Thứ Tư, 05/12/2012 14:04

Những lãnh đạo mất ghế

Môi trường kinh doanh đầy biến động trong năm qua (do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và sự hồi phục yếu ớt tại Mỹ) đã thử thách khả năng điều hành của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều người đã không thành công và buộc phải ra đi. Ngành công nghệ dường như chứng kiến nhiều xáo trộn nhất về quản lý. Có lẽ vì đây là ngành có tính chất cạnh tranh khốc liệt và luôn thay đổi không ngừng. NCĐT điểm lại dưới đây một số những xáo trộn lớn trong hàng ngũ lãnh đạo doanh nghiệp năm 2012.

Vikram Pandit của Citigroup

Tổng Giám đốc (CEO) Vikram Pandit của Citigroup.

Có lẽ người ra đi bất ngờ nhất trong năm nay là Tổng Giám đốc (CEO) Vikram Pandit của Citigroup. Ông bỗng nhiên từ chức với hiệu lực tức thì, chỉ sau khi ngân hàng này báo cáo một quý III/2012 kinh doanh khá khả quan. Theo nguồn tin thân cận, Hội đồng Quản trị đã hất cẳng Pandit vì đã mất niềm tin vào ông. Bởi lẽ, kể từ khi ông trở thành CEO vào năm 2007, hoạt động của Citigroup vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Mặc dù Pandit và ngân hàng này đều nói rằng việc ra đi là do lựa chọn của ông, nhưng rõ ràng Pandit không muốn đi cũng không được. Pandit từng nói ông không muốn trở thành một “con vịt què” (hàm ý chỉ một người sắp mãn nhiệm khỏi một chức vụ trong khi đã có người khác được chỉ định lên thay) và biết rằng ông không thể tiếp tục ở lại. Thực vậy, có nguồn tin cho rằng Michael O’Neil, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Citigroup, đã lên kế hoạch hất cẳng Pandit từ nhiều tháng trước đó. Michael Corbat, phụ trách bộ phận châu Âu, Trung Đông và châu Phi, được giao cho vị trí CEO sau khi Pandit ra đi.

Scott Thompson - Yahoo!

Tổng Giám đốc (CEO) Scott Thompson của Yahoo!

Vị CEO phải ra đi một cách nhục nhã có lẽ là Scott Thompson của Yahoo!. Ông đã xích mích với Daniel Loeb, một nhà đầu tư có thế lực, khi từ chối yêu cầu của Loeb muốn có được một ghế trong Hội đồng Quản trị của Công ty. Sau đó, Loeb đã trả đũa bằng cách bới móc hồ sơ lý lịch của Thompson. Và Loeb đã tìm thấy được cái mình cần tìm. Loeb chỉ ra rằng Thompson đã gian lận bằng cấp khi ghi ông có bằng về Khoa học máy tính trong khi ông không có. Giữa lúc nhà đầu tư không tin tưởng dàn lãnh đạo Yahoo! do hoạt động kinh doanh không ngừng sa sút, vụ gian lận bằng cấp của Thompson càng gây thêm sóng gió. Thế là giữa tháng 5.2012, Yahoo! đã tuyên bố cho Thomspon thôi việc. Vị CEO này chỉ tại vị được 4 tháng, một khoảng thời gian quá ngắn ngủi.

Aubrey McClendon của Chesapeake Energy

Tổng Giám đốc (CEO) Aubrey McClendon của Chesapeake Energy.

Mùa hè này, các cổ đông của Chesapeake Energy đã muốn lật đổ Aubrey McClendon, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn năng lượng Mỹ này, sau khi việc ông nhập nhằng tiền công và tư bị “đưa ra ánh sáng”. Cụ thể, trong 3 năm qua, McClendon đã dùng cổ phần của ông trong các giếng dầu khí của Tập đoàn làm tài sản thế chấp để đi vay hơn 1 tỉ USD cho mục đích tiêu xài cá nhân. Trước đó, ông đã khiến cho nhiều nhà đầu tư nổi giận vì giữa lúc khủng hoảng tài chính đang bùng nổ, ông lại bán ra hàng trăm triệu USD giá trị cổ phần để huy động vốn cho riêng mình. Điều này đã góp phần làm cho cổ phiếu của Chesapeake sụt giảm thê thảm.

Do đó, vụ việc trên càng như đổ thêm dầu vào lửa. Các cổ đông lớn của Chesapeake, trong đó có nhà đầu tư Carl Icahn, đã đòi phải “lọc máu” hội đồng quản trị. Cuối cùng, dưới sức ép của các cổ đông, đầu tháng 6 vừa qua, 4 trong số 9 chiếc ghế trong Hội đồng Quản trị đã bị thay và McClendon bị cách chức. Tuy nhiên, niềm vui của cổ đông chỉ được một nửa vì McClendon vẫn là CEO của Công ty.

Mike Lazaridis và Jim Balsillie của RIM

Đồng CEO: Mike Lazaridis và Jim Balsillie của RIM.

2 vị CEO đầu tiên góp mặt trong danh sách những nhà điều hành bị “đuổi” năm nay là Mike Lazaridis và Jim Balsillie, đồng CEO tại RIM, hãng sản xuất điện thoại BlackBerry (Canada). Cả hai đã bị sa thải vào tháng 1.2012 khi hoạt động kinh doanh của RIM ngày càng sa sút, đặc biệt tại thị trường Mỹ. Chiếc điện thoại BlackBerry từng được nhiều người ưa chuộng giờ đã bị lãng quên do sự bành trướng mạnh mẽ của các phiên bản iPhone và những chiếc điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android.

Scott Forstall của Apple

Tổng Giám đốc (CEO) Scott Forstall của Apple.

Trường hợp ra đi gần đây của Scott Forstall, từng đứng đầu bộ phận phần mềm iOS, lại rất đáng tiếc. Sau khi tung ra hệ điều hành di động iOS 6, Apple đã giới thiệu ứng dụng Apple Maps. Tuy nhiên, ứng dụng này lại là một nỗi ê chề khi mắc một lúc nhiều lỗi: hoạt động kém, chỉ đường sai, cơ sở dữ liệu nghèo nàn, xử lý hình ảnh kém… Một nguồn tin cho rằng Forstall đã từ chối ký vào thư xin lỗi liên quan đến ứng dụng Apple Maps và vì thế đã bị buộc thôi việc.

Forstall là ngôi sao tại Apple trong 10 năm qua khi đã phát triển hệ điều hành iOS từ con số 0. Ông được mệnh danh là “tiểu Steve Jobs” và từng được xem là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí CEO tại Apple.

Không chỉ có Forstall, mà ngay cả John Browett, phụ trách bộ phận cửa hàng bán lẻ, cũng đã mất chức chỉ sau 9 tháng tại nhiệm. Trong suốt thời gian nhậm chức, ông đã cắt giảm mạnh lượng nhân viên tại các cửa hàng và điều này đã làm suy giảm hình ảnh về dịch vụ khách hàng của Apple. Vào cuối tháng 9 vừa qua, CEO Tim Cook đã phải đứng ra xin lỗi khách hàng về cả ứng dụng Apple Maps lẫn việc các cửa hàng có quá ít nhân viên phục vụ.

Chuyện ra đi không chỉ diễn ra tại Apple, nhân vật gạo cội ở các công ty công nghệ khác cũng đã rời bỏ chức vụ của mình. Đó là Steven Sinofsky, người đứng đầu bộ phận Windows của Microsoft, người được xem là ứng cử viên tiềm năng thay cho CEO Steve Ballmer. Hay Damian Dinning, người đứng đầu bộ phận phát triển công nghệ hình ảnh của Nokia, ra đi vào cuối tháng 12 này.

Ngô Ngọc Châu

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng 2% trong 2013 (05/12/2012)

>   Kinh tế Indonesia giảm tăng trưởng trong năm 2013 (05/12/2012)

>   "Con hổ” kinh tế Philippines đang bắt đầu tỉnh giấc (05/12/2012)

>   4 trở lực khiến kinh tế Mỹ chùn bước (05/12/2012)

>   Dự báo kinh tế Anh vẫn đối mặt với nhiều thách thức (04/12/2012)

>   Nhật Bản và Ấn Độ ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (04/12/2012)

>   Nguyên nhân châu Âu gặp khó khăn kinh tế lâu dài (04/12/2012)

>   Chủ tịch Eurogroup sắp từ chức (04/12/2012)

>   Quan điểm mới của IMF về quản lý các chu chuyển vốn (04/12/2012)

>   Australia hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục (04/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật