Bộ GTVT: Không hoàn thành cổ phần hóa, giám đốc sẽ bị điều chuyển
Mục tiêu đặt ra của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) năm 2013 là cổ phần hóa 10 tổng công ty trong ngành giao thông. Nếu doanh nghiệp nào không hoàn thành việc cổ phần hóa thì người đứng đầu doanh nghiệp sẽ bị điều đi làm việc khác.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại hội nghị tổng kết trực tuyến năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ GTVT diễn ra ngày 10-1. Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết năm theo hình thức trực tuyến.
Không cổ phần hóa, giám đốc bị "trảm"
Năm 2013, Bộ GTVT sẽ chú trọng vào tái cơ cấu mô hình tổ chức, cơ cấu lại các dự án đầu tư, tái cơ cấu nợ và coi công tác cổ phần hóa là then chốt để các doanh nghiệp đổi mới cơ chế quản lý, huy động vốn từ các cổ đông, giảm tỷ trọng nợ vay.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ phải thu gọn đầu mối, thoái vốn tại các doanh nghiệp kinh doanh ngoài lĩnh vực để tập trung vào ngành nghề chính. Đối với 10 tổng công ty thuộc diện phải cổ phần hóa thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 30-6 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2013.
Ông Thăng khẳng định trong số 10 tổng công ty phải cổ phần hóa năm 2013 nếu doanh nghiệp nào không hoàn thành việc cổ phần hóa thì tổng giám đốc doanh nghiệp đó sẽ bị điều chuyển đi làm việc khác.
Danh sách 10 tổng công ty thuộc Bộ GTVT phải cổ phần hóa năm 2013
|
Có 10 xe trở lên được đóng phí đường bộ theo tháng
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải trong việc đóng phí bảo trì đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép các doanh nghiệp có từ 10 đầu xe trở lên được đóng phí theo tháng thay vì đóng theo kỳ đăng kiểm là 3 tháng, 6 tháng… Tuy nhiên, việc đóng phí theo tháng phải có văn bản cam kết và chế tài rõ ràng giữa doanh nghiệp và trung tâm đăng kiểm.
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết tại hội nghị tổng kết trực tuyến của Bộ GTVT ngày 10-1. Sau 10 ngày triển khai thu phí bảo trì đường bộ nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh những bất cập và đề nghị sửa đổi quy định.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc đóng một lúc với số phí lớn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có số lượng xe lớn. Do vậy, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, ông Trường cho biết đối với những doanh nghiệp có hàng chục đầu xe thì bộ chấp thuận cho thu phí theo tháng.
Tuy nhiên, để được thu phí theo tháng chủ doanh nghiệp phải làm cam kết với trung tâm đăng kiểm kèm theo những chế tài nếu như doanh nghiệp chậm nộp phí. Việc thu phí theo tháng chỉ được áp dụng đối với những doanh nghiệp có từ 10 đầu xe trở lên.
Liên quan đến những kiến nghị của doanh nghiệp về việc thu phí đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc không hoạt động mà vẫn phải đóng phí, ông Trường cho hay, trong trường hợp những rơ moóc, sơ mi rơ moóc không hoạt động trên một tháng thì phải có chứng nhận của cơ quan công an có ghi rõ biển số xe, số hiệu thì sẽ không phải đóng phí đường bộ trong thời gian xe ngừng hoạt động.
Còn việc thu phí đường bộ với xe máy, ông Trường vẫn khẳng định rằng để đảm bảo tiến độ và có phí để sửa đường ngay trong khi chưa có quyết định mức thu của HĐND các tỉnh thì vẫn áp dụng mức thu thấp nhất (tức là xe dưới 100 phân khối sẽ thu mức tối thiểu là 50.000 đồng/năm, còn xe trên 100 phân khối sẽ thu mức tối thiểu là 100.000 đồng/năm). Sau khi HĐND các tỉnh có quyết định chính thức nếu vượt quá mức tối thiểu thì sẽ thu thêm theo đúng quyết định mà HĐND đưa ra.
Tuy vậy, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương chưa thu phí với xe máy và đợi quyết định của HĐND tỉnh.
Trao đổi thêm với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc thu phí đối với xe máy được thực hiện từ nay đến cuối năm. Do còn thời gian khá dài và không quy định thời hạn cuối cùng phải nộp như ô tô nên các địa phương vẫn chờ HĐND tỉnh họp phiên đầu năm. Còn việc thu trước ở mức tối thiểu rồi sau này có thể phải truy thu sẽ gây rắc rối nên các địa phương chờ quyết định của HĐND là điều dễ hiểu.
Lê Anh
tbktsg
|