Thứ Hai, 14/01/2013 09:24

“Cơn điên” mới?

Nếu không xảy ra câu chuyện “bất khả kháng” như năm 2012, năm nay sẽ chứng kiến hình ảnh tái hiện của một “cơn điên” mới từ các bà nội trợ và tiểu thương bán rau của nền kinh tế tiểu nông Việt Nam.

Tốt nhất!

“Việt Nam sẽ là thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới năm 2013” – chưa bao giờ hãng tin quốc tế Bloomberg lại có một bình luận bạo gan như vậy về thị trường cổ phiếu Việt.

Mới ngay năm ngoái, chính hãng tin này cùng với sự phụ họa của các khuôn mặt khác như CNBC, Financial Times… đã đóng góp một phần nho nhỏ trong việc “dìm” thị trường chứng khoán Việt Nam xuống tận đáy của đáy, và nếu cứ lấy chỉ số HNX ra để so sánh thay cho VNI thì chắc chắn Việt Nam sẽ lọt thỏm trong top 10 tồi tệ nhất của hành tinh, chắc chắn trội hơn cả hai quốc gia Ukraine - giảm 49% và Síp - mất tới 60%.

Nhưng ngay đầu năm nay, mọi chuyện có vẻ xoay ngược 180 độ. Tất nhiên, giới phân tích chứng khoán trong nước - vốn giữ thái độ thận trọng thâm niên qua nhiều cuộc bể dâu khó biết rõ nguyên do, có thể nêu câu hỏi về chuyện vì sao Bloomberg lại dám đưa ra một dự báo có tính khẳng định cao đến thế? Từ tin “nội gián” chăng?

Trên bình diện khách quan, và cũng như hãng tin quốc tế RFI bình luận, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn trong năm 2013 này, nếu không muốn nói là có thể đặt một chân lên bờ vực khủng hoảng trong những điều kiện xấu hơn. GDP là một minh chứng hùng hồn, khi chỉ số này vào năm nay gần như chắc chắn sẽ không thể bứt phá so với năm trước. Ngoài chỉ số chính đó, các chỉ số phụ như kim ngạch xuất khẩu hay tỷ lệ thất nghiệp cũng khó có khả năng được cải thiện đáng kể…

Nhưng nói gì thì nói, hình ảnh ấn tượng nhất vẫn là biểu đồ tăng tiến hiển nhiên tốt nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam so với tất cả các thị trường chứng khoán có tiếng nhất trên thế giới, tính từ đầu năm đến nay. Dương hơn 20% - rõ ràng là một cái gì đó quá đáng mơ ước tại thị trường cổ phiếu Việt, trong khi từ Dow Jones, S&P500, Nasdaq của Mỹ đến Hang Seng của Hồng Kông đều phải hết sức vất vả mới vượt qua được những “ngưỡng kháng cự” tầng tầng lớp lớp.

Cũng có thể hoàn toàn tự hào để ngẩng mặt với thế giới về việc đồ thị bứt phá của thị trường Việt Nam đã bất chấp tất cả các yếu tố kỹ thuật. Nói cách khác, đã không “lên” thì thôi, còn một khi muốn “lên”, thị trường nơi đây gần như không phụ thuộc vào bất cứ một “ngưỡng kháng cự” nào.

Cũng bởi vậy, trường phái phân tích kỹ thuật tại thị trường Việt Nam đã hầu như thất nghiệp trong những năm qua.

“Cơn điên” mới?

Trong bối cảnh Bloomberg phát đi thông điệp chưa từng có tiền lệ như trên, cơn sốt chứng khoán cũng đang ngấm ngầm tái phát.

Một nữ doanh nhân đã mất đến 5 tỷ đồng tiền nhàn rỗi do đầu tư vào chứng khoán khi không biết làm gì để lãi mẹ đẻ lãi con trong năm 2012, giờ đây lại đứng ngồi không yên trước cận cảnh thị trường phục hồi hình răng cưa. Người phụ nữ này bèn trải lòng mình với bạn bè. Khi biết hoàn cảnh đáng thương của chị, dĩ nhiên chẳng một ai, kể cả một chuyên gia tư vấn có hạng, dám đưa ra lời khuyên “lấy lại những gì đã mất”. Thay vào đó là khuyến cáo “coi chừng mất nốt những gì còn lại”…

Thế nhưng cái thị trường tiêu biểu nhất cho lòng tham vô hạn này lại hầu như không có giới hạn nào về tâm tính kềm chế. Khi những người thua bạc phải bật ra chân lý “đỉnh của bi quan là đáy của thị trường”, thì thị trường cũng từ đó mà thản nhiên đi lên, bất chấp mọi trở ngại, kể cả việc những công ty chứng khoán kỳ cựu như Âu Việt (HNX: AVS) đe dọa sẽ… giải thể.

Thậm chí, không có mợ chợ vẫn đông. Vào năm nay, rất có thể các cổ đông của Công ty chứng khoán Âu Việt sẽ rước vào tâm trạng ngơ ngẩn lẫn tiếc nuối khôn lường. Còn với nhiều công ty chứng khoán khác, họ có thể may mắn hơn và hy vọng đến cuối cuối năm nay sẽ kết toán không đến nỗi quá tồi tệ như hơn 50% số công ty cùng ngành chịu lỗ vào năm 2012.

Thật ra, những người đã từng đổ “xương máu” cho cái thị trường vốn chứa đựng không dưới một lần lời thề “một đi không trở lại này” luôn có lý do để nghi ngờ về tính xác thực của nó. Kể cả lời phán “tốt nhất” có vẻ đáng ngờ không kém của Bloomberg. Nhưng còn những người khác, đặc biệt là số “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, thì sao?

Tất cả đều nằm trong quy luật sinh sản, tồn tại, phát triển, suy thoái và tự đào thải. Không khác gì những con sóng gần nhất vào các năm 2007 và 2009, thị trường năm nay có thể một lần nữa chứng kiến hình ảnh lớp cũ rũ áo ra đi và lớp mới lại lao vào như chưa từng có chuyện kinh khủng xảy ra.

Không quá kỳ vọng như thị trường chứng khoán Venezuela tăng đến 300% vào năm ngoái, mặt bằng giá cổ phiếu Việt chỉ cần được nâng khoảng 50% cũng sẽ không ngoài ý nghĩa “vươn lên một tầm cao mới”. Thế nhưng dường như trong thực tế, chu kỳ phục hồi lần này của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ giống với mọi chu kỳ hồi phục từ năm 2011 đến nay, nghĩa là có thể tăng mạnh, thậm chí biến thị trường này trở thành một kẻ lạc loài trong khung cảnh kinh tế ảm đạm.

Từ đầu tháng Chạp năm ngoái đến nay, tất cả vẫn đang diễn ra như một quy luật – quy luật của trò chơi mèo vờn chuột. Giai đoạn tích lũy hình như đã đủ và đang chuẩn bị kết thúc, nhường chỗ cho một giai đoạn khác hào hùng hơn hẳn.

Nếu không có gì thay đổi theo cách “bất khả kháng” như thời điểm tháng 5/2012, vào lần này chứng khoán sẽ phục hồi thật sự. Ai có thể tưởng tượng là với những gì đã hoạt náo cùng đồ thị tăng dốc đứng, chỉ số VNI sẽ không biến diễn đến khó tin khi nó “bốc” lên đến 700-800 điểm trong vài ba tháng tới đây?

Xin nhắc lại, nếu không xảy ra câu chuyện “bất khả kháng” như năm 2012, năm nay sẽ chứng kiến hình ảnh tái hiện của một “cơn điên” mới - từ ngữ mà Bill Bonner - một phóng viên Úc - vào năm 2007 đã dùng để mô tả về cuốn sách giáo khoa chứng khoán trong tay các bà nội trợ và tiểu thương bán rau của nền kinh tế tiểu nông Việt Nam.

Việt Thắng (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Tổng giám đốc BVS: 3 kịch bản cho TTCK năm 2013 (14/01/2013)

>   14/01: Bản tin đầu tuần (14/01/2013)

>   DXV: SGDCK yêu cầu giải trình chậm công bố thông tin (11/01/2013)

>   HAX: Giải trình cổ phiếu tăng 10 phiên liên tiếp (11/01/2013)

>   Lo ngại chất lượng hàng hoá chứng khoán giảm sút (11/01/2013)

>   Giá trị thanh toán giao dịch bình quân hàng năm qua VSD hơn 400 nghìn tỷ đồng (11/01/2013)

>   Khối ngoại rót ròng 51 triệu USD vào TTCK Việt Nam từ đầu năm (11/01/2013)

>   11/01: Bản tin 20 giờ qua (11/01/2013)

>   Kiểm soát an toàn tài chính CTCK qua hệ thống cảnh báo sớm (10/01/2013)

>   TTCK Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới từ đầu năm (10/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật