Chính sách khắc khổ có nguy cơ làm tê liệt Eurozone
Ba viện kinh tế của Pháp, Đức và Đan Mạch mới đây đã công bố báo cáo cùng chỉ trích mạnh mẽ chính sách khắc khổ mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất nhằm cứu Khu vực đồng euro (Eurozone) thoát khỏi nguy cơ sụp đổ do khủng hoảng nợ.
Người dân Bỉ tham gia cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ tại Brussels
|
Theo các đánh giá của Viện quan sát tài chính của Pháp (OFCE), Đức (IMK) và Đan Mạch (ECLM), trong bối cảnh tình hình kinh tế ngày càng đen tối, để vực dậy nền kinh tế đất nước, hầu hết các nước thành viên Eurozone đều áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng," giảm chi tiêu công.
Tuy nhiên, những chính sách khắc khổ bằng mọi giá này không những kìm hãm sự tăng trưởng vốn đã "èo uột" của châu Âu, mà tất yếu còn làm gia tăng thất nghiệp, chi tiêu xã hội lệch lạc, giảm tiêu thụ và nguồn thu thuế, dẫn đến kìm hãm khả năng giảm nợ của toàn khối đồng tiền chung.
Các báo cáo đều cho rằng sẽ là phản tác dụng khi chính sách siết chặt ngân sách lại thu hẹp môi trường kinh doanh giữa các nước trong khối và mỗi thành viên tạo ra sự suy thoái cho nước lân cận.
Để thoát khỏi sự trì trệ, ba viện nghiên cứu đề nghị châu Âu nên xem xét lại "liệu pháp" của EC, cơ quan đã ấn định rằng từ nay đến năm 2032, các nước thành viên trong khối phải đạt mục tiêu giảm nợ công xuống còn 60% GDP.
Theo các viện kinh tế trên, nhất thiết là phải làm trong sạch hóa nền tài chính công, tuy nhiên, tiến trình "trong sạch hóa" sẽ áp dụng tùy theo tình hình kinh tế của từng quốc gia.
Chẳng hạn, nước Pháp sẽ bắt đầu điều chỉnh ngân sách kể từ năm 2016. Như vậy, Paris có thể sẽ tìm lại được mức hoạt động gần với xu hướng tăng trưởng bình thường của mình và chí ít là cũng giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone, ngày 30/11, Thống đốc Ngân hàng trung ương Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) Nasser al-Suwaidi thông báo ý định mua nợ công của Bồ Đào Nha, quốc gia thành viên Eurozone đang được cứu trợ.
Nhật báo doanh nghiệp Diario Economico của Bồ Đào Nha dẫn lời ông Nasser al-Suwaidi khẳng định: "Bồ Đào Nha đã có các biện pháp hướng tới sự hồi phục. Ireland đã vượt qua cuộc khủng hoảng thành công và quốc gia thứ hai thực hiện được điều này ở châu Âu sẽ là Bồ Đào Nha. Do đó, chúng tôi có dự định mua nợ công của Bồ Đào Nha."
Hồi tháng 5/2011, Bồ Đào Nha trở thành nước thứ ba trong Eurozone cần phải cứu trợ do khủng hoảng nợ công. Nước này đã nhận được gói cứu trợ 78 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau khi cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách và tiến hành cải cách cơ cấu để tăng cường khả năng cạnh tranh.
vietnam+
|