Trái phiếu doanh nghiệp rất cần tổ chức định mức tín nhiệm
Một trong những lý do khiến cho số phận của trái phiếu doanh nghiệp trở nên chật vật là thiếu tổ chức định mức tín nhiệm...
Ở Việt Nam, dù được phép phát hành gần 20 năm nay nhưng mới có gần 20 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu và hầu hết vẫn là các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản. Theo giới phân tích, một trong những lý do chính khiến cho số phận của trái phiếu doanh nghiệp trở nên chật vật là thiếu tổ chức định mức tín nhiệm.
Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Nhóm công tác thị trường vốn thừa nhận rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển mạnh với nhiều trái phiếu được chào bán gần đây, do đó nhu cầu đối với tổ chức định mức tín nhiệm cũng tăng cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Nhóm lại tỏ ra lo ngại về việc thiếu tổ chức định mức tín nhiệm cho trái phiếu công ty ở Việt Nam, dẫn đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các loại thuế và phí trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu còn khá cao, chưa khuyến khích phát triển kênh đầu tư dài hạn này.
“Thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, quy mô thị trường hiện nay vẫn còn khiêm tốn và thanh khoản thấp. Việc kinh tế vĩ mô thiếu ổn định trong thời gian qua càng làm cho thị trường trái phiếu khó phát triển, đặc biệt là các trái phiếu với kỳ hạn dài”, Nhóm công tác thị trường vốn nhấn mạnh khi đánh giá về tiềm năng của thị truờng trái phiếu.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Nhóm kiến nghị Bộ Tài chính/ Ủy ban Chứng khoán sớm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho sự hoạt động của loại hình tổ chức định mức tín nhiệm.
Riêng về thuế đối với lĩnh vực đầu tư trái phiếu, Nhóm đề nghị Bộ Tài chính/Ủy ban Chứng khoán nghiên cứu, rà soát một cách tổng thể các loại thuế suất trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu theo hướng khuyến khích kênh đầu tư dài hạn thông qua việc xem xét miễn, giảm các loại thuế suất như thuế suất 10% đối với thu nhập trái phiếu, thuế giao dịch 10 bps đối với các giao dịch repo trái phiếu, thuế thu nhập đối với các nghiệp vụ hoán đổi (swap)...
Giải đáp những băn khoăn của các nhà đầu tư, đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 957/QĐ-BTC ngày 19/4/2012 về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Nghị định về thành lập và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm. Như vậy, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động định mức tín nhiệm và hình thành công ty định mức tín nhiệm sẽ được ban hành trong thời gian tới. Riêng về thuế suất đối với lĩnh vực trái phiếu, thuế suất nhà thầu đối với thu nhập từ lãi trái phiếu đã giảm xuống 5% (trước đây là 10%).
Ngoài ra, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp xem xét, rà soát tổng thể và sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn riêng về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán, dự kiến ban hành vào quý 4/2012.
Khác với trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty luôn có những rủi ro tiềm ẩn, do đây là hình thức huy động vốn của bất kỳ công ty nào. Về lý thuyết, nếu cần vốn, công ty có thể phát hành trái phiếu để có những khoản tiền cho vay lớn, lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng. Nhưng cùng với những lợi thế của trái phiếu, nhưng rủi ro tiềm ẩn cũng rất lớn.
Ngoài danh tiếng về khả năng tín dụng của công ty phát hành, thì tài sản thực (trường hợp tiền vay có thế chấp tài sản) hay tài sản cá nhân được thế chấp sẽ tạo an toàn cho trái phiếu. Trong trường hợp không có khả năng chi trả đúng hạn, thì các công ty phát hành sẽ tổ chức lại hoạt động tài chính để thanh lý nợ cho những người sở hữu trái phiếu.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ hoạt động của thị trường, trái phiếu công ty có thể đem đến cho các nhà đầu tư, rủi ro tín dụng, rủi ro lạm phát, rủi ro về tỷ giá, rủi ro thanh lý, rủi ro do biến cố bất ngờ, rủi ro tái thiết kết cấu...
Cùng với phát hành cổ phần, phát hành trái phiếu doanh nghiệp được coi là kênh huy động vốn hữu hiệu mà doanh nghiệp trên thế giới ưa sử dụng. Trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng không lớn, song những thành công của các đợt phát hành ít ỏi gần đây cũng chứng tỏ những nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp trong việc phát hành kênh huy động vốn này.
Trong năm nay, bất chấp sự khó khăn nhưng thị trường cũng đã chứng kiến một vài đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp khá thành công. Tập đoàn Vingroup đã có 2 đợt phát hành trái phiếu quốc tế, tháng 3: phát hành 185 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế đợt I, lãi suất coupon 5%/năm và tháng 6 phát hành 115 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế bổ sung, hoàn thành kế hoạch phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong năm.
Tháng 5, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương - VietinBank phát hành 250 triệu USD trái phiếu quốc tế bằng USD, lãi suất cố định 8%/năm. Tháng 7, Tập đoàn than-khoáng sản Việt Nam phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đợt 1, kỳ hạn 5 năm, lãi suất thả nổi. Tháng 8, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV đã phát hành 2.030 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 2 năm và 3 năm. Tháng 8, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai phát hành 850 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu phát hành là 850 tỷ đồng.
Phát hành trái phiếu chủ yếu dựa trên uy tín của doanh nghiệp, song không phải doanh nghiệp nào cũng phát hành trái phiếu được. Ngoài lý do quan trọng là chưa có tổ chức định mức tín nhiệm thì nguyên nhân khiến chưa có đường cong lợi suất chuẩn cho trái phiếu cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới thành công của phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) còn cho rằng, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu không dễ vì phải bảo đảm các điều kiện khá chặt chẽ theo Luật Chứng khoán và Nghị định 90/2011/NĐ-CP nhưng văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ.
Không những thế, những quy định bất hợp lý về thuế đối với đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay là một rào cản lớn cho người đầu tư, dù rất có cảm tình với trái phiếu.
Hoàng Xuân
tbktvn
|