Quan điểm mới của IMF về quản lý các chu chuyển vốn
Ngày 3/12/2012, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố việc thông qua các quan điểm mới để quản lý các chu chuyển vốn trên toàn cầu. IMF cho biết quan điểm mới này mang tính toàn diện, linh hoạt và cân bằng nhằm giúp các quốc gia thành viên gặt hái những lợi ích trong khi chế ngự được các rủi ro đi kèm với sự luân chuyển của dòng vốn.
Theo đó, IMF đã đưa ra 7 nội dung quan trọng về quản lý các chu chuyển vốn, bao gồm:
(i) Các chu chuyển vốn có thể mang lại lợi ích cho các nước nhưng cũng kèm theo những rủi ro ngay cả đối với quốc gia đã thực hiện chính sách tự do hóa các chu chuyển vốn từ lâu và đã được hưởng lợi ích từ các chu chuyển vốn này;
(ii) Nhìn chung, tự do hóa các chu chuyển vốn lợi nhiều hơn hại nếu như các quốc gia đã đạt đến mức độ nhất định về phát triển tài chính và thể chế;
(iii) Việc tự do hóa các chu chuyển vốn cần được thực hiện theo kế hoạch chặt chẽ, đúng thời điểm và theo trình tự thời gian hợp lý để đảm bảo rằng lợi ích thu được sẽ lớn hơn chi phí bỏ ra;
(iv) Quốc gia đã từng thực hiện những biện pháp sâu rộng và lâu dài để hạn chế chu chuyển vốn có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ tự do hóa nếu công tác này được thực hiện một cách có trật tự. Tuy nhiên, không thể tiên liệu trước được rằng tự do hóa là mục tiêu phù hợp cho mọi quốc gia tại mọi thời điểm;
(v) Việc tăng nhanh chu chuyển vốn vào hoặc đình trệ chu chuyển vốn ra có thể tạo ra những thách thức chính sách. Việc đối phó bằng chính sách phù hợp cần phải được thực hiện bởi các quốc gia nhận chu chuyển vốn và các quốc gia thực hiện các chu chuyển vốn;
(vi) Để quản lý các rủi ro đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng dòng vốn vào hoặc sự sụt giảm mạnh dòng vốn ra, điều quan trọng là phải có sự can thiệp của các chính sách kinh tế vĩ mô, cũng như việc quy định và giám sát sát sao sự lành mạnh của hệ thống tài chính và đảm bảo sự vững mạnh của các tổ chức. Trong một số trường hợp, việc áp dụng các biện pháp quản lý chu chuyển vốn có thể là hữu ích. Tuy nhiên, không nên sử dụng các biện pháp này để thay thế cho các điều chỉnh kinh tế vĩ mô;
(vii) Công tác hoạch định chính sách ở tất cả các nước, bao gồm cả những quốc gia tạo ra các chu chuyển vốn lớn, cần phải tính đến việc làm như thế nào để cho các chính sách của họ có ảnh hưởng tích cực đến ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu. Như vậy, sự phối hợp chính sách giữa các quốc gia sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của các chu chuyển vốn.
Theo IMF, chu chuyển vốn toàn cầu đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua, từ mức trung bình thấp hơn 5% GDP toàn cầu trong giai đoạn 1980-1999 lên mức đỉnh cao khoảng 20% GDP toàn cầu năm 2007. Trong thời gian qua, tài khoản vốn của các quốc gia đã thay đổi theo hướng từ gần như đóng cửa hoàn toàn tới mở cửa hoàn toàn, và hầu hết các quốc gia đều di chuyển theo hướng cởi mở hơn.
Tự do hóa các dòng chảy vốn, trong nghĩa rộng, đề cập đến việc giảm bớt những hạn chế hoặc phí và thuế đối với các dòng vốn của một quốc gia chuyển ra bên ngoài, có thể đem đến nhiều lợi ích nhưng cũng kèm theo các rủi ro. Chu chuyển vốn tự do trên toàn cầu có thể có những lợi ích quan trọng đối với quốc gia và nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, chu chuyển vốn có thể giúp khu vực tài chính của một quốc gia trở nên cạnh tranh hơn. Ở cấp độ toàn cầu, các chu chuyển vốn có thể thực hiện tốt hơn việc điều hòa vốn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, và giúp cho việc điều chỉnh một cách dễ dàng tình trạng mất cân đối kinh tế giữa các nước.
Tuy nhiên, chu chuyển vốn cũng có thể gây ra rủi ro quan trọng vì bản chất của các dòng vốn là dễ bay hơi và các dòng vốn này có thể lớn hơn so với khả năng hấp thụ của thị trường tài chính hay nền kinh tế của một quốc gia. Điều này có thể dẫn đến bùng nổ và sự gia tăng của tín dụng hoặc giá tài sản, và làm cho các quốc gia dễ bị ảnh hưởng từ sự bất ổn toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu gần đây đã chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải thận trọng với những rủi ro trong khi tối đa hóa lợi ích của các chu chuyển vốn.
NHNN
|