Bầu dồn phiếu, có cần đạt tỷ lệ biểu quyết tối thiểu?
Một Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) liên quan đến bầu thành viên HĐQT đã bị tòa án tuyên hủy với lý do không đạt đủ 65% số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
Việc bãi nhiệm, miễn nhiệm HĐQT hiện không có quy định cụ thể
|
Từ một nghị quyết bị hủy
Ngày 24/5/2011, CTCP Công nghiệp hoá chất và vi sinh (Bicico) tổ chức ĐHCĐ bất thường, bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT theo phương thức bầu dồn phiếu, với tỷ lệ biểu quyết chấp thuận đạt 62,83%. Việc bầu này đã được hợp thức hóa bằng Nghị quyết số 01/ĐHĐCĐ-NQ. Tuy nhiên, cho rằng tỷ lệ này trái với quy định của Luật Doanh nghiệp (L.DN), nhóm cổ đông đại diện cho 17,9% vốn điều lệ của Bicico đã yêu cầu tòa án tuyên hủy Nghị quyết số 01.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và tuyên huỷ Nghị quyết số 01 với lập luận: “Mặc dù Điều 29, Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành L.DN quy định việc bầu thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát (BKS) được thực hiện theo phương thức dồn phiếu, nhưng để hợp pháp thì vẫn phải tuân thủ việc đảm bảo có ít nhất 65% số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp thông qua theo tinh thần khoản 3, Điều 104 L.DN 2005”. Sau đó, quyết định của tòa cấp sơ thẩm cũng được tòa phúc thẩm công nhận.
Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp trên, tòa án đã giải thích và áp dụng chưa đúng khoản 3, Điều 104 L.DN. Khoản 3 có 3 điểm: a, b và c. Bicico áp dụng điểm c; Tòa án cũng áp dụng điểm c, nhưng kèm thêm điểm a (quy định Nghị quyết ĐHCĐ phải được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận).
Điểm c, khoản 3, Điều 104 L.DN quy định, phương thức bầu dồn phiếu được áp dụng riêng cho việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và cơ chế của nó cũng khác với cơ chế biểu quyết thông thường (một cổ phần, một phiếu bầu), đó là: “mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của HĐQT hoặc BKS và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên”.
L.DN không đưa ra phương pháp xác định kết quả của phương thức bầu dồn phiếu, nhưng Nghị định 102 đã làm rõ vấn đề này khi quy định: cách xác định kết quả bầu cử theo số phiếu bầu được tính từ cao xuống thấp (không quy định phải đáp ứng thêm điều kiện tỷ lệ biểu quyết tối thiểu 65%).
Cách xác định kết quả bầu cử này đảm bảo cho ĐHCĐ luôn bầu đủ số lượng thành viên HĐQT theo dự kiến. Xét trường hợp, nhóm cổ đông A chiếm 36% số cổ phần và nhóm cổ đông B chiếm 64% số cổ phần, thì việc chọn đủ số thành viên HĐQT sẽ rất khó khăn (thậm chí không thể thực hiện được), vì bên nào cũng muốn người của mình được bầu vào HĐQT, trong khi số phiếu biểu quyết của mình lại không đủ để một quyết định được thông qua (phải đạt từ 65% trở lên). Việc không bầu được HĐQT sẽ làm tê liệt bộ máy quản lý của doanh nghiệp.
Phương thức bảo vệ cổ đông thiểu số
Phương thức bầu dồn phiếu còn là một bước tiến quan trọng của pháp luật về doanh nghiệp Việt
Nam
trong việc bảo vệ cổ đông thiểu số. Trước khi L.DN 2005 ra đời, L.DN 1999 chỉ quy định một hình thức biểu quyết duy nhất khi họp ĐHCĐ, đó là biểu quyết theo phương thức thông thường và quyết định liên quan đến bầu và bãi nhiệm thành viên HĐQT được thông qua khi 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Như vậy, các cổ đông thiểu số (nắm dưới 49% cổ phần) sẽ rất khó có cơ hội bầu được người đại diện cho mình vào HĐQT của công ty. Hệ quả là tình trạng “cá lớn nuốt cá bé ” xảy ra phổ biến trong các công ty cổ phần. Phương thức bầu dồn phiếu là một trong những biện pháp kỹ thuật có thể khắc phục tối đa nhược điểm này.
Ví dụ: Công ty cổ phần ABC cần bầu HĐQT với 5 thành viên. Vốn điều lệ của Công ty là 1 tỷ đồng, được chia thành 100.000 cổ phần. Nhóm cổ đông thiểu số A nắm giữ 20.000 (tức 20%) số cổ phần biểu quyết và cổ đông lớn B nắm 80.000 (tức 80%) số cổ phần biểu quyết. Như vậy, tổng số phiếu bầu HĐQT của cả Công ty là: 100.000 cổ phần x 5 thành viên HĐQT = 500.000 phiếu bầu. Trong đó, nhóm cổ đông A có 100.000 phiếu bầu, cổ đông B có 400.000 phiếu bầu.
Các cổ đông đề cử 7 người vào danh sách ứng cử viên (các ứng viên để bầu đặt tên là UV1 đến UV7) để bầu ra 5 người. Theo quy định của Điều lệ Công ty, nhóm cổ đông A chiếm 20% tổng số cổ phần biểu quyết được đề cử 2 ứng viên (sau đây gọi là UV 1 và UV 2), cổ đông B được đề cử 5 ứng viên (UV3, UV4,UV5,UV6 và UV7). Theo nguyên tắc bầu dồn phiếu, có các kịch bản kết quả như sau (xem bảng).
Nếu nhóm cổ đông A muốn một người của mình chắc chắn lọt vào HĐQT thì họ sẽ dồn tất cả số phiếu bầu của mình (100.000 phiếu bầu) cho UV 1. Nói là chắc chắn, bởi vì cổ đông B dù có 400.000 phiếu bầu nhưng nếu bầu cho đủ 5 UV thì mỗi UV chỉ được 80.000 phiếu bầu và nếu họ bầu cho 4 UV thì mỗi UV chỉ đạt được 100.000 phiếu bầu. Áp dụng phương pháp lấy kết quả từ trên cao xuống, chắc chắn nhóm cổ đông A sẽ có một đại diện trong HĐQT.
Ví dụ trên càng cho thấy, áp dụng phương thức bầu dồn phiếu khi bầu thành viên HĐQT, nhưng lại lấy điều kiện về tỷ lệ biểu quyết tối thiểu (65%) để xác định kết quả bầu cử là không đúng với quy định của pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.
Băn khoăn bãi nhiệm
Luật mới chỉ quy định việc bầu thành viên HĐQT là phải áp dụng phương thức bầu dồn phiếu, trong khi việc bãi nhiệm, miễn nhiệm lại không có quy định cụ thể. Căn cứ vào điểm d, khoản 2 và điểm a, khoản 3, Điều 104 L.DN có thể suy luận rằng, quyết định liên quan đến bãi nhiệm thành viên HĐQT sẽ áp dụng phương thức biểu quyết thông thường và chỉ cần đạt tỷ lệ 65% số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp là được thông qua.
Quay lại tình huống của Công ty ABC, nếu sau khi bầu xong HĐQT mà các thành viên không “phối hợp ăn ý” với nhau, cổ đông lớn B (chiếm 80% cổ phần biểu quyết) hoàn toàn có thể triệu tập ĐHCĐ bất thường để miễn nhiệm thành viên HĐQT do nhóm cổ đông A bầu nên (vì Điều 115 L.DN cho phép ĐHCĐ có quyền miễn nhiệm thành viên HĐQT bất cứ lúc nào). Sau đó, ĐHCĐ bất thường lại bầu bổ sung một thành viên mới và lúc này, với số phiếu áp đảo, chắc chắn thành viên được bầu bổ sung sẽ là người được cổ đông B bầu nên (dù bầu theo phương thức bầu dồn phiếu).
ThS. LS. Vũ Văn Tính - ThS. Nguyễn Hồng Linh, Công ty Tư vấn đầu tư và SHTT Quốc Tế OPIC
Đầu tư chứng khoán
|