Hợp tác Việt - Nhật sẽ đi vào trọng tâm
Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, thống nhất chọn những ngành nghề mà Việt Nam có lợi thế, phía Nhật Bản quan tâm đầu tư làm trọng tâm hợp tác.
Phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Ông đánh giá gì về quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản và xu hướng giảm đầu tư Nhật Bản trong thời gian gần đây?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
|
Nhật Bản là quốc gia đang hỗ trợ Việt Nam về kinh tế rất lớn. Đây là nước đứng đầu trong các đối tác tài trợ chính thức ODA cho Việt Nam. Có thể nói tất cả cơ sở hạ tầng lớn về giao thông vận tải và một số lĩnh vực khác của Việt Nam đều có sự góp vốn ODA của Nhật Bản.
Ngoài ra, số lượng DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đến nay đứng thứ ba trong 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Cho nên, chúng tôi rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư từ các DN Nhật Bản.
Nhưng trong thời gian gần đây, số vốn DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chậm lại. Cho nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Chính phủ Việt Nam vừa họp để ra một Nghị quyết chuyên đề về cải thiện, nâng cao thu hút đầu tư, trong đó đưa ra 8 giải pháp cơ bản.
Điểm tôi quan tâm nhất là cải cách về mặt thể chế để cơ chế chính sách của Việt Nam nhất quán, thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Tháng trước, ông đã có chuyến công tác tại Nhật Bản. Vậy ông ghi nhận được những gì sau chuyến đi đó?
Chuyến công tác của tôi tại Nhật Bản vào tháng trước rất bổ ích. Tại chuyến đi này, tôi gặp gỡ rất nhiều các Bộ trưởng Nhật Bản, những đối tác chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thảo luận về hợp tác ODA, FDI và những vấn đề hai bên quan tâm. Tôi đã tham gia bốn diễn đàn kinh tế với các tập đoàn kinh tế lớn.
Làm việc với đại diện các ngân hàng Nhật Bản, lực lượng đứng sau các DNNVV Nhật Bản. Lần đầu tiên, chúng ta có một cuộc gặp gỡ đặc biệt với 15 ngân hàng lớn của Nhật Bản, họ muốn đặt đại diện tại Việt Nam để tài trợ vốn cho các DN Nhật Bản sang đầu tư.
Tại Diễn đàn kinh tế Kansai (Osaka), nơi thu hút 370 DN trong đó chủ yếu là DN Nhật Bản, tôi đã thay mặt Chính phủ Việt Nam nêu lên những cơ chế chính sách, những mặt được, mặt hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài và những vấn đề Việt Nam sẽ chỉnh sửa trong thời gian tới. Hai bên cũng đã thống nhất sẽ gặp gỡ thường xuyên ở cấp cao để trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Được biết Việt Nam và Nhật Bản đã chọn được 5 ngành công nghiệp để đặt trọng tâm hợp tác trong thời gian tới. Cụ thể thế nào, thưa ông?
Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, thống nhất chọn những ngành nghề mà Việt Nam có lợi thế, phía Nhật Bản quan tâm đầu tư làm trọng tâm hợp tác.
Trên quan điểm đó, chúng tôi đã chọn ra được 5 ngành và hiện nay đang thảo luận 2 ngành khác. Dự kiến trong quý I/2013, Ban Chỉ đạo sẽ cơ bản hoạch định xong nội dung chiến lược này.
Hai bên cũng sẽ phối hợp xây dựng khung pháp lý, cũng như chính sách ưu đãi cho các DN quan tâm đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, để giúp ngành này phát triển mạnh hơn tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự định trong năm nay sẽ tổ chức một vài buổi đối thoại Nhật - Việt về phát triển kết cấu hạ tầng.
Dự kiến khoảng sau Tết Nguyên đán, hai bên sẽ họp, thảo luận từng mảng lĩnh vực để các DN Nhật Bản có cơ hội xem xét các dự án của Việt Nam sâu hơn, tìm hiểu về cơ chế chính sách để có được sự lựa chọn đầu tư tốt nhất. Tôi tin với cách làm việc như vậy, Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục là quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam, cũng như tham gia sâu vào các hình thức đầu tư PPP, BOT… trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng.
Xin cảm ơn ông!
Diệu Hương thực hiện
thời báo ngân hàng
|