu ngoại tệ trên thị trường,..; xây dựng báo cáo chuyên đề và đề xuất khuyến nghị chính sách cho Chính phủ.

Các công việc này đều được Ủy ban đánh giá là “tích cực” và tuân thủ các ‘tiêu chuẩn kỹ thuật” quốc tế về tài chính và giám sát tài chính.

Báo cáo cũng cho biết trong quá trình hoạt động, Ủy ban nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, theo đó đã “tạo cho Ủy ban những điều kiện vật chất quan trọng và là nguồn động viên tinh thần to lớn”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Ủy ban cũng “đang gặp không ít khó khăn, thách thức gây không ít trở ngại cho Ủy ban trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ra đời và hoạt động trong bối cảnh Việt Nam chưa định dạng rõ mô hình hoạt động giám sát tài chính, và khuôn khổ thế chế về hoạt động giám sát tài chính chưa hoàn thiện.

Theo quy định hiện hành, các bộ chuyên ngành được phân giao chức năng giám sát chuyên ngành về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Tuy nhiên hiện chưa có khuôn khổ pháp lý về cơ chế phối hợp hoạt động giám sát nên không có một cơ quan giám sát tài chính chuyên ngành nào có đầy đủ thông tin báo cáo về bức tranh toàn cảnh thị trường tài chính.

Trong khi Ủy ban có điều kiện tiếp cận thông tin và theo dõi dòng tiền trên toàn thị trường tài chính bao gồm cả ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, cơ quan này lại "không có đủ điều kiện pháp lý để thực thi một cách đầy đủ chức năng của một cơ quan giám sát. Bởi vậy lợi thế của Ủy ban không những không được phát huy mà cũng không có đủ điều kiện vật chất để phát huy tối đa chức năng được giao là giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính".

Đó cũng chính là lý do khách quan Ủy ban chưa triển khai được một số nhiệm vụ được giao khi thành lập như giám sát điều kiện được cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; giám sát việc thực hiện các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động giám sát của các cơ quan thanh tra - giám sát chuyên ngành.

Việc thu thập thông tin từ các bộ, ngành, tổ chức tài chính phục vụ cho công tác giám sát thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn. Hệ thống dữ liệu thông tin Uỷ ban nhận từ các bộ, ngành, các định chế tài chính còn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và chậm về thời gian, gây khó khăn cho công tác phân tích, đánh giá.

Điều này dẫn đến hệ quả, mặc dù Ủy ban đã xây dựng các báo cáo giám sát với những nội dung có chất lượng tốt, song thời gian hoàn thành báo cáo còn kéo dài dẫn đến tình trạng một số kiến nghị được đề xuất chậm so với sự thay đổi của diễn biến kinh tế và sự biến động của thị trường tài chính.

Về công tác trong thời gian tới, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng biết trên cơ sở tổng kết 5 năm hoạt động, đánh giá kết quả đạt được và phân tích thuận lợi, khó khăn, Ủy ban sẽ báo cáo và kiến nghị sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế, tạo cơ sở pháp lý để có thể đảm nhiệm tốt vai trò của một cơ quan trong hệ thống các cơ quan thực hiện cơ chế phối hợp quản lý và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Về chức năng tham mưu điều phối hoạt động giám sát và giám sát chung thị trường tài chính, cơ quan này cho rằng cần nghiên cứu chỉnh sửa quy định theo hướng tập trung thực hiện nhiệm vụ phù hợp với nội dung và nguyên tắc hoạt động giám sát, đồng thời quy định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban trong việc thu thập thông tin, báo cáo từ các bộ, ngành, các định chế tài chính, các tổ chức khác có liên quan.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng nghị định về tổ chức bộ máy, quyền hạn, trách nhiệm theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, và đảm bảo nguyên tắc nội dung hoạt động của Ủy ban không trùng lắp với các cơ quan giám sát chuyên ngành theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Tuy nhiên, đổi mới và hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính là một quá trình liên tục, có trọng tâm, trọng điểm ở từng thời kỳ và phải được đặt trong khuôn khổ một kế hoạch dài hạn và một chiến lược tổng thể. Bởi vậy, Ủy ban cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn của Ủy ban trên cơ sở nghiên cứu và đề xuất mô hình giám sát tài chính quốc gia, đảm bảo hệ thống giám sát tài chính hiệu quả, từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Đây cần được coi là một nội dung trong chương trình cải cách hệ thống tài chính”, báo cáo viết.

Nghệ Nhân

tbktvn

Các tin tức khác

>   Ngoại tệ chảy mạnh từ dân cư (28/01/2013)

>   Thời gian là kẻ thù của xử lý nợ xấu (27/01/2013)

>   Giao dịch nhà, xe, chứng khoán: Có thể dùng tiền mặt nhưng phải qua ngân hàng (26/01/2013)

>   Có nên áp đặt giá vàng miếng? (26/01/2013)

>   Góp ý về dự thảo NHNN tham gia mua bán vàng miếng: Có cần bình ổn giá vàng? (26/01/2013)

>   2013, cần nhận diện rủi ro chéo (26/01/2013)

>   Khó bỏ được thói quen “tiền trao cháo múc” (26/01/2013)

>   Vốn ngoại hẹp cửa mua nợ xấu (25/01/2013)

>   Vốn ngân hàng “đi săn”dự án (25/01/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước có vốn pháp định 10.000 tỷ đồng (25/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật