Thứ Sáu, 18/01/2013 21:58

Thời của trái phiếu

“Đầu tư vào trái phiếu bây giờ là đánh trúng tâm điểm về mặt thời gian, không thể còn thời điểm đúng hơn” – tuyên bố của một lãnh đạo thuộc quỹ mở đầu tiên chuyên về đầu tư trái phiếu tại VN vừa ra mắt trong tháng 1/2013 - cho thấy một cái nhìn ngắn gọn nhưng khá đầy đủ về viễn cảnh thị trường trái phiếu năm 2013.

Theo thông tin mà quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF) thuộc Cty CP quản lý quỹ VinaWealth công bố, danh mục đầu tư mục tiêu của quỹ này bao gồm ít nhất 80% trái phiếu. Trong đó, cơ cấu đầu tư chi tiết dự kiến sẽ là 50-100% trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu của các tổ chức của Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh, 0-50% là tài sản đầu tư vào thị trường tiền tệ, trái phiếu DN và giấy tờ có giá. Tùy theo tình hình thị trường mà VinaWealth sẽ thay đổi cơ cấu đầu tư cho phù hợp với chiến lược đầu tư để đạt được mục tiêu đầu tư của Quỹ VFF.

Từ chuyện một quỹ mở

Điều đáng nói Quỹ VFF là quỹ mở đầu tiên trên thị trường vốn VN và với động thái chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng theo giấy chứng nhận được cấp của UBCK NN ngay trong đầu năm 2013, thông qua sở hữu chứng chỉ quỹ VFF với danh mục đầu tư tập trung vào trái phiếu. Đây cũng là lần đầu tiên nhà đầu tư cá nhân có cơ hội sở hữu gián tiếp tài sản trái phiếu với một danh mục đa dạng từ sơ cấp đến thứ cấp, từ trái phiếu Chính phủ đến các trái phiếu DN, cũng như gián tiếp tham gia các nghiệp vụ giao dịch khác trên thị trường trái phiếu.

Góp mặt trong thị trường vốn đã khá lâu, tuy nhiên, trái phiếu như đã nói, vẫn được cho là sân chơi riêng của nhà đầu tư tổ chức. Năm 2012, trái phiếu càng là một kênh đầu tư nhiều sức hút với các tổ chức đặc biệt với các ngân hàng thương mại. Có nhiều nguyên do khiến các tổ chức ngân hàng bỏ tiền vào tài sản này, trong đó, có nguyên do từ sự chật hẹp của tăng trưởng tín dụng và bắt buộc phải chọn bỏ tiền vào tài sản an toàn trong bảng cân đối tổng tài sản; nhưng cũng không loại trừ nguyên do trái phiếu thực sự là một kênh đầu tư sinh lợi.

Nói như vậy, không có nghĩa là từ trước đến nay, nhà đầu tư cá nhân bị “cấm cửa” với thị trường trái phiếu mà ngược lại, kênh đầu tư này đã được các cơ quan quản lý nỗ lực tạo lập và đưa vào hệ thống vận hành thứ cấp sao cho có thể thu hút được dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, do đa phần nhà đầu tư cá nhân chưa quen giao dịch với thị trường trái phiếu thông qua việc tham chiếu đường cong lãi suất cơ bản để xác định lợi suất cuống phiếu và tham gia giao dịch cũng như sử dụng các nghiệp vụ kỹ thuật. Hơn thế, việc đầu tư trái phiếu đòi hỏi nguồn lớn trung và dài hạn mới có thể mang lại tỉ suất sinh lợi cao khiến kênh này vẫn được các nhà đầu tư cá nhân “kính nhi viễn chi”.

Một ví dụ khá sinh động từ ông Đặng Vị Thanh - Giám đốc khối khách hàng cá nhân VinaWealth, là nếu như trước đây, để tham gia trên thị trường trái phiếu, nhà đầu tư cần có nguồn vốn khoảng 10 tỉ đồng thì nay chỉ cần 1 tỉ đồng để mua khoảng 100 đơn vị chứng chỉ quỹ VFF đã có thể đầu tư gián tiếp trái phiếu các loại, mà lại không phải “đau đầu” về các kiến thức kinh doanh, thời điểm mua hay thoái vốn.

Một điểm đáng nói thêm, với đặc trưng là một quỹ mở và có chức năng hoán đổi qua lại giữa các quỹ mở (tương lai), đây là một điều kiện thuận lợi để trong tương lai, các quỹ đầu tư cổ phiếu, quỹ đầu tư cân bằng mà VinaWealth dự kiến sẽ ra mắt, cho phép các nhà đầu tư linh động hơn trong hoán đổi tài sản đầu tư của mình và từ đó, dòng tiền đầu tư từ các tài sản sẽ có cơ hội linh hoạt trong dòng chảy qua kênh đầu tư trái phiếu, hay ngược lại. Điều đó sẽ có ý nghĩa đối với việc kích hoạt dòng tiền đầu tư nhàn rỗi từ các cá nhân, tổ chức DN, các quỹ hưu trí, phúc lợi… tham gia thị trường vốn. Đây mới chính là nguồn vốn dài hạn, bền vững cho thị trường.

Năm 2013: Bức tranh màu hồng của trái phiếu

Dù cho đến hiện tại, Bộ Tài chính chưa hoàn chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm 2013 và dự kiến sẽ có vào cuối tháng này, tuy nhiên, theo quan điểm của VCSC, dựa trên mức thâm hụt 4,8% trong năm 2012, Chính phủ có thể phải huy động ít nhất 100.000 tỉ đồng trong năm tài khóa 2013.

Còn theo dự toán ngân sách mà Quốc hội đã thông qua thì năm 2013, Chính phủ sẽ được huy động tối đa 60.000 tỉ đồng qua phát hành trái phiếu, trong tổng số 225.000 tỉ đồng cho cả giai đoạn 2011-2015, đồng thời, thu hồi số vốn trái phiếu Chính phủ đã ứng trước của năm 2013. Dù vậy, nếu tính sơ bộ tổng giá trị trái phiếu Chính phủ đã phát hành năm 2012 là 156.000 tỉ đồng, cộng gộp chỉ tiêu dự kiến tối đa 60.000 tỉ đồng thì xem ra dư địa cho nguồn thu ngân sách qua kênh huy động vốn của năm 2014-2015 đã không còn và do đó, rất có thể Quốc hội sẽ thảo luận điều chỉnh chỉ tiêu trong dự này này nếu xét trên thực tiễn. Các nhà đầu tư vì vậy sẽ chẳng có gì phải lo ngại rằng trái phiếu sơ cấp sẽ trở nên “hiếm hoi” và theo quy luật cung càng ít giá càng cao sẽ cản trở họ trong quyết định đầu tư, giải ngân trong năm nay hay năm tới. Nói cách khác, nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân, đầu tư trực tiếp trái phiếu hay gián tiếp qua chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu đều có thể “gác tay ngủ ngon” vì những dự báo đầy màu hồng.

Tất nhiên, không có kênh đầu tư nào không có xác suất rủi ro. Chúng tôi xin không phân tích những xác suất rủi ro khá nhỏ so với triển vọng đầu tư trái phiếu kể trên, mà chỉ có thêm một mở ngoặc khác: Điều đáng buồn duy nhất của kênh trái phiếu trong năm 2013, có lẽ vẫn là triển vọng khá mờ nhạt của trái phiếu DN – kênh đầu tư mà theo VFF - dẫu sao vẫn đầy rủi ro, bao gồm cả rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng của DN. Và do đó, tại thời điểm hiện tại, VFF sẽ không đầu tư vào trái phiếu DN mà chỉ xem đây là kênh đầu tư tạo lợi nhuận trong tương lai. Các DN chắc chắn sẽ không cười tươi với thông tin này nhưng ít ra họ vẫn còn một điều an ủi vì đây cũng không phải là thông tin gì mới, nếu họ suy nghiệm lại tình hình phát hành trái phiếu của DN mình so với bức tranh chung đã có những bố cục rõ ràng trong năm 2012.

Ông Đặng Vị Thanh - VinaWealth

Năm 2012, nếu so sánh trái phiếu với các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, lãi suất tiết kiệm, bất động sản thì trái phiếu (Chính phủ) đã cho một tỉ suất sinh lợi đáng ngạc nhiên. Theo đó, vàng có tỉ suất sinh lợi giảm đáng kể và chỉ còn khoảng 0,4%. Ngoại tệ (cặp tỉ giá VND/USD), cho tỉ suất sinh lời bằng 0. Với kênh tiết kiệm có lãi suất theo kỳ hạn được tính là 8%, thì lợi suất trái phiếu vẫn chênh lệch và cao hơn khoảng 0,9%, chưa kể lợi nhuận từ thặng dư vốn. Với kênh chứng khoán, nửa đầu năm 2012, TTCK đã tăng trưởng khoảng 39% tuy nhiên nửa năm sau TTCK đã đánh mất những gì vừa có và chốt năm, VN-Index chỉ tăng 18% và HNX-Index giảm âm 3%, tỉ suất sinh lời đạt cao nhất so với các kênh trên ở mức 17,4%. Bất động sản trong năm 2012 hoàn toàn bất động. Trong khi đó, trái phiếu Chính phủ lại cho tỉ suất sinh tới đạt tới 20,7% trong năm 2012.

Ông Phạm Ngọc Bích - Phó tổng giám đốc CTCP chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Năm 2013, có rất nhiều yếu tố để đầu tư thị trường trái phiếu, nhất là các trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm trở lên, cho mức sinh lợi cao hơn nhiều so với chỉ tiết kiệm và bỏ tiền vào “heo đất”, mặc dù cách thức đầu tư gián tiếp có thể giống “đầu tư heo đất”: Thứ nhất, các nhà đầu tư vẫn đang có nhu cầu rất cao để đầu tư vào trái phiếu, do họ đã thừa thanh khoản và có nguồn vốn thặng dư (đối với các ngân hàng). Hay nói cách khác, là cho dù thực tiễn trên thị trường sơ cấp trong tháng đầu năm đang cho thấy lợi suất trái phiếu dù giảm đi (do lãi suất giảm) nhưng tỉ lệ phát hành thành công vẫn đạt mức cao cho thấy cầu trái phiếu vẫn mạnh vì các ngân hàng vẫn khó có thể cho vay vào đầu năm. Thứ hai, bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định là điều kiện cơ bản để các nhà đầu tư tiếp tục rót tiền vào thị trường trái phiếu. Hơn nữa, theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất có thể tiếp tục giảm ít nhất 1% trong năm 2013 và do đó, nhiều nhà đầu tư sẽ tranh thủ cơ hội lãi suất xuống để đầu tư giải ngân vào trái phiếu.

 

Lê Mỹ

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   KBNN sẽ phát hành 30.000 tỷ đồng TPCP trong quý I (16/01/2013)

>   Quý I/2013, phát hành 30.000 tỷ đồng TPCP (16/01/2013)

>   Rủi ro ồ ạt phát hành trái phiếu địa phương (09/01/2013)

>   Huy động trái phiếu địa phương và bài học từ Trung Quốc (04/01/2013)

>   LSS: Chậm công bố kết quả phát hành trái phiếu do sơ suất (04/01/2013)

>   Đà Nẵng phát hành trái phiếu giá trị 5.000 tỷ đồng (03/01/2013)

>   Được mùa trái phiếu (28/12/2012)

>   Thêm nhiều địa phương sẽ phát hành trái phiếu (26/12/2012)

>   Nóng” trái phiếu, “méo mó” phân bổ đầu tư! (24/12/2012)

>   Huy động trái phiếu chính phủ cả năm đạt 156.544 tỉ đồng (24/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật