Thứ Hai, 28/01/2013 13:42

Huy động vốn từ trái phiếu: Tháo gỡ từ chính sách

Ngoài kênh vốn vay từ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được xem là kênh vốn dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay kênh này chỉ mới được các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp lớn quan tâm, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa thực sự có tác dụng.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, trao đổi xoay quanh vấn đề này.

Doanh nghiệp nhỏ đừng “mơ”

Thưa ông, vì sao các doanh nghiệp, nhất là DNNVV khó tiếp cận TPDN?

Đối với hệ thống tín dụng của một nước, NHTM luôn có phân khúc thị trường tiếp cận đối tượng khách hàng khác nhau. Có những nước chỉ có vài chục NHTM nhưng có hàng ngàn định chế tín dụng vi mô (tương tự như hợp tác xã tín dụng). Theo đó, đối tượng tín dụng đầu tiên của các định chế tín dụng vi mô là các DNNVV. Đặc biệt DNNVV tại nhiều nước còn dựa vào quỹ bảo lãnh tín dụng của nhà nước để tiếp cận các nguồn vốn phù hợp với quy mô của mình.

Trong khi đó, ở nước ta hiện nay phát triển tín dụng chủ yếu là các NHTM với đối tượng khách hàng không phải là DNNVV. Đây là mâu thuẫn cần sớm được giải quyết. Bởi DNNVV luôn kêu không tiếp cận được tín dụng, trong khi NHTM chỉ tiếp cận những khách hàng có độ tin cậy cao và quy mô tín dụng phù hợp với kinh doanh của NHTM.

Vì thế, nhiều DNNVV khi tiếp cận vốn ngân hàng đã phải thế chấp tài sản, thậm chí nhà riêng của chủ doanh nghiệp để vay tiền kinh doanh. Đó là điều không bình thường. Trong điều kiện như vậy rất ít DNNVV tiếp cận vốn và NHTM cũng không mặn mà với DNNVV do có độ rủi ro cao.

Vậy theo ông có giải pháp nào cho DNNVV phát hành TPDN?

Có thể thấy với việc huy động vốn từ trái phiếu, doanh nghiệp chủ động sử dụng ngay sau khi phát hành, không phụ thuộc vào giải ngân và không chịu áp lực thanh toán gốc theo định kỳ. Trong bối cảnh huy động vốn tín dụng từ NHTM hoặc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc phát hành TPDN.

Hiện nay, TPDN có 2 loại: trái phiếu không được bảo lãnh về tài sản và trái phiếu bảo lãnh bằng tài sản, nhưng loại nào còn tùy thuộc vào độ tin cậy và uy tín của doanh nghiệp đó. Thực tế những doanh nghiệp không phải công ty đại chúng, chưa niêm yết trên TTCK, việc phát hành TPDN rất khó khăn do độ tin cậy, minh bạch không có.

Thông thường phát hành TPDN là các DNNN, doanh nghiệp lớn, ít có doanh nghiệp nhỏ. Bởi doanh nghiệp lớn và DNNN phát hành có Nhà nước đứng ra bảo lãnh, nên có độ tin cậy. Hơn nữa, TPDN muốn phát hành được phải tạo tính thanh khoản (thế chấp, chiết khấu trái phiếu), trong khi tính thanh khoản của TPDN không có.

Với DNNVV độ uy tín và minh bạch không cao, càng khó phát hành. Do vậy, khó có thể chờ đợi DNNVV phát hành TPDN trong điều kiện thị trường hiện nay, ngoại trừ doanh nghiệp nào đó “móc nối” với NHTM để thế chấp trái phiếu do mình phát hành.

Không nên quá kỳ vọng

Ông nhận định thế nào về triển vọng phát hành trái phiếu quốc tế trong năm 2013 của các doanh nghiệp?

Hiện nay tình hình kinh tế vĩ mô nước ta chưa ổn định, niềm tin chưa có, hệ số tín nhiệm quốc tế đánh giá về thị trường Việt Nam chưa có dấu hiệu khả quan, nên việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp còn rất khó khăn. Nếu có phát hành được lãi suất sẽ rất cao.

Bởi trước đây Chính phủ phát hành trái phiếu ngay thời điểm kinh tế vĩ mô nước ta đang tốt nhưng lãi suất vẫn cao hơn nhiều so với lãi suất quốc tế. Chưa kể, những năm gần đây nước ta để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế, huy động xong không trả nổi như Vinashin.

Điều này cho thấy môi trường hiện nay để các tập đoàn, tổng công ty phát hành trái phiếu quốc tế rất khó, hoặc nếu có phát hành được sẽ rủi ro tiềm ẩn về lãi suất. Quan điểm của tôi là không nên kỳ vọng nhiều vào việc phát hành trái phiếu quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Vừa qua, Quỹ bảo lãnh tín dụng đầu tư (CGIF) có vốn chủ sở hữu 700 triệu USD với nguồn vốn góp của Chính phủ các nước ASEAN +3, đang có kế hoạch bảo lãnh phát trái phiếu cho DNNVV Việt Nam. Ông nhận định thế nào về kênh huy động vốn tiềm năng này?

Kế hoạch bảo lãnh của CGIF mới đề cập trong khuôn khổ hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức. Về nguyên tắc, CGIF là quỹ tín thác. Trên thế giới rất đa dạng các quỹ tín thác nhắm vào nhiều đối tượng khác nhau, trong khi ở Việt Nam quỹ bảo lãnh tín dụng cũng chưa làm được, nói gì đến quỹ tín thác.

Thí dụ, trên thị trường bất động sản nhiều năm qua, quỹ đầu tư và quỹ tín thác bất động sản cũng chưa làm được.

Nguyên nhân do hệ thống pháp luật nước ta chưa đồng bộ, gây nhiều vướng mắc trong thực hiện, dẫn đến thị trường bị tắc. Như vấn đề thế chấp bất động sản, các NHTM cho biết nếu cho vay không thu được nợ, thủ tục để bán bất động sản thế chấp phải mất 3-4 năm.

Điều này đang là rào cản cho các nỗ lực hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thông qua các kênh huy động vốn khác nhau.

Hình thành các định chế vi mô

Theo ông, năm 2013 các doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào kênh vốn trung, dài hạn nào? Việc NHNN siết lại khi tính trái phiếu vào dư nợ tín dụng và yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro liệu có hạn chế cơ hội phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp?

Thị trường tài chính Việt Nam hiện nay là một thị trường khập khiễng. Đáng ra các NHTM chủ yếu cho vay ngắn hạn, còn trung, dài hạn thông qua các định chế phi ngân hàng (các quỹ đầu tư, công ty đầu tư).

Ở một số nước có ngân hàng đầu tư hoạt động trên TTCK cung cấp vốn trung, dài hạn, chỉ một phần nhỏ vốn này mới do các NHTM cấp.

Còn ở nước ta hiện nay các NHTM lãnh hết, nên có tình trạng trên 90% nguồn tín dụng của nền kinh tế dựa vào NHTM, chỉ vài % từ các định chế tín dụng phi ngân hàng. Điều này dẫn đến các NHTM lấy vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, tức tự tạo rủi ro cho mình.

Việc này tôi đã báo động rất nhiều năm. Thực tế, các TPDN phát hành trực tiếp cũng là một dạng huy động vốn trung, dài hạn qua TTCK.

Thí dụ, công ty niêm yết thay vì tăng vốn sẽ phát hành chứng chỉ nợ đưa ra thị trường giao dịch giống như cổ phiếu, mới tạo ra vốn trung, dài hạn và thanh khoản liên tục. Tất nhiên giá trị của trái phiếu đó tùy sức khỏe doanh nghiệp phát hành.

Việc Vinashin phát hành trái phiếu quốc tế không trả nổi nợ, sẽ rất khó cho các doanh nghiệp khác tìm tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế

Ông có thể cho biết kinh nghiệm các nước tìm vốn trung, dài hạn cho DNNVV?

 Tại nhiều nước trên thế giới, DNNVV không phải là đối tượng phát triển TPDN, ngoài dùng một phần vốn chủ sở hữu. DNNVV dựa vào các quỹ bảo lãnh tín dụng làm trung gian để vay vốn từ NHTM.

DNNVV các nước trong thời điểm hiện tại chỉ có thể mở rộng kênh quỹ bảo lãnh tín dụng và các địa phương nên phát triển mạnh quỹ bảo lãnh tín dụng.

Thí dụ, một DNNVV muốn đầu tư dự án 100 tỷ đồng, sau khi thuyết minh tính khả thi, quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương có thể xem xét bảo lãnh 70 tỷ đồng. Dự án đầu tư đó được thế chấp cho NHTM và NHTM chịu trách nhiệm giám sát tài sản này để thu nợ.

Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, tài sản đó bán được bao nhiêu, một phần quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ bù đắp thiệt hại cho NHTM, còn lãi suất vay doanh nghiệp phải trả. Dĩ nhiên trong đó có một phần phí nhỏ cho quỹ bảo lãnh tín dụng để hoạt động điều hành.

Ở nước ta hiện nay, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV thực hiện qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả. Bởi lẽ quỹ này nằm ở Trung ương, trong khi DNNVV chủ yếu nằm các tỉnh. Hy vọng năm 2013 quỹ này có thể mở rộng “chân rết” tại các địa phương để thực sự gắn kết hoạt động kinh tế của DNNVV.

Vì thế, nói rằng có bước nhảy vọt về tín dụng cho DNNVV, theo tôi chưa có triển vọng gì lớn. Bởi lẽ, trừ quỹ bảo lãnh tín dụng ra, các giải pháp hiện tại của NHTM cũng chỉ là giải pháp tình thế. Điều cơ bản là phải hình thành các định chế vi mô được quy định trong Luật Tổ chức tín dụng, thực hiện trong phạm vi hẹp với đối tượng là các DNNVV.

Xin cảm ơn ông.

Mai Thảo

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Thời của trái phiếu (18/01/2013)

>   KBNN sẽ phát hành 30.000 tỷ đồng TPCP trong quý I (16/01/2013)

>   Quý I/2013, phát hành 30.000 tỷ đồng TPCP (16/01/2013)

>   Rủi ro ồ ạt phát hành trái phiếu địa phương (09/01/2013)

>   Huy động trái phiếu địa phương và bài học từ Trung Quốc (04/01/2013)

>   LSS: Chậm công bố kết quả phát hành trái phiếu do sơ suất (04/01/2013)

>   Đà Nẵng phát hành trái phiếu giá trị 5.000 tỷ đồng (03/01/2013)

>   Được mùa trái phiếu (28/12/2012)

>   Thêm nhiều địa phương sẽ phát hành trái phiếu (26/12/2012)

>   Nóng” trái phiếu, “méo mó” phân bổ đầu tư! (24/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật