Thông tư 211 vẫn bó hẹp cửa phát hành trái phiếu
Nhiều thành viên thị trường tỏ ra bất ngờ với Thông tư 211/2012/TT-BTC hướng dẫn một số điều Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Sự bất ngờ xuất phát từ việc, khi soạn thảo Thông tư này, nhiều người đã kỳ vọng các quy định pháp lý tại đây sẽ mở rộng và tạo điều kiện cho kênh huy động vốn qua TPDN, đặc biệt khi nhu cầu phát hành trái phiếu đang ngày một gia tăng, nhưng sự thật lại không diễn ra như mong đợi.
Những vướng mắc chính
Có hai vướng mắc chính mà tất cả các ý kiến được khảo sát cùng phản ánh, liên quan đến quy định chưa rõ ràng về điều kiện để DN được phát hành.
Thứ nhất, Nghị định 90 yêu cầu DN trong báo cáo kiểm toán khi phát hành trái phiếu không được có điểm ngoại trừ, tuy nhiên không quy định rõ báo cáo ở đây là báo cáo tài chính hợp nhất hay báo cáo riêng lẻ của công ty mẹ. Quy định này đã khiến nhiều công ty mẹ của các DN tổ chức theo mô hình mẹ - con dù có báo cáo riêng lẻ của công ty mẹ “sạch”, nhưng cũng không xin phép phát hành được.
Thứ hai, Nghị định 90 yêu cầu DN phát hành phải có 20% vốn tự có trong dự án huy động vốn, nhưng Thông tư cũng không giải thích được là yêu cầu 20% vốn này được tính tại thời điểm phát hành, phải duy trì trong quá trình thực hiện dự án, hay tính tại thời điểm dự án kết thúc.
Nhiều DN lên kế hoạch tìm vốn bằng trái phiếu, nhưng bất thành
|
Ngoài ra ĐTCK ghi nhận một số ý kiến đơn lẻ nêu lên một vài vấn đề chưa được giải quyết triệt để, gồm quy định về quy trình quản lý giải ngân vốn DN thu được từ đợt phát hành, những ràng buộc đối với chủ thể phát hành trong quá trình sử dụng vốn, ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên trong báo cáo kiểm toán có bao gồm cả ý kiến chấp nhận từng phần hay không…
DN liên tiếp hủy kế hoạch phát hành vì vướng mắc
Lãi suất ngân hàng vẫn cao, khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ vẫn hạn hẹp và TTCK giảm sâu đã khiến không ít DN quy mô từ nhỏ tới lớn như Vinacomin, Sacombank, Vĩnh Sơn-Sông Hinh, Thủy sản Minh Phú… đề ra kế hoạch gọi vốn bằng phát hành TPDN từ đầu năm nay, khối lượng phát hành ít nhất vài trăm tỷ đồng.
Lãnh đạo bộ phận nguồn vốn của một ngân hàng quốc doanh chia sẻ, ông biết không dưới 3 trường hợp DN ông làm việc cùng phải hủy kế hoạch phát hành trái phiếu vì những vướng mắc mà ông cho là “không đáng có” trong văn bản pháp lý. Trong các trường hợp này, có một DN lớn, tổ chức theo mô hình mẹ - con với rất nhiều công ty con. Công ty mẹ có báo cáo kiểm toán “sạch”, nhưng vì một trong các công ty con, báo cáo hợp nhất bị kiểm toán viên nêu ý kiến ngoại trừ và kết quả là công ty mẹ không thể phát hành TPDN.
“Một khi cơ quan quản lý bắt bẻ một vài điểm theo Nghị định và không chấp thuận cho đợt phát hành, cả đơn vị tư vấn chúng tôi và DN đều không thể cố được. Tôi hiểu là cơ quan cấp phép phải tuân theo Nghị định và tôi đã hy vọng là Thông tư hướng dẫn sẽ giải quyết những quy định quá chặt trong Nghị định, nhưng thực tế là không” ông nói.
Bày tỏ sự thất vọng lớn hơn, giám đốc tư vấn của một CTCK cho biết, ông thậm chí đã phải hủy tư vấn với gần 10 DN có nhu cầu phát hành trái phiếu và có tiềm năng lớn tìm được đối tác mua, nhưng đều vướng một trong những vấn đề kể trên.
“Tôi cho rằng, Thông tư 211 chỉ tập trung giải quyết một vài vấn đề kỹ thuật, chứ không giải quyết được cho những điểm mà chúng tôi thường xuyên vướng phải trong quá trình làm việc với DN có nhu cầu phát hành”, vị giám đốc chia sẻ. “Tôi đã kỳ vọng tính thực tế cao hơn thế trong Thông tư lần này”.
Bên cạnh đó, các ý kiến phản ánh rằng, Bộ Tài chính trước đó đã có khoảng thời gian tương đối dài để nghe ý kiến đóng góp từ các thành viên, nhưng những nội dung chính yếu nhất vẫn không được đưa vào Thông tư 211. Các ý kiến đều từ chối nêu tên.
Trao đổi với ĐTCK, một thành viên của Hiệp hội Trái phiếu, người tham gia quá trình lấy ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư 211 cho biết, tất cả những vấn đề vướng mắc mà các tổ chức liên quan hoạt động phát hành TPDN đã được kiến nghị lên Bộ Tài chính trong thời gian cơ quan này lấy ý kiến thị trường. “Thông tư 211 cũng không hoàn toàn thỏa mãn các mong đợi từ Hiệp hội”, ông nói.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thành viên Hiệp hội nói rằng, không thể hoàn toàn quy lỗi cho Thông tư 211, bởi cái gốc của vướng mắc chính là ở Nghị định 90 và chỉ có cách sửa Nghị định 90 mới có thể giải quyết được.
Theo các ý kiến khảo sát, có một điểm đáng ghi nhận ở Thông tư 211 là Bộ Tài chính đã quy định về phát hành trái phiếu cho nhiều đợt phát hành tại thị trường trong nước, quy định về đại lý phát hành và chế độ báo cáo đối với tổ chức phát hành…
Quang Minh
Đầu Tư Chứng Khoán
|