Thứ Hai, 03/12/2012 19:46

Goldman Sachs: 10 yếu tố chi phối thị trường tài chính năm 2013

Nhìn chung, các nhà phân tích nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nhờ sự bùng nổ của thị trường năng lượng Mỹ. Nền kinh tế của các thị trường phát triển cũng như mới nổi vẫn còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng mức độ linh hoạt của các thị trường mới nổi sẽ giảm sút khi rủi ro lạm phát tăng cao.

* Citigroup dự báo giá 17 hàng hóa quan trọng nhất thế giới năm 2013

* Việt Nam thuộc top 25 TTCK tăng mạnh nhất toàn cầu năm 2012

* 5 thị trường chứng khoán "nóng" nhất thế giới 2012


 

Business Insider đã liệt kê 10 vấn đề quan trọng có thể tác động đến các thị trường trong năm 2013 được nhóm Nghiên cứu Kinh tế của Goldman Sachs, đứng đầu là Dominic Wilson, trình bày trong báo cáo vừa được công bố.

Nhìn chung, các nhà phân tích nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nhờ sự bùng nổ của thị trường năng lượng Mỹ. Nền kinh tế của các thị trường phát triển cũng như mới nổi vẫn còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng mức độ linh hoạt của các thị trường mới nổi sẽ giảm sút khi rủi ro lạm phát tăng cao.

1. “Tăng trưởng toàn cầu - Khó khăn sẽ qua, triển vọng sẽ trở nên rõ ràng hơn”

Tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn còn trì trệ vào đầu năm 2013 do căng thẳng tài khóa leo thang. Tuy nhiên, rủi ro kinh tế tại Tây Ban Nha cũng như rủi ro chính trị tại Ý sẽ suy giảm trong nửa cuối năm. Dù vậy, kinh tế toàn cầu vẫn còn dư địa tăng trưởng nhờ tình trạng chênh lệch sản lượng và nguồn cung năng lượng dồi dào hơn.

Theo nhóm nghiên cứu của Goldman Sachs, thách thức lớn nhất đối với triển vọng thị trường là các rủi ro có thể tác động đến đà tăng trưởng vào đầu năm tới với khả năng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong quý 1/2013.

2. "Fed, ECB và BoJ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ"

Lãi suất tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ duy trì ở mức siêu thấp. Các nhà phân tích cho biết: “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục ra quyết định chính sách dựa trên các yếu tố vĩ mô còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bí mật tiến hành các chương trình mua tài sản”.

Tuy nhiên, vấn đề được tranh luận nhiều nhất hiện nay là liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có tiếp tục nỗ lực nới lỏng chính sách. Dù các nhà phân tích Goldman Sachs tin tưởng BoJ sẽ đạt được tiến triển đáng kể nhưng theo kịch bản bình thường của các nhà phân tích này thì chính sách tiền tệ của BoJ sẽ không có nhiều xáo trộn lớn, đặc biệt là trong ngắn hạn.

3. "Cơ sở tìm kiếm lợi suất ngày càng mờ mịt"

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tăng nhẹ nhưng nhà đầu tư có thể đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp vì muốn tìm kiếm mức lợi suất cao hơn.

Theo các nhà phân tích Goldman Sachs, rất có khả năng các doanh nghiệp sẽ sử dụng đòn bẩy trở lại và đây là một rủi ro lớn. Tuy nhiên, ngoại trừ khu vực ngoại vi châu Âu, chất lượng tín dụng doanh nghiệp (được xác định bởi hệ số nợ/lợi nhuận) sẽ vẫn còn khả quan tại hầu hết các thị trường và điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy chất lượng tín dụng của các danh mục đáng tin cậy nhất”.

4. "Thị trường nhà ở và lĩnh vực tư nhân Mỹ sẽ đi vào ổn định”

Các hoạt động trên thị trường nhà ở Mỹ sẽ tiếp tục cải thiện trong bối cảnh lãi suất thế chấp vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục và các điều kiện cho vay tương đối dễ dàng.

Trên cơ sở đó, có hai loại tài sản mà nhà đầu tư cần lưu tâm. Thứ nhất là các chứng khoán được chọn từ ABX Index - chỉ số tài chính đo lường giá trị chung của các khoản thế chấp dưới chuẩn. Thứ hai là các ngân hàng của Mỹ - đối tượng được hưởng lợi khi các hoạt động cung cấp tín dụng nhà ở bình thường trở lại nếu giá nhà tiếp tục tăng cao.

5. “Eurozone sẽ không còn gây ra nhiều rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu nhưng vẫn là một trở lực”

Đà tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu vẫn còn yếu kém với dự báo rủi ro kinh tế tại Tây Ban Nha và rủi ro chính trị tại Ý sẽ gia tăng mạnh vào đầu năm.

Các nhà phân tích Goldman Sachs cho rằng: “Dù rủi ro tại Eurozone vẫn cao hơn so với bất kỳ khu vực nào khác nhưng các tài sản của khu vực này vẫn có thể chứng kiến đà tăng mạnh nhờ những tiến triển trong chính sách và sự vắng bóng của các mối căng thẳng mới”.

6. “Các nền kinh tế trung tâm và ngoại vi Eurozone sẽ ngày càng phân hóa”

Goldman Sachs cho rằng: “Tình trạng phân hóa tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia trung tâm Eurozone (cụ thể là Đức) và các quốc gia ngoại vi (cụ thể là Tây Ban Nha) sẽ tiếp tục mở rộng. Trong khi sự yếu kém của các quốc gia ngoại vi đã trở nên quá rõ ràng, khả năng tăng trưởng nóng của Đức là một chủ đề còn đặc biệt hơn.

7. “Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn của các thị trường mới nổi sẽ dẫn đến sự lặp lại của tình trạng căng thẳng về công suất”

Đà tăng trưởng của các thị trường mới nổi sẽ tăng tốc nhưng dư địa tăng trưởng hẹp hơn so với các thị trường phát triển. Lạm phát sẽ gia tăng rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Chúng tôi cho rằng cổ phiếu thị trường mới nổi sẽ có một năm khả quan hơn nhưng đà tăng có thể bị giới hạn bởi áp lực lạm phát và khả năng thắt chặt chính sách sớm hơn so với dự báo của thị trường”, các nhà phân tích nhận định.

8. “Tình trạng mất cân xứng giữa các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục”

Các thị trường mới nổi sẽ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để kiểm soát lạm phát và giải quyết tình trạng mất cân bằng tài khoản vãng lai.

Dù vậy, ít nhất các thị trường vẫn có một số điểm tương đồng. Chẳng hạn như các thị trường không cho rằng các quốc gia Đông Nam Á (như Indonesia hay Malaysia) sẽ nâng lãi suất. Trong khi đó, các thị trường tin rằng một số quốc gia khác (như Ba Lan) sẽ nới lỏng chính sách, đặc biệt là nếu lợi suất toàn cầu tăng cao”.

9. “Những căng thẳng trên thị trường hàng hóa sẽ được xoa dịu trong trung hạn”

Theo Goldman Sachs, câu chuyện về nguồn cung năng lượng của Mỹ sẽ dần xoa dịu căng thẳng trên thị trường dầu toàn cầu.

Các nhà phân tích của ngân hàng này cho biết: “Trên hết, chúng tôi dự báo thị trường dầu sẽ trở lại ổn định hơn với khả năng đạt được nguồn cung dồi dào hơn tại mức giá từ 80-90 USD/thùng ngày càng tăng cao. Khi tình trạng căng thẳng nguồn cung năng lượng toàn cầu được xoa dịu cũng là lúc một trong những trở ngại lớn đến đà phục hồi kinh tế được đẩy lùi. Goldman Sachs kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ vượt dự báo từ năm 2014 trở đi.

10. “Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ ổn định trở lại nhưng không mạnh như trước đây”

Dù kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ổn định trở lại vào năm tới nhưng các nhà phân tích Goldman Sachs cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ chỉ nhỉnh hơn mức 8%".

Phân tích về chu kỳ của lĩnh vực xây dựng Trung Quốc từ Nhóm nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs cho thấy nhu cầu quặng sắt có thể vẫn còn yếu khi nhu cầu xây dựng sụt giảm. Trong khi đó, việc hoàn thành các tòa nhà mới trong vòng 6-9 tháng tới có thể thúc đẩy giá đồng nhưng kim loại này có thể đạt đỉnh sau đó”.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn giảm mạnh (03/12/2012)

>   Indonesia sẽ không còn là thị trường lao động giá rẻ (03/12/2012)

>   Kinh tế Thụy Điển tăng trưởng cao hơn mức dự đoán (03/12/2012)

>   Tây Ban Nha sẽ không thể giảm thâm hụt ngân sách (02/12/2012)

>   Quốc hội Mỹ đang cân nhắc bỏ tờ 1 USD (02/12/2012)

>   Giới chức Mỹ cáo buộc lẫn nhau về bế tắc tài chính (02/12/2012)

>   Chính sách khắc khổ có nguy cơ làm tê liệt Eurozone (02/12/2012)

>   Quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới sẽ đầu tư 11 tỷ USD vào thị trường BĐS Mỹ (01/12/2012)

>   Các đại gia Thụy Sĩ vẫn kinh doanh tốt dù suy thoái (01/12/2012)

>   UAE thông báo ý định mua nợ công của Bồ Đào Nha (01/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật