Tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn giảm mạnh
Số liệu mới nhất cho thấy ngoài Mỹ và Trung Quốc, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 3-2012 của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Nhật Bản, Canada, Brazil và Ấn Độ đều giảm mạnh.
Các số liệu này cho thấy tác động tiếp diễn của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và tác động tiềm năng của vấn đề được gọi là "vách đá tài chính" của Mỹ. Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu không chắc chắn.
Tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn giảm mạnh
|
Tiêu dùng cá nhân yếu và bóng đen của vấn đề tài chính bao trùm nền kinh tế Mỹ. Trong quí 3-2012, nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức dự báo 2,8%. Điều quan trọng hơn, tiêu dùng cá nhân chiếm đến 70% nền kinh tế Mỹ, chỉ đóng góp 36% vào tăng trưởng GDP quí 3. Trong khi đó, các cuộc đàm phán của lưỡng đảng liên quan đến vấn đề tài chính của Mỹ đến nay vẫn không có tiến bộ, nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với việc cắt giảm chi tiêu công 600 tỉ đô la Mỹ và tăng thuế tự động vào đầu năm tới.
Nền kinh tế Mỹ yếu dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế nghiêm trọng của nước láng giềng Canada. Cục thống kê Canada ngày 30-11 cho biết do xuất khẩu quí 3 sụt giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua, GDP quí 3-2012 chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo trước đó là 0,9%. Nền kinh tế Mỹ yếu và đô la Canada tăng giá khiến tổng kim ngạch xuất khẩu quí 3 của Canada giảm 2% so với quí 2, mức giảm hàng quí lớn nhất kể từ quí 2-2009.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu tác động mạnh tới Trung Quốc. GDP quí 3 của Trung Quốc chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999 và cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trưởng chậm lại trong 7 quí liên tiếp. Xuất khẩu của Trung Quốc đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Những năm gần đây, châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi bước vào quí 4-2012, số liệu sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc có chuyển biến tốt, nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đã bật khỏi đáy.
Các cuộc xung đột lãnh thổ khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiến tới cuộc suy thoái lần hai. Trong quí 3, nền kinh tế Nhật Bản suy giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lần suy giảm đầu tiên trong 3 quí vừa qua. Tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cùng với nhu cầu yếu ở châu Âu do khủng hoảng nợ khiến năm 2012 trở thành năm xuất khẩu ảm đạm nhất của Nhật Bản trong ba năm qua. Hãng tin tài chính
Bloomberg
dự báo kinh tế Nhật Bản có thể suy giảm 0,4% trong quí 4. Hai quí liên tiếp suy giảm nghĩa là nền kinh tế Nhật Bản rơi sẽ vào suy thoái lần nữa vào cuối năm nay.
Đồng thời, kinh tế Brazil, Ấn Độ phát triển chậm lại khiến nỗi lo “nhóm BRIC lu mờ” gia tăng. GDP quí 3 của Ấn Độ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 5,5% của quí trước đó và thấp hơn nhiều so mức tăng 8% của quí đầu năm nay. Kinh tế yếu kém nghiêm trọng khiến chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh đưa ra hàng loạt biện pháp cải cách, bao gồm tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, mở cửa thị trường bán lẻ và bảo hiểm để đối phó với các thách thức. Hãng tin
Reuters
cho biết Ấn Độ cần phải tạo thêm rất nhiều việc làm do sự gia tăng dân số đáng kể, đây là điều cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số.
GDP quí 3 của Brazil tăng trưởng 0,9% so với cùng năm ngoái và 0,6% so với quí trước đó. Là nước thuộc nhóm các nước mới nổi BRIC, tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Brazil đạt 2,7%, trong khi dự báo tăng trưởng năm 2012 không tới 2%. Ngân hàng trung ương Brazil đã cắt giảm lãi suất 10 lần kể từ tháng 8-2011 nhưng vẫn không thể kích thích nền kinh tế.
Phúc Minh (theo FTChinese)
TBKTSG
|