Thứ Ba, 29/01/2013 11:12

Tăng trích lập dự phòng: Ngân hàng dọa “hãm” tín dụng

Từ ngày 1/6/2013, theo quy định phân loại nợ mới, nhiều khoản nợ “đẹp” của ngân hàng có nguy cơ biến thành nợ xấu. Việc này đồng nghĩa, số tiền phải bỏ ra để trích lập dự phòng rủi ro sẽ phải tăng lên. Nhiều ngân hàng cho rằng, việc áp dụng quy định mớisẽ khiến tăng trưởng tín dụng thời gian tới có nguy cơ bị “tắc”.

Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Nội cho rằng, dù BIDV đã có nhiều nỗ lực cắt giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, song tăng trưởng tín dụng vẫn rất khó khăn. Dự báo, năm 2013, tăng trưởng tín dụng cũng chưa mấy khả quan. Mới đây, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho DN, yêu cầu các ngân hàng phải cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tạo mọi điều kiện cho DN tiếp cận vốn mới. Tuy nhiên, theo quy định mới ban hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phân loại lại nợ xấu, việc thực hiện yêu cầu theo nghị quyết trên là rất khó khăn.

Theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng, rất nhiều khoản không bị coi là nợ xấu hiện nay sẽ được xếp vào nợ xấu. Theo đó, nhiều đối tượng mới sẽ bị xếp vào nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5).

Cụ thể, nhiều khoản nợ trước đây được coi là “an toàn”, như nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng, hoặc công ty con của tổ chức tín dụng, hoặc tiền vay được sử dụng để góp vốn vào một tổ chức tín dụng khác; nợ cấp cho công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; nợ đang thu hồi theo kết luận thanh tra…, nay bị xếp vào nợ xấu nhóm 3. Còn các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2; nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, nhưng đã quá thời hạn thu hồi đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được... bị xếp vào nợ xấu nhóm 4. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn, hoặc đã quá hạn… đều bị xếp vào nhóm nợ có nguy cơ mất vốn.

“Việc đưa ra tiêu chuẩn mới về phân loại nợ xấu để tiến tới thông lệ quốc tế là đương nhiên. Nhưng điều kiện của chúng ta hiện nay có nhiều điểm khác biệt. Chính phủ vừa yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giúp DN tiếp cận vốn, nhưng nếu áp dụng quy định mới này, các khoản nợ xấu phải trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể. Còn các DN, dù mới được cơ cấu lại nợ, nhưng với quy định mới, họ có khả năng lại bị rơi vào nhóm nợ xấu, không được cấp tín dụng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Vì vậy, NHNN cần tính toán kỹ các hệ lụy liên quan, đưa ra lộ trình hợp lý áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nếu không, các ngân hàng sẽ vướng, khó đẩy mạnh tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn”, ông Dũng phân tích.

Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho rằng, nếu chiểu theo quy định mới về phân loại nợ, khoản trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này sẽ tăng 20 - 30%. Với số tiền lớn phải bỏ ra để dự phòng rủi ro như vậy, ngân hàng buộc phải co hẹp tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh thu hồi nợ, siết đối tượng vay vốn và đẩy mạnh các khoản thu khác để bù đắp. “Lợi nhuận của các ngân hàng năm 2013 sẽ rất căng thẳng”, vị tổng giám đốc trên lo ngại.

Liên quan đến những ý kiến trên của các ngân hàng, ông Nguyễn Đăng Hồng, Phó Chánh thanh tra NHNN cho biết, trên thực tế, Thanh tra NHNN từng phát hiện cùng một đối tượng nợ, song nhiều chi nhánh ngân hàng lại phân loại nợ ở một mức khác nhau. Chính vì vậy, việc ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN là nhằm điều chỉnh việc phân loại nợ sát thực tế hơn, về lâu dài giúp giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, họ rất khó khăn trong phân loại nợ, phân loại khách hàng, do không nắm bắt được sức khỏe chính xác của doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh việc đưa ra quy định mới về phân loại nợ, các ngân hàng cũng cần NHNN và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ cung cấp thông tin về doanh nghiệp, nhằm phân loại đúng nợ xấu, phân loại đúng sức khỏe doanh nghiệp, qua đó làm căn cứ cấp tín dụng.

“Chúng tôi cần sự phối hợp với ngành thuế để biết thêm về hình thực hiện nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp”, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Hà Nội kiến nghị.

Thùy Liên

Báo đầu tư

Các tin tức khác

>   BIDV rót 3.000 tỷ đồng cho HUD xây nhà ở xã hội (29/01/2013)

>   Không nên mở rộng đối tượng vay USD (29/01/2013)

>   Cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe: Món lợi cho ngân hàng? (29/01/2013)

>   NHNN: Quy định về hoạt động thông tin tín dụng (28/01/2013)

>   Cơ chế hoạt động của Công ty mua bán tài sản quốc gia (28/01/2013)

>   Cho vay mua nhà: Nhìn Mỹ mà học hỏi (28/01/2013)

>   Tuổi lên 5 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (28/01/2013)

>   Ngoại tệ chảy mạnh từ dân cư (28/01/2013)

>   Thời gian là kẻ thù của xử lý nợ xấu (27/01/2013)

>   Giao dịch nhà, xe, chứng khoán: Có thể dùng tiền mặt nhưng phải qua ngân hàng (26/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật