Thứ Sáu, 11/01/2013 11:03

Lo ngại chất lượng hàng hoá chứng khoán giảm sút

Cùng với sự suy giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chất lượng hàng hoá của thị trường chứng khoán suy giảm, ảnh hưởng tới lòng tin của nhà đầu tư.

Theo uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2012, có 21 công ty bị huỷ niêm yết, nguyên nhân bị huỷ niêm yết chủ yếu do lỗ ba năm liên tiếp; không thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định, huỷ niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc công ty và để thực hiện giải thể công ty.

Tắc kênh dẫn vốn

Nếu không có kênh huy động vốn qua trái phiếu chính phủ tăng 91%, giúp tổng giá trị huy động vốn ước đạt 166.100 tỉ đồng, tăng 68% so với năm 2011 thì thị trường đã có một bước lùi khi huy động qua cổ phiếu và cổ phần hoá giảm 42% so với năm trước.

Chất lượng hàng hoá suy giảm cũng thể hiện qua số doanh nghiệp lỗ luỹ kế tính đến hết tháng 9.2012 là 143 công ty, tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Số công ty có lợi nhuận sụt giảm là 438, tăng 12%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt 8%, thấp hơn nhiều so với lãi vay và giảm mạnh so với mức 12,3% năm 2011…

Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Quân đội (MBS), ông Quách Mạnh Hào, điểm cốt lõi về chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán nằm ở mức độ minh bạch thông tin, sao cho nhà đầu tư có điều kiện để hiểu rõ nhất chất lượng hàng hoá để họ ra quyết định mua bán. Ông Hào phân tích, việc các doanh nghiệp thua lỗ có rất nhiều nguyên nhân, có thể do môi trường kinh doanh khó khăn nhưng cũng có trường hợp do chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Còn hàng hoá nào thì có giá cả đó, do vậy ngay cả doanh nghiệp thua lỗ cũng vẫn có thể được lựa chọn, miễn là mức lỗ, nguyên nhân lỗ… được báo cáo trung thực, đầy đủ.

Chất lượng suy giảm

Xét theo tiêu chí này, rõ ràng là hàng hoá trên thị trường chứng khoán có không ít hàng kém chất lượng, thậm chí hàng giả. Nhà đầu tư không thiếu những phen ngã ngửa khi hàng loạt doanh nghiệp giải trình những kết quả kinh doanh từ lãi thành lỗ hoặc lỗ nhỏ thành lỗ lớn. Điển hình như tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (HNX: VCG) giải trình kết quả kinh doanh hợp nhất trong quý 3 lỗ tới 105,57 tỉ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 85 tỉ đồng, trong khi báo cáo tài chính riêng lẻ trước đó, VCG lãi ròng 49,34 tỉ đồng. Hay báo cáo sau soát xét kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm của công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH) đã thể hiện mức lỗ 16,3 tỉ đồng, trong khi trước đó báo lãi 613 triệu đồng; công ty cổ phần tập đoàn Thái Hoà (THV) tăng mức lỗ từ 84,17 tỉ đồng lên 129,44 tỉ đồng…

Việc lỗ và lãi bất thường, nếu không được công bố kịp thời, giải thích đầy đủ, là lỗ hổng chết người với nhà đầu tư không có thông tin, nhưng lại là mảnh đất màu mỡ cho người có thông tin. Nhìn rộng ra, thông tin về doanh nghiệp nói chung, trong đó có những sai phạm, nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ gây ra những cú sốc cho thị trường, gây hậu quả nặng nề. Hồi tháng 8 năm ngoái, trong ba ngày, vốn hoá thị trường chứng khoán giảm hơn 5 tỉ USD.

Về hoạt động của thị trường chứng khoán năm 2012, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng thừa nhận: “Chất lượng hàng hoá phát hành, niêm yết còn trong giai đoạn phát triển theo chiều rộng. Khi thị trường hoạt động có khó khăn đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Vấn đề quản trị công ty, công bố thông tin, quản trị rủi ro không ngừng được hoàn thiện nhưng mức độ tuân thủ vẫn còn hạn chế”.

Để nâng cao chất lượng hàng hoá niêm yết, Chủ tịch Vũ Bằng cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã nâng cao tiêu chuẩn phát hành, niêm yết, như: vốn tối thiểu là 30 tỉ đồng trên sàn HNX và 120 tỉ đồng trên sàn HOSE; tiêu chuẩn về lãi có bổ sung yêu cầu không có lỗ luỹ kế và chỉ tiêu lãi trên vốn chủ sở hữu (ROE) phải tối thiểu 5%... Khi thay đổi phương án sử dụng vốn phải công bố thông tin để cổ đông giám sát và phải đưa ra cuộc họp tại đại hội đồng cổ đông gần nhất... Cùng với đó, cơ quan này cũng phối hợp với vụ Chế độ kế toán, Hiệp hội Kế toán hướng dẫn khắc phục các sai sót trong soát xét, kiểm toán báo cáo tài chính…

Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng, hệ thống văn bản pháp quy về thị trường cơ bản đã đầy đủ, song vấn đề quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện và giám sát sau đó.

Thảo Nguyễn

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Giá trị thanh toán giao dịch bình quân hàng năm qua VSD hơn 400 nghìn tỷ đồng (11/01/2013)

>   Khối ngoại rót ròng 51 triệu USD vào TTCK Việt Nam từ đầu năm (11/01/2013)

>   11/01: Bản tin 20 giờ qua (11/01/2013)

>   Kiểm soát an toàn tài chính CTCK qua hệ thống cảnh báo sớm (10/01/2013)

>   TTCK Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới từ đầu năm (10/01/2013)

>   Thanh tra tại Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước (10/01/2013)

>   PTK, FDC: Không báo cáo trước giao dịch, 2 cá nhân bị phạt 80 triệu đồng (10/01/2013)

>   Tiếp tục điều tra 2 vụ thao túng giá cổ phiếu (10/01/2013)

>   Chứng khoán H.S.C bộc bạch về 6 rủi ro của CTCK (10/01/2013)

>   VTC sẽ thoái vốn tại 6 công ty cổ phần (10/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật