Thứ Hai, 17/12/2012 13:46

Thoi thóp mía đường

Chưa bao giờ các nhà máy đường lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay khi sản lượng đường tồn kho tăng cao, giá giảm thê thảm. Cứu các nhà máy đường và hàng triệu hộ nông dân trồng mía khỏi cảnh thua lỗ đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

ĐTTC đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành đường.

Xin ông cho biết những khó khăn ngành mía đường đang đối mặt hiện nay?

Có thể nói là hết sức bi đát. Theo thống kê sơ bộ, từ đầu vụ sản xuất 2012-2013 đến nay, 10 nhà máy đường ở ĐBSCL chạy được khoảng 130.000-140.000 tấn đường, nhưng chỉ mới tiêu thụ được hơn 30% sản lượng, 70% lượng đường còn lại đang phải “ôm kho” và chịu lãi ngân hàng.

Nếu như thời điểm này năm ngoái giá đường cát trên thị trường từ 18.500-19.000 đồng/kg, nay giảm còn 14.000-14.500 đồng/kg, nhưng kêu bán rất khó.

Các nhà máy đường ở ĐBSCL đang khó khăn vì tồn kho nhiều, giá bán thấp

Ngược lại, các nhà máy phải thu mua mía nguyên liệu cho nông dân với giá từ 1.020-1.045 đồng/kg (loại 10 chữ đường), cộng với các khoản chi phí đầu vào đều tăng, nên giá thành sản xuất đường tới 15.000-15.500 đồng/kg. Với giá đường bán ra hiện tại, bình quân các nhà máy chịu lỗ 600-1.000 đồng/kg đường, nhà máy nào sản xuất càng nhiều càng lỗ nặng.

Trước những nguy cơ trên, đâu là hướng xử lý của hiệp hội?

Chúng tôi vừa có công văn kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, nhờ can thiệp một số việc cấp bách. Trước hết, các cấp thẩm quyền đẩy mạnh công tác chống buôn lậu đường, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan đến tiêu cực.

Hiệp hội sẵn sàng đóng góp kinh phí và hợp tác để chống buôn lậu đường. Có vậy mới mong chấn chỉnh nạn buôn lậu đường tồn tại từ nhiều năm qua, đe dọa sự phát triển của ngành mía đường trong nước. Bên cạnh đó, cần cơ chế linh hoạt trong xuất khẩu đường, nhằm giải phóng lượng đường tồn khó quá lớn hiện nay.

Bởi theo dự kiến, niên vụ 2012-2013 các nhà máy đường trong nước sản xuất trên 1,5 triệu tấn; cộng với lượng đường nhập khẩu theo cam kết WTO là 70.000 tấn, đường tồn kho từ vụ trước khoảng 178.100 tấn… nâng tổng lượng đường lên hơn 1,74 triệu tấn.

Cân đối với nhu cầu tiêu dùng trong nước, dự báo sẽ thừa hơn 400.000 tấn (chưa kể đường nhập lậu). Đường thừa nên việc xuất khẩu là cần thiết. Ngoài ra, kiến nghị bổ sung đường vào danh mục các mặt hàng cấm và tạm ngừng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; kể cả tạm nhập để chế biến hàng xuất khẩu…

Chiến lược phát triển ngành mía đường có tăng cường sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế?

Đến nay, chương trình sản xuất 1 triệu tấn đường đã hoàn thành, và đang hướng tới 2 triệu tấn đường vào năm 2020 nhằm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Song hiện tại, ngành mía đường đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, rất cần sự trợ giúp tích cực từ các bộ ngành trung ương để cứu vãn thị trường, từng bước ổn định sản xuất.

Nếu so với Thái Lan, ngành mía đường của nước ta đi sau hàng chục năm. Hiện tại, nông dân Thái Lan sản xuất mía theo mô hình công nghiệp, trang trại, quy mô lớn…

Bình quân mỗi hộ canh tác từ vài chục tới vài trăm ha, áp dụng cơ giới hóa trên đồng mía, từ đó giảm mạnh chi phí giá thành, chất lượng mía đạt rất cao, khoảng 13 chữ đường. Ngược lại, ở nước ta canh tác mía còn dạng nhỏ lẻ, chỉ 0,5-1ha/hộ, làm theo dạng thủ công nên chi phí cao, chất lượng mía thấp, bình quân chỉ 8-9 chữ đường.

Cụ thể, các nhà máy ở ĐBSCL cần 12.500 đồng tiền mua mía để sản xuất ra 1kg đường, trong khi Thái Lan chỉ mất hơn 6.000 đồng. Về chi phí nhiên liệu, vận hành, lao động… để ra 1kg đường, các nhà máy trong nước phải tốn thêm 3.000 đồng, ở Thái Lan chi phí này thấp do các nhà máy được điều khiển tự động.

Như vậy, giá thành sản xuất 1kg đường trong nước khoảng 15.500 đồng (chưa kể lãi ngân hàng), trong khi ở Thái Lan chưa tới 10.000 đồng. Mức chênh lệch cao nên các nhà máy đường trong nước luôn thua thiệt. Khắc phục nhược điểm này, vấn đề đầu tiên là nhanh chóng nâng cao chất lượng vùng mía nguyên liệu bằng cách tăng cường ứng dụng khoa học để tăng năng suất, chất lượng, chữ đường…

Chữ đường mía càng cao, chi phí vận chuyển, tiêu hao nhiên liệu… sẽ giảm mạnh, kéo giá thành sản xuất đường giảm theo. Song song đó, cần quy hoạch lại đồng mía một cách hợp lý về thời vụ, nâng quy mô sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa.

Các nhà máy đầu tư thiết bị hiện đại, giảm số lượng lao động, tiến tới tự động hóa nhiều khâu nhằm giảm chi phí, tăng hiệu suất. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành mía đường về vốn…

Xin cảm ơn ông.

Phương Uyên

sài gòn đầu tư

Các tin tức khác

>   Hoạt động kinh doanh ở Eurozone bắt đầu phục hồi (17/12/2012)

>   Ngành chế biến hạt điều Việt Nam (Vinacas): Nguy cơ trở thành... gia công cho thế giới (17/12/2012)

>   Công bằng khi giảm thuế cho DN nhỏ và vừa (17/12/2012)

>   DN logistics: Chưa bơi khỏi bờ đã lo chết ngộp! (17/12/2012)

>   Bộ Tài chính 'oằn lưng' trả nợ thay doanh nghiệp xi măng (17/12/2012)

>   Doanh nghiệp thủy sản bị lừa “cả chì lẫn chài” (17/12/2012)

>   Phát biểu về thủy điện như thế là vô trách nhiệm! (16/12/2012)

>   Bước chuyển xuất siêu (16/12/2012)

>   Việt Nam xuất khẩu cọc ống bê tông sang Nhật (16/12/2012)

>   Chỉ có 32 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ổn định (16/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật