Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm “B+” cho Việt Nam, triển vọng “ổn định”
Fitch Ratings vừa thông báo giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành nội và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức “B+” với triển vọng “ổn định”. Đồng thời, Fitch còn duy trì trần xếp hạng quốc gia ở mức “B+” và xếp hạng nhà phát hành ngoại tệ ngắn hạn ở mức “B”.
* Fitch: Triển vọng ngân hàng Việt Nam 2013 “ổn định”
* Bloomberg: WB đánh tiếng hỗ trợ hàng trăm triệu USD cho ngân hàng Việt
Triển vọng “ổn định” phản ánh kỳ vọng của Fitch rằng các nhà làm chính sách sẽ đảm bảo được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, bao gồm tỷ lệ lạm phát thấp hơn, sự ổn định của VND và tránh được tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai quá mức.
Theo lý giải của Fitch, các yếu tố hỗ trợ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam bao gồm đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế và môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây cũng chính là “bức bình phong” cho nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài và góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Ngoài ra, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng được nâng đỡ bởi các yếu tố thuận lợi như nợ bên ngoài và khả năng thanh toán nợ trong tương quan với các quốc gia được xếp hạng khác cũng như tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư nội địa cao. Fitch ước tính, tỷ lệ tiết kiệm và tỷ lệ đầu tư bình quân của Việt Nam đạt lần lượt 28% and 36% trong vòng 5 năm qua.
Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng cao hơn và biến động mạnh hơn so với các quốc gia được xếp hạng khác khiến nền kinh tế và tỷ giá dễ bị tác động bởi các cú sốc kinh tế và tài chính nghiêm trọng, từ đó tác động xấu đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Theo Fitch, yếu tố chính tác động đến xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam là rủi ro đối với sự ổn định của nền kinh tế và hệ thống tài chính cũng như tình hình tài chính công. Đặc biệt, hiện chi phí tái cấu trúc vốn cho hệ thống ngân hàng vẫn còn chưa rõ ràng.
Fitch ước tính, thặng dư tài khoản vãng lai năm 2012 đạt 7.2% GDP, cao hơn so mức 0.2% trong năm 2011 và do dó dự trữ ngoại hối có thể đạt khoảng 24 tỷ USD vào cuối 2012. Như vậy, Việt Nam có thể có được nguồn vốn đệm lớn hơn để đương đầu với bất kỳ làn sóng rót vốn nào. Tổ chức này còn dự báo GDP thực sẽ tăng trưởng 5.5% trong năm 2013, cao hơn so mức 5% trong năm 2012.
Dù lạm phát toàn phần đã suy giảm đáng kể từ mức 18.7% trong năm 2011 xuống còn 9.1% trong năm 2012 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạ lãi suất tổng cộng 6% trong năm qua nhưng Fitch tin tưởng Việt Nam sẽ không tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vì điều này có thể loại bỏ sự hỗ trợ đối với tỷ giá. Hơn nữa, áp lực lạm phát cơ bản vẫn còn cao.
Fitch kỳ vọng Chính phủ sẽ thắt chặt quan điểm tài khóa trong năm 2013 và ước tính thâm hụt ngân sách, bao gồm các khoản chi tiêu ngoài ngân sách, sẽ giảm còn 5.1% GDP trong năm 2013 từ mức 5.9% GDP trong năm 2012. Năm ngoái tỷ lệ nợ/GDP duy trì ổn định ở mức 44% GDP.
Các yếu tố tác động tích cực/tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm
Theo Fitch, các nhân tố chính có thể dẫn đến hành động tín nhiệm tích cực bao gồm: (1) triển vọng kinh tế vĩ mô cải thiện đồng thời với đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thể hiện qua tỷ lệ lạm phát vừa phải, ổn định cũng như sự cân bằng bên ngoài; (2) tính minh bạch cao hơn về chi phí giải quyết nợ xấu hoặc sự cải thiện của chất lượng tín dụng độc lập trong lĩnh vực ngân hàng; (3) sự tăng tốc của các cuộc cải cách cơ cấu, đặc biệt là liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công.
Ngược lại, hành động tín nhiệm tiêu cực sẽ xảy ra nếu: (1) mức thua lỗ trong hệ thống ngân hàng cao hơn dự báo, qua đó cần gói hỗ trợ với quy mô lớn từ Chính phủ và có thể đe dọa đến sự ổn định vĩ mô và tài chính; (2) việc bãi bỏ các mục tiêu ổn định vĩ mô trong Nghị quyết 11 và áp dụng các chính sách đe dọa đến sự bình ổn bên ngoài cũng như bình ổn giá; (3) tình hình tài chính công ngày càng sa sút và khiến tỷ lệ nợ/GDP tăng mạnh.
Các giả định chính của Fitch
Fitch giả định các nhà chức trách Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi một số chính sách nhằm đem lại sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô với tăng trưởng GDP chậm hơn, lạm phát thấp hơn và cán cân tài khoản vãng lai khả quan hơn. Theo Fitch, chi phí dùng để tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng ước tính ở vào khoảng 10% GDP, bằng với kịch bản bình thường của tổ chức này. Ngoài ra, Fitch còn cho rằng tăng trưởng toàn cầu, thể hiện qua GDP thực, sẽ tăng lần lượt 2.4% và 2.9% trong năm 2013 và 2014, cao hơn so mức ước tính 2% trong năm 2012.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|