Thứ Bảy, 26/01/2013 08:44

2013, cần nhận diện rủi ro chéo

Chia sẻ với ĐTCK, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho biết, năm 2013 và trong những năm tới tiếp tục là thời gian bận rộn của UBGS với nhiệm vụ trọng tâm là phát hiện sớm các rủi ro, đặc biệt là các rủi ro chéo giữa ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Quan điểm của ông về mô hình giám sát tài chính?

Đây là mô hình còn rất mới, ngay cả trên thế giới cũng đang còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng như Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói, xu hướng chung là giám sát tài chính hợp nhất với một cơ quan đầu mối. Trong đó, việc phối hợp giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia là rất quan trọng. Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm hơn, cần có một khung khổ pháp lý, từng bước làm rõ hơn định hướng mô hình giám sát tài chính cũng như có một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để đánh giá tổng quan thị trường tài chính.

Hoạt động giám sát tài chính ở Việt Nam đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Với một thị trường tài chính dễ bị tổn thương, các luồng vốn và dòng tiền di chuyển thiếu minh bạch, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể điều tiết hệ thống tài chính và công cụ quản lý rủi ro còn hạn chế, giám sát tài chính thực sự là một trong những công việc trọng tâm của chương trình cải cách tài chính của Việt Nam. Tuy nhiên, đổi mới và hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính là một quá trình liên tục, có trọng tâm, trọng điểm ở từng thời kỳ và phải được đặt trong khuôn khổ của một kế hoạch dài hạn.

Cơ quan đầu mối của hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam là Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Ủy ban có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát và giúp Thủ tướng giám sát chung thị trường tài chính, Ủy ban phải nhận dạng được các rủi ro hệ thống có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính và nền kinh tế. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm, đồng thời đề xuất giải pháp kịp thời để điều chỉnh chính sách, ngăn chặn rủi ro.

Hiện nay, UBGS đang xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho hệ thống giám sát tài chính quốc gia, đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả, từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng sẽ được thực hiện thế nào?

Cần thiết lập một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giám sát trên cơ sở chia sẻ, trao đổi thông tin, cùng hợp tác, phân tích, đưa ra cảnh báo và khuyến nghị chính sách. Giám sát các định chế tài chính và thị trường tài chính dựa trên phân tích, đánh giá rủi ro, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán. Đẩy mạnh giám sát các hành vi trên thị trường, đặc biệt là các giao dịch tài chính có bản chất là hoạt động ngân hàng nhưng đang được thực hiện dưới các hình thức và tên gọi khác nhau. Qua đó, nhận diện rủi ro, nhất là rủi ro chéo giữa lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Nhiệm vụ chính của UBGS trong năm 2013 là gì, thưa ông?

Có rất nhiều việc UBGS phải thực hiện trong năm 2013 và các năm tới. Một trong những nhiệm vụ chính là phát hiện sớm và ngăn ngừa rủi ro đối với hệ thống tài chính. UBGS sẽ tăng cường hoạt động giám sát thông qua việc thu hẹp các chuẩn mực trong nước và quốc tế, xây dựng và áp dụng các chỉ tiêu giám sát, các ngưỡng cảnh báo an toàn vĩ mô, các mô hình định lượng như: cảnh báo sớm, đánh giá khả năng chống đỡ của các định chế tài chính, xác định giá trị rủi ro bị tổn thất… và các quy chuẩn, chỉ tiêu giám sát các tập đoàn tài chính. Các hoạt động đó sẽ được triển khai trên cơ sở áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin và các phương pháp đo lường rủi ro tiên tiến trên thế giới.

Với kết quả hoạt động 5 năm qua của UBGS, có điểm nào ông thấy chưa hài lòng?

Tôi hài lòng với những gì UBGS đã làm được trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn cả nhân lực và vật lực. Tuy nhiên, để hoạt động của UBGS hiệu quả hơn trong thời gian tới, UBGS sẽ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng và các Bộ liên quan sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của UBGS cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo cơ sở pháp lý để UBGS đảm nhiệm tốt vai trò của một cơ quan đầu mối trong hệ thống các cơ quan thực hiện cơ chế phối hợp quản lý và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Điều này có nghĩa là vai trò của UBGS sẽ nâng lên?

Về chức năng tham mưu, điều phối hoạt động giám sát và giám sát chung thị trường tài chính, cần nghiên cứu, chỉnh sửa quy định theo hướng tập trung thực hiện nhiệm vụ phù hợp với nội dung và nguyên tắc của hoạt động giám sát. Đồng thời, quy định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của UBGS trong việc thu thập thông tin, báo cáo từ các Bộ, ngành, các định chế tài chính, các tổ chức khác có liên quan. Theo đó, UBGS sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng nghị định về tổ chức bộ máy, quyền hạn, trách nhiệm của UBGS theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBGS trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và đảm bảo nguyên tắc nội dung hoạt động của UBGS không trùng lắp với các cơ quan giám sát chuyên ngành.

Ngày 3/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Theo đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có chức năng tham mưu tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính. Ngày 18/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 79/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hoạt động theo sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Khó bỏ được thói quen “tiền trao cháo múc” (26/01/2013)

>   Vốn ngoại hẹp cửa mua nợ xấu (25/01/2013)

>   Vốn ngân hàng “đi săn”dự án (25/01/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước có vốn pháp định 10.000 tỷ đồng (25/01/2013)

>   Bắt buộc tổ chức tín dụng bán nợ xấu (25/01/2013)

>   Sẽ “đánh thức” dự trữ bắt buộc (25/01/2013)

>   Vốn ngân hàng “đi săn”dự án (25/01/2013)

>   'Ngân hàng Nhà nước đủ lực can thiệp thị trường vàng' (25/01/2013)

>   PGBank: 29/01 chốt danh sách dự ĐHĐCĐ bất thường (25/01/2013)

>   Vì sao UBGSTCQG chưa giám sát được thị trường? (25/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật