Thứ Tư, 12/12/2012 14:53

Siết dòng tiền từ ngân hàng qua chứng khoán

Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Đề án tái cấu trúc TTCK vừa ban hành giúp thị trường thực chất hơn.

Ngày 6/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1826/QĐ-TTg ban hành Đề án Tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm. Ngoài những nội dung đã được đề cập trong bản Dự thảo về tái cấu trúc hàng hóa, CTCK, cơ sở NĐT…, nhằm đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, Đề án cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường giám sát dòng tiền từ ngân hàng qua TTCK.

CTCK: Hạn chế thành lập mới, cho phép chuyển ngành nghề

Theo nội dung tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán của đề án nêu trên, CTCK được phân loại thành 4 nhóm trên cơ sở chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng như tinh thần của Thông tư 226/2010/TT-BTC về an toàn tài chính các tổ chức kinh doanh chứng khoán và Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 226. Ngoài các biện pháp tăng cường giám sát quản trị rủi ro, khuyến khích sáp nhập, hợp nhất… để tăng cường sức mạnh các DN, có ba điểm đáng chú ý sau.

Một là, Đề án nêu rõ chủ trương nâng cao điều kiện thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán, hạn chế việc thành lập mới, đảm bảo duy trì số lượng các tổ chức kinh doanh chứng khoán phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hai là, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiên cứu cơ chế cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán khi bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động được phép chuyển đổi thành công ty đầu tư chứng khoán, hoạt động theo pháp luật chứng khoán hoặc đăng ký kinh doanh hoạt động theo pháp luật DN, để giải quyết các tồn đọng, nghĩa vụ tài chính với khách hàng.

Ba là nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách, quy định về miễn giảm thuế thu nhập DN cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán sau khi hợp nhất, sáp nhập… để khuyến khích việc hợp nhất, sáp nhập, mua bán lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đồng thời, Đề án thể hiện quan điểm của Chính phủ về việc khuyến khích các tổ chức tín dụng, tập đoàn có tình hình tài chính lành mạnh là công ty mẹ, chủ nợ hay đối tác hỗ trợ việc lành mạnh hóa tình hình tài chính của tổ chức kinh doanh chứng khoán như: cấp vốn, bổ sung vốn, xóa nợ hoặc chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần, khoanh nợ…

Nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài

Được nhắc đến khá nhiều trong Đề án liên quan đến TTCK là việc khuyến khích sự tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam . Theo đó, nội dung Đề án nêu rõ mục tiêu thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, góp phần phát triển TTCK. Ngoài các yêu cầu cải tổ về mặt cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho phép NĐT nước ngoài tham gia TTCK, Đề án đưa ra hai nội dung khác đáng chú ý.

Một là, nghiên cứu điều chỉnh quy định về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài tại các DN Việt Nam ; mở cửa thị trường dịch vụ chứng khoán theo các cam kết quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế và lộ trình phát triển TTCK.

Hai là, xây dựng cơ chế chuyển đổi từ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sang công ty cổ phần để niêm yết. Đây là điểm đã được nhắc đến từ lâu, nhưng thực tế triển khai cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn nhiều vướng mắc.

Ngoài hai vấn đề trên, vai trò của NĐT nước ngoài trong việc tham gia tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng được nhắc lại nhiều lần, theo nguyên tắc tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tham gia mua lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước theo cam kết WTO, cho phép tổ chức nước ngoài mua sở hữu toàn bộ tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Tuy nhiên, ngoài cơ chế khuyến khích tham gia, Đề án cũng một lần nữa nhắc lại yêu cầu tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm thu hút vốn nước ngoài trung và dài hạn, kiểm soát dòng vốn ngắn hạn; giám sát và chủ động có giải pháp xử lý tình huống đối với dòng lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài theo Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Xây dựng cơ sở NĐT, thị trường hàng hóa và giám sát dòng tiền

Mục tiêu quan trọng của nội dung tái cấu trúc cơ sở hàng hóa trên TTCK là việc nâng cao điều kiện niêm yết, phát hành đi kèm với thông thoáng hơn về các mặt thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động quản trị, quản trị rủi ro, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế đối với các DN, công bố thông tin trên TTCK cũng được yêu cầu tăng cường chất lượng để đảm bảo tăng chất lượng hàng hóa trên TTCK. Đa dạng hóa các loại sản phẩm cũng được chú trọng thông qua đề xuất nghiên cứu xây dựng cơ chế triển khai thí điểm quỹ hưu trí tự nguyện; hưu trí bổ sung và các cơ chế khác để khuyến khích hoạt động của các loại hình quỹ đầu tư, đầu tư vào các sản phẩm mới.

Về phát triển cơ sở NĐT, đề án tập trung vào 2 vấn đề là phát triển NĐT tổ chức và tăng cường bảo vệ cổ đông thiểu số. Đây vốn là hai vấn đề còn rất yếu của TTCK Việt Nam, khi NĐT trên thị trường hiện nay đa số là NĐT cá nhân và bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam vẫn đứng trong tốp cuối cùng của các nước trên thế giới theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Đối với sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…, Đề án một lần nữa nhắc lại yêu cầu các đơn vị này phải xây dựng đề án, lộ trình thoái vốn khỏi các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đối với mối liên hệ giữa khu vực ngân hàng và chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện cơ chế giám sát dòng lưu chuyển vốn từ khu vực ngân hàng tới TTCK thông qua quan hệ sở hữu giữa các NHTM và các tổ chức kinh doanh chứng khoán; nâng cao năng lực giám sát quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại đối với dòng tiền chuyển từ hệ thống ngân hàng vào TTCK.

Uyên Phạm

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TTCK năm 2012: Các chính sách có đem lại hiệu quả? (13/12/2012)

>   Thêm biện pháp thu hút khối ngoại (08/12/2012)

>   Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm (08/12/2012)

>   Bộ trưởng Bộ Tài chính: Xem xét tăng room cho khối ngoại trên TTCK (07/12/2012)

>   Thêm 2 trường hợp công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt (30/11/2012)

>   Sẽ có hướng dẫn CTCK bồi thường cho nhà đầu tư (20/11/2012)

>   Đấu giá cổ phần sẽ theo quy chế mới (19/11/2012)

>   Thuế đối với quỹ mở, quy định thế nào? (13/11/2012)

>   Hiểu đúng về thuế trong lĩnh vực chứng khoán (10/11/2012)

>   Doanh nghiệp bị phạt, khó quy trách nhiệm cá nhân (03/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật