Thứ Hai, 17/12/2012 11:01

Ngành chế biến hạt điều Việt Nam (Vinacas): Nguy cơ trở thành... gia công cho thế giới

Không phải ngẫu nhiên, ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Vinacas – đã cảnh báo điều này trong cuộc gặp với các nhà báo ngày 15.12 tại TPHCM.

Kinh tế khó khăn, tài chính bị thắt chặt, giá cả không ổn định, vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp v.v… đã khiến cho xuất khẩu (XK) nhân điều năm 2012 đứng trước nhiều thách thức.

“ có điều kiện” mới chỉ là ý tưởng!

Liên quan tới thông tin trên công luận gần đây rằng, Vinacas đề xuất với Bộ NNPTNT chỉ cho phép DN XK điều, khi DN phải có nhà máy chế biến với công suất 2.500 tấn điều thô/năm. Ông Học khẳng định: Đó mới chỉ là “ý tưởng” đặt ra với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, vào ngày 14.11.

Trên thực tế, Vinacas chưa hề có văn bản hay dự thảo nào gửi cấp trên, về vấn đề này. Việc báo chí đề cập, quan trọng hóa vấn đề, nghi vấn xuất hiện “lợi ích nhóm” trong ngành điều, theo quan điểm của một số DN là... không cần thiết. “Chúng tôi khẳng định, việc cho phép DN XK điều như thế nào là thẩm quyền của Chính phủ” – ông Học nói. Trong lúc đó, ông Học cảnh báo: “Hiện nay, dù XK điều VN đứng đầu thế giới, nhưng coi chừng thực chất sẽ là nước gia công điều, hơn là XK điều số 1 thế giới”. Tại sao như vậy? Chủ tịch Vinacas cho biết: Chưa bao giờ, hơn 300 DN chế biến – XK điều VN lại... “đói” nguyên liệu như bây giờ. Nếu như cách đây 10 năm, các DN chỉ nhập khẩu điều thô khoảng 20 – 30%, còn lại 70 – 80% là sử dụng nguồn nguyên liệu điều thô trong nước; thì nay, các DN phải nhập khẩu tới 50% sản lượng điều thô từ Châu Phi, Campuchia, Indonesia... mới đủ sản lượng chế biến.

Nếu VN không có những hành động tích cực phát triển vùng nguyên liệu, ngăn chặn hiện tượng chặt phá điều... chắc chắn trong một vài năm tới, ngành điều VN sẽ không còn vùng nguyên liệu trong nước để thu mua điều thô, mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài mới đủ cho chế biến, phục vụ XK và tạo việc làm cho công nhân.

DN thiếu liên kết, gây hại cho hình ảnh quốc gia

Dù không nói rõ có hay không hiện tượng “lợi ích nhóm” trong ngành XK điều, nhưng Chủ tịch Vinacas vẫn thừa nhận, ngoài Vinacas gồm 108 DN/310 DN XK điều là thành viên, còn có 29 DN lớn nhất ngành điều VN (trong số 108 DN thành viên Vinacas) đã cùng nhau lập ra Câu lạc bộ G20 (nay là G20 + 9), nhằm thống nhất các mức giá, kế hoạch XK chiến lược cho cả ngành điều VN. Chính việc làm này đã gây ra tranh cãi, bất bình trong các DN nhỏ khác không thuộc nhóm G20 + 9. Có ý kiến cho rằng xuất hiện “lợi ích nhóm” của những “ông lớn” trong XK điều là từ đây! Theo ông Học, phải công nhận một thực trạng của ngành XK điều VN hiện nay là giữa các DN thiếu một sự liên kết trong làm ăn với đối tác nước ngoài.

Khi các DN trong G20 ra mức giá XK 7,5USD/kg điều nhân. Lẽ ra phải giữ giá, thì lập tức, có không ít DN khác chào giá thấp hơn... 7,2USD/kg; thậm chí, có DN chỉ XK với giá... 6,5USD/kg. Chính những việc làm này đã phá giá hoàn toàn mức giá 7,5USD/kg. Nhiều đối tác nước ngoài mua hạt điều VN nắm được tình hình không thống nhất này đã tha hồ... ép giá XK nhân điều VN. Thiệt hại cho cả ngành điều là vô cùng lớn. Ông Học cho rằng, “đó là nhược điểm lớn của XK điều VN. Không chỉ nhiều DN trong nước phàn nàn vì trò “phá giá” này; mới đây, các DN Trung Quốc – vốn nhập khẩu 20% sản lượng điều nhân VN – cũng có văn bản gửi Vinacas cảnh báo “kiểm soát chặt chẽ giá thành, tránh tình trạng bán phá giá”, gây bất lợi cho thương hiệu hạt điều VN.

Năm 2012, dự kiến 310 DN XK khoảng 220.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch XK trên 1,45 tỉ USD, đứng số 1 thế giới. Song, ngành XK điều VN vẫn đứng trước bao thách thức, khó khăn bề bộn... Đó là vùng nguyên liệu bị thu hẹp từ 391.400ha (năm 2009) chỉ còn 355.000ha (năm 2012); sản lượng từ 291.900 tấn (2009) giảm chỉ còn 264.000 tấn (2012). Rất nhiều DN, cơ sở chế biến tham gia XK điều, nhưng rất ít DN chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Chưa có DN nào đạt chứng nhận hợp quy quy chuẩn kỹ thuật cơ sở chế biến điều – điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, theo Thông tư số 75, ngày 2.12.2009 của Bộ NNPTNT. Khoảng 70 DN được các địa phương kiểm tra đánh giá xếp loại A,B,C, thì xuất hiện không ít DN chưa đạt chuẩn DN XK điều v.v...

Theo ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Vinacas: Hơn bao giờ hết, ngành điều VN phải có sự đột phá mạnh mẽ, may ra mới thoát khỏi nguy cơ trở thành quốc gia “gia công”. Muốn vậy, ngoài việc Chính phủ và các cấp, bộ, ngành liên quan đẩy mạnh trồng điều, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, bảo đảm đủ sản lượng cho các DN chế biến, giảm tối thiểu nhập khẩu điều thô, thì các DN điều VN cũng phải chú trọng hơn nữa trong lĩnh vực đầu tư, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm từ hạt điều. Một kilôgram điều nhân, nếu chế biến thành kẹo, bánh, thực phẩm sẽ nâng giá trị lên gấp 1,7 – 2 lần giá XK thô hiện nay.

Tuy nhiên, các tập đoàn thực phẩm, bánh kẹo nước ngoài, hiện không muốn chia sẻ thị phần cho các DN VN. Vì vậy, nói như ông Học, “phải có sự hợp tác, mời gọi các Cty bánh kẹo có thương hiệu lớn của thế giới vào đầu tư, sản xuất bánh kẹo hạt điều tại VN XK sang các nước”... Làm như vậy, chẳng những VN không bao giờ là nước “gia công” đơn thuần để thu về ít ỏi ngoại tệ; trái lại, đó còn là nền móng cho một ngành sản xuất – chế biến – XK thành phẩm hạt điều chất lượng cao chính hiệu “Made in Vietnam”.

Cao Nguyễn Đông Anh

lao động

Các tin tức khác

>   Công bằng khi giảm thuế cho DN nhỏ và vừa (17/12/2012)

>   DN logistics: Chưa bơi khỏi bờ đã lo chết ngộp! (17/12/2012)

>   Bộ Tài chính 'oằn lưng' trả nợ thay doanh nghiệp xi măng (17/12/2012)

>   Doanh nghiệp thủy sản bị lừa “cả chì lẫn chài” (17/12/2012)

>   Phát biểu về thủy điện như thế là vô trách nhiệm! (16/12/2012)

>   Bước chuyển xuất siêu (16/12/2012)

>   Việt Nam xuất khẩu cọc ống bê tông sang Nhật (16/12/2012)

>   Chỉ có 32 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ổn định (16/12/2012)

>   Xử lý chuyển giá như tội trốn thuế (16/12/2012)

>   Chuyển giá: Vấn nạn toàn cầu (16/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật