Chợ chiều trái phiếu doanh nghiệp
Nếu như trái phiếu chính phủ được ví như những món “hàng tươi” thu hút người mua ở các phiên chợ sáng, thì trái phiếu doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua, phần lớn đều gặp cảnh đìu hiu chợ chiều. Vì sao?
Khối lượng TPDN phát hành thành công từ tháng 10/2011 - 10/2012
|
Trên thực tế thì trái phiếu DN không chỉ là hàng “những khế, cùng chanh” không được hấp dẫn cho lắm. Bởi có rất nhiều DN đã và vẫn đang phát hành được trái phiếu, với những đợt phát hành huy động vốn trị giá lớn, thậm chí được chào đón ở thị trường nước ngoài, từ việc đăng ký mua “sạch trơn” của các nhà đầu tư nước ngoài.
Không hẳn vì “hàng héo”
Có thể kể danh sách của những DN đã phát hành trái phiếu quốc tế trong năm 2012, với những tên tuổi lớn là Hoàng Anh Gia Lai, Masan, Vincom, Vietinbank, BIDV… Về cơ bản đây đều là những DN có vốn hóa thị trường thuộc top 10 trên sàn chứng khoán VN. Cũng đều là những thương hiệu DN cổ phần, tư nhân có doanh thu hàng nghìn tỉ đồng/ năm, hoặc nếu là ngân hàng thì cũng là ngân hàng thương mại cổ phần/ quốc doanh thuộc diện “nhất, nhì” bảng về quy mô tổng tài sản hoặc vốn chủ sở hữu. Cơ bản, có thể nói ngắn gọn những cái tên kể trên là những cái tên đi đầu trong nền kinh tế và có lẽ chẳng thua kém gì về kết quả lẫn triển vọng kinh doanh nếu so với những tập đoàn, tổng Cty chủ lực của VN.
Như vậy, không hẳn trái phiếu DN VN đều là của “ôi”, của “bỏ”. Cũng ở trên trường quốc tế, trước đây, trong giai đoạn trái phiếu DN ở thị trường trong nước chưa bao giờ khởi sắc, thì nhiều tập đoàn, Cty nhà nước cũng phát hành trái phiếu quốc tế khá thành công. Khoan bàn về chuyện sử dụng vốn sau khi phát hành của các DN này đã đi đến một kết quả ra sao, thì ít nhất hiện tượng trái phiếu DN Việt đã từng, và hiện vẫn hút được vốn nước ngoài, có thể xem là một điểm son trong chặng hành trình DN Việt vươn ra với thị trường vốn quốc tế.
Hiện trạng bây giờ
Nhưng điểm son đó đang ngày càng mờ đi. Sau một vài đợt phát hành cũng vẫn chỉ của những “ông lớn” vào đầu năm 2012 thì dường như trái phiếu DN Việt “tịt ngòi” trên sàn phát hành nợ thế giới. Nhiều người cho là các đại gia như Vietcombank, hay một vài đại gia khác trong ngành ngân hàng là chủ yếu, đã chưa kịp chuẩn bị xong kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trị giá vài trăm lên đến cả tỉ USD như dự tính, mà quan trọng nhất trong đó là chuẩn bị thông tin cụ thể cho những đợt roadshow ra mắt trong chiến dịch “tiếp thị” sản phẩm bán nợ tới các nhà đầu tư quốc tế một cách bài bản để đạt tới thành công.
Cũng có người cho là các DN VN giờ đã “cẩn trọng hơn”, nhất là khi thị trường đầu tư thế giới chưa cho thấy những triển vọng về các dòng tiền rộng rãi và một sự quan tâm thực sự rõ ràng tới các DN ở những nền kinh tế mới nổi, khi thế giới nói chung vẫn chưa thoát ra khỏi suy thoái cục bộ trên diện rộng. Lại có người cho là có thể DN Việt… nhụt chí, nhất là sau cú phản ứng trước các xếp hạng tín nhiệm và đánh giá triển vọng kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai đối với các hãng tín nhiệm quốc tế, trong khi đây lại là những tổ chức đánh giá độc lập vốn được các nhà đầu tư thế giới đánh giá cao và thường xuyên tham khảo, đặc biệt trong các trường hợp đưa ra những quyết định đầu tư.
Mỗi người một kiến giải. Vấn đề là sau gần 12 tháng của năm 2012, bao trùm vẫn là một sự ảm đạm trong hoạt động phát hành trái phiếu của DN Việt. Hơn thế, thị trường trái phiếu trong nước gần như đi ngược với trạng thái hứng khởi của thị trường trái phiếu chính phủ, khi các tổ chức tín dụng gần như đổ xô vào kênh trái phiếu chính phủ và chỉ chực chờ đến ngày đáo hạn trái phiếu DN đã đầu tư từ những năm trước đó.
Một trong những chính sách có tác động không nhỏ đến tình hình phát hành trái phiếu DN quốc tế, là Chính phủ sẽ không bảo lãnh trái phiếu DN quốc tế phát hành từ 2012 - 2014. Chính sách mới này áp dụng cho các ngân hàng chính sách, tổ chức tín dụng, và các DN hoạt động trong các lĩnh vực được ưu tiên như khai khoáng, năng lượng, hoặc công nghệ cao theo Nghị định 01/2011/NĐ-CP. Đây là kế hoạch của Bộ Tài chính nhằm tái cơ cấu các khoản vay quốc tế, qua đó hạn chế tỉ lệ nợ công và giảm trách nhiệm của chính phủ đối với các trái phiếu DN quốc tế. Tuy nhiên, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và DN vẫn có thể bán trái phiếu quốc tế mà không có bảo lãnh. Dù vậy, điều này sẽ làm tăng chi phí vay vốn và theo nhận định của nhiều chuyên gia, sẽ cản trở mạnh mẽ triển vọng phát hành thành công trái phiếu của DN VN nói chung trên thị trường quốc tế. |
Một vài các vụ phát hành thành công rực rỡ như trường hợp TCty CP Xây dựng điện VN với đợt huy động 350 tỉ đồng từ trái phiếu nhằm thanh toán các khoản phải, đã được các TCTD tranh nhau mua lại, lại không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, do VNE vừa làm ăn có lãi, vừa có tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản trị giá lớn. Đây là trường hợp hy hữu bên cạnh những vụ phát hành trái phiếu bằng… 0 hoặc những vụ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu gần như hoàn toàn thất bại. Lại có thể kể một loạt DN đã “gặm” quả đắng trong các thương vụ phát hành nợ và chuyển đổi nợ này như Vinacomin (Tập đoàn Than – Khoáng sản VN) chỉ bán được có 17% trong 3.000 tỉ đồng trái phiếu đưa ra phát hành, hay Quốc Cường Gia Lai chỉ chuyển đổi thành công 30% trái phiếu đã phát hành từ năm 2010, 70% còn lại là trái chủ đòi… tiền mặt; hay như Thủ Đức House chỉ chuyển đổi được… 2,3% trong 2 triệu trái phiếu đã phát hành vào năm 2010...
“Nắn” dòng đầu tư vào trái phiếu
Danh sách các DN lên kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm 2012 nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn đang trong tình trạng “sẽ” hoặc hoãn kế hoạch vô thời hạn còn có nhiều “đại gia”, là Cty/DN lớn như PVD (TCty khoan và dịch vụ dầu khí), PVF (TCty CP tài chính dầu khí VN)… và rất nhiều, rất nhiều DN khác, cũng cho thấy một bức tranh ảm đạm trái chiều với sự sôi động của thị trường trái phiếu chính phủ.
Đây rõ ràng là một nghịch lý, vì nói như ông Trịnh Hoài Giang - Phó Chủ tịch Hiệp hội trái phiếu VN, một thị trường trái phiếu chính phủ sôi động và đường cong lợi suất chuẩn sẽ là một trong những “tiêu chuẩn” để thị trường trái phiếu DN được “ăn theo”. Tuy nhiên, trong trường hợp này ở VN, nghịch lý lại trở thành… hợp lý do việc phát hành trái phiếu của DN vẫn chủ yếu theo cung cách mạnh ai nấy làm, không có những tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm DN để từ đó có một đường cong lợi suất trái phiếu thực sự “chuẩn”, căn cứ trên “chuẩn” lợi suất trái phiếu chính phủ. Song song đó, trong một môi trường đầu tư mà suốt 2 năm qua, đã có gần 100.000 DN phá sản, đóng cửa – con số tương đương với số DN phá sản, đóng cửa của 20 năm qua - thì việc các nhà đầu tư lớn “rụt rè” đứng ngoài thị trường trái phiếu DN, cũng là chuyện vô cùng dễ hiểu.
Xem ra, bên cạnh những điều kiện vĩ mô và dài hạn như việc cải thiện tính minh bạch của DN, thay đổi các điều kiện, quy định về việc phát hành các loại giấy tờ có giá này sao cho người mua có thể kiểm soát được mục đích sử dụng vốn từ phát hành nợ của người bán cũng như quy định về trách nhiệm của các Cty phát hành trong trường hợp mất khả năng chi trả đúng hạn cho người mua trái phiếu…, thì để kênh huy động vốn trung và dài hạn này của DN thực sự hiệu dụng, vẫn cần rất nhiều nỗ lực từ các cơ quan quản lý, trong đó có việc “nắn” dòng đầu tư của các tổ chức là ngân hàng thương mại – những “đại gia” quan trọng nhất trên thị trường trái phiếu từ xưa đến nay, sẽ quan tâm trở lại với kênh đầu tư trái phiếu DN, thay cho kênh đầu tư trái phiếu chính phủ. Và quan trọng không kém là các “đại gia” phải không xem đây như một trong những phạm trù để tính gộp vào tăng trưởng tín dụng của năm, mà qua đó bóp méo những cái nhìn cần thẳng về tín dụng trong nền kinh tế!
TS Lê Hồng Giang - Chuyên gia kinh tế:
“Phát triển thị trường trái phiếu đòi hỏi phải có chuyên môn cao hơn thị trường cổ phiếu và một điều kiện rất quan trọng là các loại lãi suất trong nền kinh tế phải được tự do hóa ở một mức độ nhất định. Trình độ chuyên môn cho thị trường trái phiếu không chỉ đơn giản là khả năng định giá trái phiếu dựa vào đường cong lợi suất mà phải bắt đầu từ các chuyên gia đánh giá rủi ro tín dụng cho các DN đến các bộ phận bán hàng của các ngân hàng đầu tư. Cổ phiếu sau khi IPO lên thị trường chứng khoán thì h ầu như chỉ còn là mối quan tâm của các nhà đầu tư với nhau. Trái phiếu sau khi phát hành đòi hỏi một đội ngũ luật sư, kế toán, chuyên viên tài chính theo dõi dòng tiền và các cam kết của nhà phát hành trong bản giao kèo trái phiếu. Không phải ngẫu nhiên mà các sản phẩm và thị trường phái sinh liên quan đến trái phiếu phát triển hơn nhiều so với cổ phiếu”.
|
Lê Mỹ
diễn đàn doanh nghiệp
|